Văn hóa - Văn nghệ

Sống cùng người Việt...

LAM YÊN 24/03/2024 13:04

Họ lựa chọn Hội An, với mê say văn hóa lẫn cảnh sắc nơi này. Để từ vùng đất nhỏ bên sông Hoài, khởi đi nhiều hơn những cuộc chơi với nghệ thuật…

z5171171161662_431bf5237e81ea987ac4f77ffb334611.jpg
Saeko Ando giới thiệu tác phẩm từ sơn ta của mình. Ảnh: L.Y

Mơ về nghệ thuật cân bằng

Tháng 8/2023, Triển lãm “Vũ trụ vi mô - vũ trụ vĩ mô - Hội An nơi tôi sống giữa hai vũ trụ” của họa sĩ Nhật Bản Saeko Ando như một cách đánh dấu sự trở về của chị với người Hội An, ngay tại mảnh đất này. Saeko Ando được biết tới là nữ họa sĩ Nhật Bản duy nhất sử dụng sơn ta - chất liệu sơn truyền thống của Việt Nam để sáng tác.

Năm 2016, sau 21 năm sinh sống tại Sài Gòn, Hà Nội, Saeko Ando lại tìm về Hội An. Dẫu phố Hội là nơi chị dừng chân dài ngày nhất trong chuyến hành trình lần đầu tới Việt Nam vào năm 1995. Saeko Ando nói, lựa chọn về ở tại Hội An, chính là giai đoạn mang tính chuyển hóa tâm thức khi chị cảm nhận là một với thiên nhiên.

Một nguồn năng lượng tỏa ra từ thiên nhiên, để người phụ nữ Nhật Bản này biểu hiện những suy niệm của mình thông qua nghệ thuật. Chị nói, những bức tranh vẽ ở giai đoạn này của chị luôn mang tính giao thoa giữa con người và vạn vật.

Trong triển lãm “Trăng” tổ chức vào tháng 9/2023 tại TP.Hồ Chí Minh, sau khi thành công với triển lãm đầu tiên tại Hội An, Saeko Ando tiếp tục chuyển tải được tinh thần này đến với người xem.

Triết lý Zen (thiền), niềm say mê với thiên nhiên và ảnh hưởng của thẩm mỹ Nhật Bản đều tụ họp, hòa quyện khéo léo trong các tác phẩm mỹ thuật sử dụng sơn ta của chị.

z5171171677663_880c8eb3b9297961c8f2b1ea6180ea04.jpg
Tác phẩm của Saeko Ando. Ảnh: L.Y

Saeko Ando nói, bây giờ, chị đã trở thành một phần của cộng đồng dân cư Hội An. Nữ họa sĩ này đã thành lập xưởng tranh tại phố Hội.

Bên cạnh việc sáng tác tác phẩm sơn mài theo phong cách riêng, chị còn truyền kinh nghiệm và kiến thức sáng tạo từ sơn ta cho những người trẻ hơn. Nữ họa sĩ này mong sẽ thiết lập nên một nơi hội tụ cộng đồng những người yêu văn hóa và mỹ thuật, với tên gọi “Sơn Mài Hội An”...

Từ ô cửa nhìn ra biển

Lodovico Rugerri - người đàn ông Ý đã đến Hội An chừng hơn 20 năm. Quãng thời gian đủ dài để ông nói tiếng Việt sõi như người Quảng. Hai cô con gái nhỏ chơi với trẻ em trong làng chài mà không vướng rào cản về ngôn ngữ lẫn cách hành xử.

Căn nhà của Lodo sát biển và có rất nhiều ô cửa. Mở ra, một khoảng sân cỏ rộng thênh thang, đón nắng gió nơi cửa biển ngay trước thềm nhà. Kiến trúc và cả vật liệu xây dựng ngôi nhà này đều chọn ý niệm gần nhất với thiên nhiên.

Vợ của Lodo - nhà thiết kế người Bỉ Aldegonde van Alsenoy lựa chọn những đường vân của chiếu cói là cách thức trang trí tạo điểm nhấn cho ngôi nhà đặc biệt.

418727759_782497310565155_7096514610359728366_n.jpg
Ava là nhà thiết kế thân thiết của phụ nữ Cơ Tu. Ảnh: AVANA Vietnam

Lodo là người “khuấy động“ Cù Lao Chàm khi mang các tour du lịch lặn biển đầu tiên về đây. Ông có một trung tâm lặn biển, vừa dạy lặn vừa làm du lịch.

Năm 2020, hàng loạt sự kiện du lịch tại Hội An ra đời vào mỗi tối thứ Bảy, ở khu vực bãi biển An Bàng do Lodo cùng bạn bè của ông tổ chức. Từ âm nhạc, vẽ doodle, gốm sứ, vũ đạo và hiphop cho đến nghệ thuật tranh tường... mỗi thức một sắc điệu làm “thức giấc Hội An” sau những ngày dài im vắng vì dịch bệnh.

Còn Ava là nhà thiết kế thân thiết của đồng bào Cơ Tu. Cùng với thương hiệu thời trang Avana, chị đã thành lập thêm thương hiệu Co’tu,re - một cách ghép chữ của Cơ Tu và haute couture (thời trang đẳng cấp). Các mẫu trang phục dùng chất liệu từ thổ cẩm Cơ Tu cùng ý tưởng thiết kế hiện đại đang được giới thiệu tại các quốc gia Bỉ, Nhật Bản, Pháp, Ý...

Đam mê văn hóa Việt, say sưa với khung cảnh yên bình của phố Hội, họ đã chọn về mảnh đất này, để sống cùng người Việt Nam...

CO’TU, RE là bộ sưu tập tiêu biểu của AVANA và cũng là sản phẩm hợp tác đầu tiên giữa hai nhà thiết kế người Bỉ là Nele De Block SENNES và Aldegonde van Alsenoy (Ava).

Lấy cảm hứng từ kỹ thuật dệt hạt thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Cơ Tu, họ đã cho ra mắt CO’TU, RE - bộ sưu tập thương mại công bằng (fair trade), kết hợp giữa thời trang cao cấp với nghệ thuật dệt thổ cẩm. Hai nhà thiết kế hỗ trợ những thợ dệt Cơ Tu tại làng Đhơ’rồng thành lập nhóm kinh doanh bền vững của riêng họ: CoTu YaYa. Nhà thiết kế Nele hướng dẫn về kỹ thuật thiết kế và dệt may. Trong khi đó, nhà thiết kế Ava hỗ trợ họ các kỹ năng cần thiết để tự vận hành cung ứng.

(Theo AVANA Vietnam)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sống cùng người Việt...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO