Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua huyện Quế Sơn vẫn ưu tiên hỗ trợ các chủ thể phát triển mạnh sản phẩm OCOP nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế.
Tiếp sức các chủ thể
Bà Lưu Thị Thu - đại diện Công ty TNHH SX-TM Quý Thu (xã Quế Xuân 2, Quế Sơn) cho hay, trước đây cơ sở sản xuất bánh dừa nướng Quý Thu hoạt động với mô hình hộ cá thể quy mô nhỏ, thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh.
Năm 2019, đơn vị đăng ký tham gia chương trình OCOP và được ngành liên quan, chính quyền từ tỉnh đến xã hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm, bao bì, mẫu mã... Nhờ sản phẩm có chất lượng tốt và hồ sơ đạt yêu cầu nên cuối năm 2020 bánh dừa nướng Quý Thu được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Theo bà Lưu Thị Thu, đây là động lực lớn để công ty tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, liên kết phát triển vùng nguyên liệu... nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Với sự nỗ lực rất lớn của chủ thể và sự tiếp sức từ nhiều phía, đến cuối năm 2021 bánh dừa nướng Quý Thu được nâng hạng lên OCOP 4 sao. Hiện thị trường tiêu thụ của công ty liên tục được mở rộng, sản phẩm của đơn vị hiện có mặt tại các đại lý lớn ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh...
Công ty cũng đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Voso, Postmart. Dù chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 nhưng doanh thu của đơn vị vẫn tăng mạnh.
Năm 2021, tổng doanh thu của công ty đạt 5 tỷ đồng, tăng 2 tỷ đồng so với năm 2020. Hiện nay, đơn vị giải quyết việc làm ổn định cho hơn 35 lao động tại địa phương với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2022, Quế Sơn tiếp sức cho các doanh nghiệp, hộ cá thể có 11 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao trong giai đoạn 2018 - 2021 nâng cao năng suất, chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời chi 600 triệu đồng hỗ trợ các chủ thể thực hiện nhiều phần việc nhằm phát triển mới 7 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh.
Ông Hà Tất Phương - Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, để việc thực hiện chương trình OCOP mang lại thành công, những năm qua địa phương nỗ lực triển khai nhiều phần việc.
Ngay sau khi có chủ trương của cấp trên, UBND huyện thành lập ban điều hành, tổ giúp việc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
Ở cấp xã, giao nhiệm vụ tham mưu cho cán bộ nông nghiệp hoặc cán bộ nông thôn mới kiêm nhiệm. Các ngành, đơn vị liên quan phụ trách từng nội dung, bộ tiêu chí OCOP của tỉnh để hướng dẫn, tư vấn cho các chủ thể sản xuất đăng ký tham gia chương trình.
Ông Nguyễn Kim Vân - cán bộ chuyên trách OCOP của Phòng NN&PTNT Quế Sơn thông tin, 4 năm qua, các ngành chuyên môn ở tỉnh và huyện đã tổ chức 25 lớp tập huấn về những nội dung liên quan trực tiếp đến chương trình OCOP cho cán bộ các phòng ban của huyện, cán bộ chuyên trách nông thôn mới và OCOP cấp xã, những chủ thể sản phẩm tham gia chương trình. Từ năm 2018 - 2021, UBND huyện đã chi gần 2,2 tỷ đồng hỗ trợ các chủ thể đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm...
“Tính đến cuối năm 2021, Quế Sơn có tổng cộng 11 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 9 sản phẩm 3 sao và 2 sản phẩm 4 sao” - ông Vân nói.
Sản xuất theo chuỗi giá trị
Ông Hà Tất Phương cho biết, năm 2022 và những năm tiếp theo, huyện sẽ tập trung củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia để quản lý, điều hành chương trình OCOP theo hướng chuyên nghiệp gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đồng thời rà soát, bố trí cán bộ có năng lực, tận tâm và hiểu biết để tham mưu thực hiện chương trình hiệu quả.
Định kỳ hằng quý tổ chức họp, kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các công việc để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh. Cùng với đó, khảo sát, đánh giá hiện trạng sản phẩm, vùng nguyên liệu, lực lượng lao động, nhu cầu của thị trường để tư vấn, định hướng, hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP một cách phù hợp...
Trong phát triển sản phẩm OCOP, huyện ưu tiên những sản phẩm sử dụng nguyên liệu và lao động địa phương, chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất.
Đặc biệt, quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, Organic... Hạn chế tối đa sản phẩm tươi sống, sản phẩm thô chưa qua sơ chế biến, sản phẩm trùng lắp.
“Vấn đề quan trọng nhất là phải tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi. Hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Cạnh đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm quảng bá hình ảnh, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP...” - ông Phương nói.