Quế Sơn tích cực hỗ trợ liên kết sản xuất

NHÃ PHƯƠNG 29/09/2023 09:14

Thực hiện Nghị quyết số 17 (ngày 17/12/2019) của HĐND tỉnh, những năm qua huyện Quế Sơn tập trung hỗ trợ các HTX và nông dân xây dựng nhiều mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm đạt kết quả.

Các mô hình liên kết sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao và lúa giống hàng hóa ở vùng Đông Quế Sơn cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: N.P
Các mô hình liên kết sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao và lúa giống hàng hóa ở vùng Đông Quế Sơn cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: N.P

Tiếp sức nhà nông

Ông Nguyễn Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Phú cho hay, trong 2 vụ đông xuân 2022 - 2023 và hè thu 2023, HTX Nông nghiệp Quế Phú phối hợp với Công ty CP Giống cây trồng & vật nuôi Thừa Thiên Huế triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao ĐT100 theo phương án đã được UBND huyện Quế Sơn phê duyệt.

Bình quân mỗi vụ, các đơn vị vừa nêu liên kết sản xuất 100ha lúa thương phẩm chất lượng cao ĐT100 với 716 hộ dân trên địa bàn xã Quế Phú. Thực hiện Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mỗi vụ UBND huyện Quế Sơn chi 114 triệu đồng cho HTX Nông nghiệp Quế Phú để tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác tiên tiến và hỗ trợ 100% hạt giống lúa thuần ĐT100 cho các hộ dân tham gia mô hình.

Ông Hoa cho biết thêm, mô hình trên do HTX Nông nghiệp Quế Phú chủ trì liên kết, tổ chức sản xuất và ký hợp đồng với Công ty CP Giống cây trồng & vật nuôi Thừa Thiên Huế cung ứng toàn bộ lượng hạt giống lúa ĐT100 cho nông dân gieo sạ và bao tiêu đầu ra sản phẩm.

“Mô hình sản xuất tập trung trên các cánh đồng, gieo sạ và thu hoạch một cách đồng loạt. Sau khi gặt, doanh nghiệp tiến hành thu mua lúa tươi tại ruộng” - ông Hoa nói.

Theo nhiều nông dân tham gia mô hình, bình quân mỗi vụ năng suất lúa ĐT100 đạt hơn 7,2 tấn/ha; doanh nghiệp thu mua sản phẩm lúa tươi với mức giá 7.500 đồng/kg thì mỗi héc ta đạt giá trị không dưới 54 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư, nhà nông lãi ròng 23,5 triệu đồng/ha/vụ, tăng khoảng 30% so với sản xuất lúa thường.

Ông Lưu Văn Thành - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 17, UBND huyện Quế Sơn tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn quy hoạch vùng sản xuất theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, phù hợp với quy hoạch vùng huyện đến năm 2030.

Đồng thời chỉ đạo xây dựng các dự án, kế hoạch liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất với các HTX nông nghiệp…

Gần 4 năm qua, huyện Quế Sơn đã phê duyệt và triển khai thực hiện 1 dự án, 5 kế hoạch liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các chuỗi liên kết chủ yếu là sản xuất lúa thương phẩm, lúa giống, đậu phụng, nếp. Tổng kinh phí đã giải ngân theo cơ chế hỗ trợ của Nghị quyết số 17 gần 2,3 tỷ đồng.

“Việc thực hiện Nghị quyết số 17 trên địa bàn Quế Sơn đã đem lại những kết quả đáng khích lệ như tạo dựng được những vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao và lúa giống với quy mô lớn. Đồng thời định hướng cho người dân trong sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho người nông dân, tạo việc làm và tăng doanh thu cho các HTX nông nghiệp…” - ông Thành nhìn nhận.

Nhiều trở lực

Mặc dù hiện nay Quế Sơn đã thu hút được một số doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên chỉ mới có 3 doanh nghiệp hợp tác sản xuất lúa. Trong khi đó, những loại cây trồng khác cũng như trên lĩnh vực chăn nuôi chưa hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất bền vững.

Theo ông Lưu Văn Thành, việc thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất gặp không ít khó khăn. Đáng chú ý là thị trường nông sản không ổn định; đầu tư vào nông nghiệp có chi phí lớn, thời gian dài nhưng gặp nhiều rủi ro nên doanh nghiệp chưa mạnh dạn.

Dự án liên kết chưa xuất phát từ nhu cầu trực tiếp của doanh nghiệp, do vậy khả năng tiêu thụ nhỏ lẻ, không có tính bền vững, chỉ dừng lại trong thời gian thực hiện chu kỳ dự án, chưa nhân rộng.

Cạnh đó, máy móc, trang thiết bị, công nghệ phục vụ nông nghiệp còn hạn chế, chủ yếu sản xuất thủ công, giá cả đầu vào cao nên chi phí để tạo ra một sản phẩm nông nghiệp khá cao, đây cũng là khó khăn lớn cho các doanh nghiệp khi đầu tư liên kết sản xuất. Ngoài ra, địa hình đất đai nhỏ lẻ, manh mún, thiếu màu mỡ; lực lượng lao động nông nghiệp già yếu, không đáp ứng được các yêu cầu của sản xuất hàng hóa lớn.

Ông Nguyễn Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho rằng, các quy định, thủ tục về thuê đất, môi trường còn nhiều khó khăn, phức tạp cũng là nguyên nhân hạn chế các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết.

Thực tế trong thời gian qua, năng lực của các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn Quế Sơn còn hạn chế, tiềm lực kinh tế chưa đủ mạnh, đầu tư nửa vời, chưa theo một quy trình khoa học, khép kín. “Nghị định số 98 của Chính phủ chủ yếu là hỗ trợ sau đầu tư và tỷ lệ hỗ trợ thấp. Do vậy, các doanh nghiệp, HTX khi tham gia liên kết phải có tiềm lực, điều này gặp nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp nhỏ, HTX có nguồn lực kinh tế chưa đủ mạnh” - ông Châu nói thêm.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quế Sơn tích cực hỗ trợ liên kết sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO