Nhà nước và cử tri

Sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính: Bổ sung rõ nguyên tắc pháp lý, trách nhiệm bảo mật thông tin và giá trị pháp lý của dữ liệu điện tử

HỒNG CHÂU 16/05/2025 15:53

(QNO) - Chiều 16/5, tại Tổ 5 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Quảng Nam, Yên Bái và Bình Dương), đại biểu đã thảo luận các nội dung theo chương trình kỳ họp, trong đó có thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

15994b89-8de0-4280-9392-f65db9cef4be.jpg
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 5 chiều 16/5. Ảnh: HỒNG CHÂU

Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) tán thành với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, sát với thực tiễn quản lý nhà nước hiện nay.

Việc bổ sung, chỉnh lý dự thảo luật lần này cần chú trọng hơn đến yếu tố công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi người dân, và đặc biệt là khả năng thực thi của đội ngũ cán bộ trong điều kiện thực tế.

Qua nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh tham gia phát biểu các nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, tại Điều 18a dự thảo: Ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý vi phạm hành chính. Đại biểu cho rằng nên bổ sung rõ nguyên tắc pháp lý, trách nhiệm bảo mật thông tin và giá trị pháp lý của dữ liệu điện tử.

Lý do: Quy định mới của dự thảo đang mang tính định hướng tích cực, thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý nhà nước. Dự thảo thể hiện sẽ giao cho Chính phủ quy định chi tiết việc xử lý. Tuy nhiên đề nghị cần làm rõ nguyên tắc sử dụng dữ liệu số vì nếu không làm rõ, có thể phát sinh tranh chấp về hiệu lực pháp lý của chứng cứ điện tử, trách nhiệm bảo mật, và quy trình đảm bảo tính hợp lệ của việc lập biên bản, ra quyết định xử phạt.

Ví dụ: Hiện nay, việc áp dụng hệ thống camera giám sát giao thông nhưng người dân còn hoài nghi về việc dữ liệu bị can thiệp. Nếu không có quy định chặt chẽ, người dân có thể mất niềm tin vào hệ thống xử phạt tự động.

Do đó đề nghị bổ sung nội dung: “Dữ liệu điện tử sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính phải được thu thập, lưu trữ, xử lý theo đúng quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đảm bảo tính toàn vẹn, xác thực và có thể kiểm chứng”.

Thứ hai, về xác minh tình tiết của việc vi phạm hành chính được quy định tại Điều 59 của luật. Luật quy định: Người có thẩm quyền xử phạt hoặc lập biên bản có thể xác minh tình tiết, nhưng không quy định rõ thời hạn xác minh, dẫn đến kéo dài, chậm trễ. Thực tiễn, nhiều vụ việc bị kéo dài hàng tháng vì “đang xác minh tình tiết”, ảnh hưởng đến quyền lợi người bị xử lý, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường, không có cơ chế giám sát tiến độ hoặc lý do chậm trễ.

Ví dụ: Một doanh nghiệp bị đình chỉ xây dựng chờ xác minh hồ sơ vi phạm môi trường trong suốt hai tháng, gây thiệt hại hàng tỷ đồng, trong khi thực tế có thể chỉ cần một tuần có thể xác minh rõ ràng.

Do đó, đề nghị việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính phải trong thời hạn cụ thể về ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản. Trường hợp cần thiết, phải có văn bản gia hạn nêu rõ lý do và có giới hạn ngày làm việc.

eec8de1f-53c9-4938-bdfb-cf16982cb34e.jpg
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: HỒNG CHÂU

Thứ ba, về nội dung bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 59. Đại biểu cho rằng việc bổ sung này là cần thiết, tuy nhiên để phù hợp thực tiễn và nâng cao chất lượng quản lý thì đề nghị luật cần xây dựng theo hướng ràng buộc rõ người thực hiện xác minh phải thuộc quyền quản lý và giao trách nhiệm toàn diện cho người có thẩm quyền (nội dung, quy trình, kết quả).

Có như vậy mới làm rõ trách nhiệm pháp lý của người có thẩm quyền kể cả khi ủy quyền, phân công xác minh. Đồng thời đảm bảo nguyên tắc người ra quyết định xử phạt chịu trách nhiệm chính, tránh tình trạng “đùn đẩy, né tránh” khi có sai sót trong xác minh.

Thực tế hiện nay, trong nhiều lĩnh vực như môi trường, an toàn thực phẩm, giao thông..., có trường hợp người có thẩm quyền không trực tiếp đi xác minh, mà giao cho bộ phận chuyên môn hoặc cấp dưới thực hiện.

Nếu không quy định rõ đơn vị được giao phải thuộc quyền quản lý, sẽ phát sinh rủi ro như: Có thể thuê đơn vị bên ngoài xác minh sẽ dẫn đến kết quả không đảm bảo tính khách quan hoặc giao việc cho người không có đủ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ.

Do đó, để luật chặt chẽ hơn đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi khoản 3 Điều 59 như sau: “Người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này trực tiếp thực hiện xác minh hoặc giao cho tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý thực hiện xác minh. Trường hợp giao cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện xác minh, người có thẩm quyền vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quá trình, nội dung và kết quả xác minh, đồng thời phải bảo đảm việc xác minh tuân thủ trình tự, thủ tục và thời hạn luật định”.

Thứ tư, tại khoản 1 Điều 62 (sửa đổi): Quy định người có thẩm quyền “đang giải quyết vụ việc phải chuyển hồ sơ, giấy phép… nếu có dấu hiệu tội phạm”. Đại biểu cho rằng quy định như vậy là chưa rõ ràng về thời điểm chuyển. Với nội dung dự thảo này, có thể nhận thấy, chưa có quy định thời gian cụ thể dẫn tới có thể chậm trễ, làm mất chứng cứ hoặc kéo dài thời gian xử lý vi phạm. Do đó, đề nghị ban soạn thảo bổ sung mốc thời gian cụ thể.

Thứ năm, trong quá trình thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, đối với các trường hợp hoãn thi hành quyết định phạt tiền và giảm, miễn tiền phạt được quy định tại Điều 76, 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020 quy định: Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt xem xét, quyết định việc hoãn, giảm, miễn.

Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp cần phải thực hiện việc xác minh để xem xét, quyết định nhưng công tác xác minh thường kéo dài, nhất là đối với các khu vực miền núi có hệ thống giao thông, thời tiết không thuận lợi.

Vì vậy để việc xem xét, quyết định việc hoãn, giảm, miễn tiền phạt được đảm bảo, đề nghị ban soạn thảo sửa đổi thời hạn xem xét, quyết định việc hoãn thi hành quyết định phạt tiền, miễn, giảm tiền phạt từ 5 ngày làm việc thành 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn tại khoản 2 Điều 76 và khoản 6 Điều 77.

Theo chương trình kỳ họp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ hợp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính: Bổ sung rõ nguyên tắc pháp lý, trách nhiệm bảo mật thông tin và giá trị pháp lý của dữ liệu điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO