Môi trường

Rừng nhiệt đới dưới đáy biển

HỮU PHÚC - MINH HẢI 10/02/2024 11:00

Dưới đáy biển đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An) hiện nay đang thiết lập khu vực phục hồi, bảo vệ và phát triển rạn san hô, cũng như các loại hải sản có giá trị kinh tế cao.

tit-chinh.png

(QNO) – Dưới đáy biển đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An) hiện nay đang thiết lập khu vực phục hồi, bảo vệ và phát triển rạn san hô, cũng như các loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Nơi đây được ví như khu rừng nhiệt đới giàu đa dạng sinh học, là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất trên bản đồ du lịch của Việt Nam và thế giới. Và chính các chuyên gia, dự án bảo tồn và cộng đồng người dân xã đảo suốt thời gian dài đã lặng lẽ góp sức, đồng hành tạo nên “xứ sở thần tiên” dưới đại dương.

tit-phu_1.png

Các ngư dân từ là đối tượng khai thác rạn san hô đã đồng hành với cán bộ bảo tồn trong sứ mệnh bảo vệ đa dạng sinh học dưới đáy biển. Hành trình tái tạo nguồn lợi, phát triển rừng nhiệt đới dưới đáy biển cũng lắm gian truân.

Thời tiết cực đoan như siêu bão, nhiệt độ nước biển tăng là các yếu tố làm san hô bị hư hại, nhưng “sát thủ” nguy hiểm nhất chính là việc ngư trường đánh bắt tự do, ngư dân còn thói quen khai thác san hô mang về nung làm vôi làm vật liệu xây dựng.

chum-anh_sh123.png
Hành trình tái tạo nguồn lợi, phát triển rừng nhiệt đới dưới đáy biển cũng lắm gian truân.

Tuy nhiên, sau khi chủ trương thành lập Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, năm 2005, quy chế quản lý khu bảo tồn này đã ban hành được xem như công cụ pháp lý để bảo vệ nghiêm ngặt rạn san hô. Trong tổng diện tích 23.500ha, bao gồm 7 đảo và vùng biển mặt nước xung quanh Cù Lao Chàm, quy chế đưa ra cũng giới hạn phạm vi được phép khai thác hải sản và khu vực cấm hoàn toàn để phục hồi, phát triển các rạn san hô.

Đụng đến sinh kế bao đời nay của ngư dân, không phải dễ dàng để họ từ bỏ ngư trường đánh bắt quen thuộc, nên thời gian đầu tình trạng khai thác lén lút trong vùng biển cấm vẫn còn xảy ra. Làm thế nào để ngư dân đồng hành ủng hộ và không quay trở lại tìm sinh kế ở vùng biển cấm, đó là điều chính quyền thành phố trăn trở và phải tìm cách giải quyết căn cơ vào thời điểm đó.

chum-anh_sh4567.png
Các ngư dân từ là đối tượng khai thác rạn san hô giờ đánh bắt hải sản có trách nhiệm và đồng hành cùng cán bộ bảo tồn trong bảo vệ hệ sinh thái biển.

Ông Huỳnh Đức, cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm trước năm 1.996 là một tay thợ lặn hảo hạng chuyên bắt tôm hùm, khai thác san hô. Nhận thấy nghề lặn biển bấp bênh, lại phá hoại hệ sinh thái nên ông và nhiều ngư dân ở Bãi Hương mạnh dạn tham gia ngay từ đầu mô hình đồng quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và đã gắn bó với đơn vị suốt mấy chục năm qua.

phat-bieu-ong-duc(1).png

Năm 2011, 19,5km2 diện tích mặt nước đã được giao cho cộng đồng Bãi Hương đồng quản lý. Và thật may mắn cũng trong năm này, Viện Hải dương học Nha Trang chuyển giao công nghệ, kỹ thuật phục hồi san hô cho Ban Quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Cái khó nhiều năm sau đó, khu bảo tồn vẫn loay hoay tìm kiếm cán bộ, nhân viên kỹ thuật lấy giống ươm trồng san hô.

Đến năm 2018, dự án “Thiết lập mô hình quản lý và phát triển nguồn lợi thủy hải sản ven bờ ở Việt Nam” do Cơ quan Tài nguyên thủy sản Hàn Quốc (FIRA) hỗ trợ thì những nỗ lực trồng rừng dưới biển mới thực sự bài bản và khoa học. Theo đó, 13 nhân viên, cán bộ của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, lẫn cán bộ Hàn Quốc và hàng chục lượt cán bộ, ngư dân được cử đi đào tạo chuyên sâu về công tác bảo tồn biển, nhất là kỹ thuật xây dựng mô hình rạn san hô nhân tạo. Và chính lực lượng này đã làm nên cuộc hồi sinh mạnh mẽ các rạn san hô.

tit-phu_2.png

Nhiều diện tích san hô đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do kiểu khai thác tận diệt từ gần 20 năm trước giờ đây đã được phục hồi và phát triển thêm nhờ việc bảo tồn và ươm trồng mới hiệu quả. Và từ đây các hoạt động kinh tế biển, du lịch cũng đã sinh lợi.

Bất lợi nhất khi ươm trồng san hô ở “thủy cung” Cù Lao Chàm là địa hình nền đáy, dòng chảy và các yếu tố môi trường quá phức tạp. Các hạng mục cấy nhân tạo chỉ thực hiện trong mùa xuân và mùa hè.

chum-anh_sh89.png
Những mầm san hô được cấy vào những ống nhựa ráp sẵn thành giá thể và cố định. Ảnh: KBT biển CLC.

Dưới lòng biển, việc trồng san hô khó gấp bội lần trên đất liền do người lặn phải giữ tư thế cân bằng, di chuyển làm sao để các cá thể san hô tách ra an toàn, không bị gãy vụn. Các mảnh san hô đã cắt được đưa vào các xô nhựa lớn đổ đầy nước và sục oxy để vận chuyển đến nơi suy thoái cần phục hồi.

Sau khi di chuyển vào vùng tổn thương, những mầm san hô được cấy vào những ống nhựa ráp sẵn thành giá thể và cố định với khoảng cách nhất định. Hết 3 tháng ươm giống, các nhân viên bắt đầu đưa san hô từ vườn ươm đi trồng chính thức ở những vùng bị tổn thương nhiều.

anh_sh10.png
Phục hồi thành công một rạn san hô.

Năm 2023, các nhân viên của khu bảo tồn đã cấy được 1.012 tập đoàn san hô gồm các dạng cành, bàn, phiến. Tỷ lệ sống trung bình trên cả 3 vùng đạt 60%. Trong đó, Bãi Bắc có tỷ lệ san hô phục hồi cao nhất 76,92% và Bãi Nần có tỷ lệ san hô phục hồi thấp nhất 35,82%.

phat-bieu-ong-nguyen-van-vu.png

Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, rạn nhân tạo tại Bãi Xếp được thả theo phương án tập trung với 50 khối mỗi điểm và được xếp thành từ 2-3 lớp nhằm mục đích tạo các khoảng trống làm nơi để các loài thủy sinh đến trú ngụ và sinh sống. Sau khi các cấu trúc rạn đạt trạng thái ổn định, sẽ trồng rong biển và cấy san hô cứng.

chum-anh_sh8111213.png
Đến nay, các nhân viên của khu bảo tồn đã cấy thành công hàng chục nghìn tập đoàn san hô.

Kết quả khảo sát, đánh giá nguồn lợi thủy sản tại khu vực thả rạn san hô nhân tạo cho thấy mức độ đa dạng, phong phú và mật độ các loài sinh vật biển (đặc biệt là các rạn san hô và cá có giá trị kinh tế cao) có sự gia tăng rõ rệt.

Một báo cáo cho thấy năm 2023, độ che phủ san hô sống (gồm san hô cứng và san hô mềm) toàn vùng và 2 phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, bảo vệ không nghiêm ngặt ở Cù Lao Chàm đều tương đương nhau (47,0 ÷ 47,3%). So với giai đoạn 2018 ÷ 2022, độ phủ san hô được duy trì khá ổn định.

Tại khu vực Hòn Lá, Hòn Dài đến Bãi Hương, Bãi Bắc, bãi Nần… vườn san hô được bảo tồn rất nghiêm ngặt, đây được xem là “thủy cung” Cù Lao Chàm. Khi mang các thiết bị lặn sâu chừng 15m, như lạc vào mê cung của xứ xở thần tiên, bởi các tầng san hô lấp lánh sắc màu, cùng với sự đa dạng của các loài động thực vật biển.

box.png
chum-anh_sh202122.png
Dưới lòng biển Cù Lao Chàm đẹp như xứ sở thần tiên. Ảnh: KBT biển Cù Lao Chàm.
tit-phu_3.png

Cùng với nỗ lực bảo tồn biển không ngơi nghỉ, các cấp chính quyền TP.Hội An đã luôn chung tay hành động cho một Cù Lao Chàm sạch hơn bằng việc thường xuyên tổ chức thu dọn và giám sát rác thải nhựa tại bãi biển và rạn san hô.

Mỗi năm vào dịp tháng 5 và 12, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đều huy động tối đa lực lượng đến các bãi biển và lặn xuống đáy biển khu vực bảo tồn san hô để thu gom rác thải nhựa. Các đợt ra quân thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng dân cư và hệ thống chính trị địa phương.

chum-anh_sh141516.png
Vớt rác cả trên mặt nước lẫn dưới đáy biển ở khu vực bảo vệ san hô nghiêm ngặt.

Theo báo cáo, giai đoạn 2019 - 2023, trung bình mỗi đợt thu gom gần 8,5 tấn rác trên các bãi biển và 50kg rác trên các vùng rạn san hô. Qua đánh giá, rác thải từ nhựa và liên quan đến nhựa chiếm tỷ lệ trung bình lần lượt là 73% và 81% trên tổng khối lượng các loại rác thu thập được tại các bãi biển và tại các rạn san hô.

chum-anh_-sh171819.png
Đảo Cù Lao Chàm xanh như ngọc.

Ông Nguyễn Văn Vũ thông tin thêm, đơn vị đã có 10 nhân viên thường xuyên vớt rác trên vùng biển quản lý. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền trực quan để mỗi người dân, du khách và doanh nghiệp không xả rác xuống biển, đặc biệt nơi có rạn san hô; khách lặn biển không được giẫm đạp lên rạn san hô; yêu cầu tập kết thúng chai, lưới đánh cá xa khu vực có các rạn san hô…

phat-bieu-ong-nguyen-the-hung.png

Xử lý 9 vụ ngư dân đánh bắt thủy sản trong vùng cấm
Theo Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, năm 2023, Tổ tuần tra cộng đồng của đơn vị phối hợp với Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm, Công an viên thôn Bãi Hương (xã Tân Hiệp) tổ chức 61 lượt tuần tra, qua đó phát hiện và xử lý 9 vụ vi phạm do ngư dân khai thác thủy sản trong khư vực bảo vệ nghiệm ngặt rạn san hô.

Nội dung: HỮU PHÚC - MINH HẢI
Đồ họa: NGUYỄN TUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rừng nhiệt đới dưới đáy biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO