Rào cản chuyển đổi số từ bệnh viện

LÊ QUÂN 07/09/2023 05:47

Từ hạ tầng công nghệ thông tin đến máy móc, nhân lực... đều là những rào cản khiến các bệnh viện, cơ sở y tế gặp khó khăn khi thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành.

Các cơ sở y tế nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số. Ảnh: X.H
Các cơ sở y tế nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số. Ảnh: X.H

Chưa đồng bộ

Ông Nguyễn Ngọc Văn Khoa - Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Quảng Nam cho biết, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) chưa được đầu tư là vấn đề đau đầu nhất của BV khi thực hiện chuyển đổi số.

“BV Đa khoa tỉnh Quảng Nam được xếp loại hạng 1 đầu tiên trên cả tỉnh. Tuy nhiên, so với 3 BV tuyến tỉnh thì cơ sở hạ tầng CNTT của BV là yếu nhất và gần như mấy chục năm nay chưa được đầu tư.

Ngay cả Đề án 06 ứng dụng tại BV, hiện chúng tôi cũng chỉ có 2 đầu đọc thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp và bảo hiểm y tế (BHYT), chưa nói đến các máy móc, thiết bị để thực hiện bệnh án điện tử hay BV thông minh” - ông Văn Khoa nói.

Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định, đến hết năm 2023, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện hạng I trở lên phải triển khai bệnh án điện tử; từ năm 2024 - 2028, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Đây cũng chính là tình trạng chung của nhiều BV hiện nay khi triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý và khám chữa bệnh. Đặc biệt, tại nhiều trạm y tế, phần mềm báo cáo được sử dụng từ rất lâu nhưng vẫn chưa được thay mới hoặc một cán bộ y tế chuyên trách phải nhập 2 - 3 lần một báo cáo.

Ngoài ra, phần mềm dùng chung nhiều nơi chưa khớp với hệ thống y tế cơ sở, dẫn đến nhân viên y tế mất khá nhiều thời gian cho việc nhập dữ liệu.

Đối với việc triển khai bệnh án điện tử, ngoại trừ BV Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc đã trang bị đủ các điều kiện cơ bản như HIS (Hệ thống thông tin BV), LIS (Hệ thống thông tin xét nghiệm), RIS (Hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh) và PACS (Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh), hầu như tất cả cơ sở y tế còn lại vẫn đang loay hoay với câu chuyện trang bị hạ tầng này.

Thúc đẩy ứng dụng số

Theo Sở Y tế, tính đến thời điểm 30/6/2023, toàn tỉnh triển khai rà soát, cập nhật, tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân cho người dân trên hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử là hơn 1,5 triệu người, đạt tỷ lệ hơn 90,7%.

Bên cạnh đó, tất cả trạm y tế của 241 xã, phường, thị trấn và 18 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn (Hmis) và liên thông dữ liệu khám chữa bệnh với bảo hiểm y tế (BHYT) và phần mềm hệ thống hồ sơ sức khỏe.

Đối với Đề án 06, ngành y tế được giao nhiệm vụ thực hiện liên thông các cơ sở dữ liệu ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia. Đặc biệt, liên thông dữ liệu phục vụ các nhóm dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm: Liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử và giấy khám sức khỏe lái xe được cấp tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Tính đến thời điểm hiện tại, Sở Y tế đã phê duyệt, cấp phép thành công 44 đơn vị sử dụng hồ sơ sức khỏe chuyển dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe lên Cổng giám định BHYT liên thông phục vụ Đề án 06.

Sau mô hình điểm khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD gắn chip thay thế thẻ BHYT và khai báo lưu trú, xác thực định danh điện tử tại BV Đa khoa tỉnh Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu bắt đầu từ ngày 10/7, các địa phương và ngành liên quan phối hợp để nhân rộng mô hình này tại tất cả cơ sở y tế.

Ông Bửu cũng yêu cầu Sở Y tế, BV Đa khoa tỉnh Quảng Nam phối hợp với Công an tỉnh đánh giá việc triển khai nhân rộng sử dụng thẻ CCCD gắn chíp tích hợp BHYT trong khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, bệnh viện, thực hiện thông báo lưu trú tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh qua ứng dụng VNeID.

Từ đó, theo dõi, đôn đốc các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy chứng tử và điều chỉnh việc cập nhật dữ liệu giấy chứng sinh, giấy chứng tử đảm bảo đúng quy định.

Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh khẩn trương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy, triển khai đơn thuốc điện tử cũng như các ứng dụng của chuyển đổi số trong công tác khám chữa bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành y phải ưu tiên kinh phí cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, giành tối thiểu 1% các nguồn kinh phí của cơ quan, đơn vị để chi cho ứng dụng công nghệ thông tin.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rào cản chuyển đổi số từ bệnh viện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO