Chàng kỹ sư thuộc thế hệ Gen Z quê Đại Lộc mong muốn sớm đưa công nghệ xử lý nước thải bằng vi tảo ứng dụng ở quê nhà Quảng Nam.
Công nghệ độc đáo
Nguyễn Quốc Vương (SN 1997) tại vùng quê thôn Phú Phong, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc. Ham học, đam mê nghiên cứu, Vương chọn và thi đậu vào Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng.
Những năm ngồi trên ghế giảng đường, Vương ghi dấu ấn với dự án mang tên “Futuristic Microalgae” - Vi tảo xử lý nước thải thủy sản, do anh làm trưởng nhóm nghiên cứu. Dự án đã giành được nhiều giải thưởng có giá trị tại các cuộc thi khởi nghiệp, các chương trình gọi vốn...
Theo Nguyễn Quốc Vương, nước thải từ các nhà máy chế biến thủy sản, trại chăn nuôi… luôn có nồng độ ô nhiễm cao. Trong khi đó, việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải chỉ những nhà máy, trang trại quy mô lớn mới đủ điều kiện thực hiện. Phần lớn cơ sở nhỏ chọn cách xả thẳng ra kênh rạch, sông suối, gây ô nhiễm môi trường.
Bí mật đằng sau công nghệ xử lý nước thải của nhóm nghiên cứu chính là tảo Chlorella vulgaris - một loại vi sinh vật có khả năng quang hợp, có thể tồn tại dưới dạng đơn bào hoặc đa bào. Chlorella vulgaris phát triển nhanh chóng trong môi trường nước thải với hàm lượng dinh dưỡng và protein cao.
Theo quy trình xử lý, sau khi thu gom nước thải vào bể chứa, giống tảo Chlorella được đưa vào bể xử lý với tỷ lệ thích hợp. Sau một thời gian, tảo sẽ sinh trưởng, phân hủy, hấp thụ chất bẩn, loại bỏ CO2, tạo ra ô xy, loại bỏ mùi hôi và lọc sạch nước thải.
Vi tảo không đơn thuần chỉ giúp xử lý nước thải, mà còn có khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng có trong nước để xử lý mùi hôi, hấp thụ lượng lớn CO2 và tạo ra lợi ích kép: tạo ra lượng lớn sinh khối tảo. Kết thúc quy trình xử lý, khối sinh tảo được thu hồi và dùng để tạo ra biodiesel, chất đốt viên nén năng lượng, sản xuất thức ăn chăn nuôi, làm phân bón.
Nguyễn Quốc Vương cho biết: “Công nghệ xử lý nước thải bằng vi tảo có nhiều ưu điểm. Trước hết là tiết kiệm 30% chi phí lắp đặt ban đầu; thời gian xử lý nhanh; tái sử dụng nước sau xử lý; chi phí vận hành thấp hơn so với các phương pháp xử lý nước thải bằng sinh học thông thường”.
Ngày 22/9/2022, sáng chế “Quy trình công nghệ xử lý nước thải thủy sản bằng vi tảo Chlorella Vulgaris kết hợp thu hồi sinh khối bằng phương pháp điện phân keo tụ - tuyển nổi” của Nguyễn Quốc Vương và cộng sự đã được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ KH-CN công nhận. Trong năm, dự án xử lý nước thải bằng vi tảo của Vương đoạt giải Nhất cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tại Khánh Hòa.
Mong đóng góp cho quê hương
Tháng 5/2022, Quốc Vương thành lập Công ty CP Công nghệ Tiên phong V-Biotech nhằm tìm kiếm cộng sự và nguồn vốn với mong muốn đi xa trên hành trình khởi nghiệp. Tầm nhìn của V-Biotech là cung cấp giải pháp xử lý nước thải bằng công nghệ vi tảo với chi phí thấp, hiệu quả và tính tiện lợi cao; đóng góp cho ngành công nghệ xử lý nước thải xanh.
Vương chia sẻ: “Để thực hiện dự án, chúng tôi đã nghiên cứu và phát triển suốt 5 năm qua. Từ một nghiên cứu với tính chất chuyên về khoa học và chưa đánh giá khả năng ứng dụng thực tế, tôi và cộng sự phải trải qua nhiều thử nghiệm ở điều kiện thực tế và cũng đã nhận nhiều thất bại. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là thiếu về tài chính vì đòi hỏi thời gian nghiên cứu khá dài”.
Giai đoạn đầu, Vương đặt vấn đề lắp đặt mô-đun xử lý tại nhà máy, đơn vị để vận hành thử. Qua đó, để doanh nghiệp thấy hiệu quả công nghệ của mình đáp ứng được việc xử lý nước thải và đúng với những gì mình cam kết, từ đó tạo niềm tin hơn với các cơ quan, doanh nghiệp.
V-Biotech xác định doanh thu từ dịch vụ xử lý nước thải chiếm 65% và 35% từ bán sinh khối tảo. Đến nay, V-Biotech đã xây dựng một nhà máy sản xuất vi tảo làm thức ăn chăn nuôi tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (TP.Đà Nẵng). Công ty đang tiến hành các dự án xử lý nước thải tại một số tỉnh miền Nam...
Nguyễn Quốc Vương chia sẻ: “Bằng khả năng của mình, tôi mong muốn được đóng góp điều gì đó có ý nghĩa cho quê hương. Chúng tôi dự định xin phép triển khai công nghệ của mình trong việc xử lý nước tại các ao tù, đoạn kênh rạch bị ô nhiễm. Thông qua đó còn có thể phát triển tín chỉ carbon từ nước (tảo) hiện rất được quan tâm. Tôi mong sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan của tỉnh trong thực hiện dự án”.