Môi trường

Tăng cường nhận thức bảo vệ tài nguyên nước

THÀNH CÔNG 31/10/2024 08:18

Khai thác bền vững tài nguyên nước và bảo vệ môi trường nước đang đặt ra yêu cầu phải đổi mới trong tư duy, hành động.

Công tác quản lý, khai thác dữ liệu TN-MT còn gặp khó khăn. Ảnh minh họa
Quảng Nam là một trong các địa phương có nguồn tài nguyên nước dồi dào. Ảnh: T.C

Áp lực suy giảm tài nguyên

Theo đại diện Trung tâm Truyền thông TN-MT (Bộ TN-MT), Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước mặt khá phong phú cả về lượng mưa lẫn nguồn nước mặt trong các hệ thống sông, hồ. Với 3.450 con sông, suối lớn nhỏ, có chiều dài từ 10km trở lên, tổng lượng nước mặt trung bình hàng năm hiện nay ở nước ta có khoảng 830 tỷ mét khối.

Tuy nhiên, Việt Nam có đến 63% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ, trong đó có 2 sông lớn là Cửu Long (90% lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam) và sông Hồng (hơn 50%), do đó nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào lưu vực các con sông bắt nguồn từ nước ngoài.

Hệ thống nguồn nước từ các sông, suối phân bố trải dài dọc biên giới từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, thuộc địa bàn 25 tỉnh biên giới và theo số liệu thống kê, có 206 sông, suối lớn nhỏ có mối quan hệ nguồn nước với các nước láng giềng.

Những năm qua, các nước ở thượng lưu tăng cường xây dựng công trình thủy điện, chuyển nước và xây dựng nhiều công trình lấy nước, gây nguy cơ nguồn nước chảy về Việt Nam ngày càng suy giảm. Việt Nam sẽ khó chủ động về nguồn nước, phụ thuộc nhiều vào các nước ở thượng lưu.

Hơn nữa, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó tài nguyên nước đã và đang chịu những ảnh hưởng lớn nhất và sớm nhất do những diễn biến bất thường về lượng mưa và nước biển dâng.

Bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở TN-MT thông tin, tại Quảng Nam có nguồn tài nguyên nước khá dồi dào, mạng lưới sông ngòi tương đối phát triển với tổng chiều dài 941km. Sông, suối của tỉnh Quảng Nam đều bắt nguồn từ vùng núi phía tây, tây bắc hoặc nam, tây nam với độ cao từ 1.000 đến hơn 2.000m.

Do điều kiện địa hình, các sông Quảng Nam hầu hết đều ngắn và có độ dốc lớn. Tỉnh Quảng Nam có 2 hệ thống sông lớn là hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn và hệ thống sông Tam Kỳ; phần hạ lưu 2 hệ thống sông này được nối nhau bởi sông Trường Giang. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có nhiều cửa sông và lạch lớn với gần 30.000ha mặt nước (cả nước ngọt, lợ, mặn).

“Thời gian qua, Quảng Nam đã nỗ lực triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước mặt, nước dưới đất.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn Quảng Nam trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhất định.

Gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao, tác động của biến đổi khí hậu đã đặt thêm nhiều áp lực hơn nữa trong công tác quản lý, khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên nước” - bà Lê Thủy Trinh nói.

Thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước

Ông Đoàn Trường Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN-MT cho hay, Luật Tài nguyên nước sửa đổi đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, ngày 27/11/2023, đánh dấu một bước tiến rất lớn trong tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước.

Việc triển khai Luật Tài nguyên nước sửa đổi sẽ bảo đảm tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013.

z5461287982125_5aca2916aa7a3e568fc2340b2077cf13.jpg
Bảo vệ tài nguyên nước là nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh áp lực suy giảm tài nguyên đang ngày càng lớn. Ảnh: T.C

Cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch cũng đã xác định cụ thể các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện; trong đó nhiều nhiệm vụ đòi hỏi nguồn lực thực hiện lớn cả về chuyên môn lẫn tài chính.

“Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là công tác phổ biến Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn hướng dẫn thi hành luật, nhằm quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng nước.

Đồng thời phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nguồn nước gắn với trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn. Mục tiêu lớn nhất là nâng cao nhận thức của toàn dân, toàn xã hội về giá trị và vai trò của tài nguyên nước” - ông Đoàn Trường Giang nhấn mạnh.

“Việc cập nhật, phổ biến các nội dung quy định mới của Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật sẽ giúp nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Quảng Nam cũng sẽ vận dụng các kỹ năng, kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền về tài nguyên môi trường nói chung, tuyên truyền về tài nguyên nước nói riêng từ hội thảo để từ đó có sự vận dụng phù hợp vào thực tiễn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ công tác quản lý cũng như bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường trên địa bàn tỉnh trong tương lai” - bà Lê Thủy Trinh chia sẻ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tăng cường nhận thức bảo vệ tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO