(QNO) - Sáng nay 24/10, tại TP.Tam Kỳ, Trung tâm Truyền thông TN-MT (Bộ TN-MT) phối hợp với Sở TN-MT tổ chức hội thảo "Truyền thông về khai thác bền vững tài nguyên nước và bảo vệ môi trường nước xuyên biên giới" khu vực miền Trung.
Thông tin tại hội thảo, đại diện Trung tâm Truyền thông TN-MT cho hay, Việt Nam có 3.450 con sông, suối lớn nhỏ, với chiều dài từ 10km trở lên. Tổng lượng nước mặt trung bình hàng năm hiện nay khoảng 830 tỷ mét khối.
Tuy nhiên, 63% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ. Trong đó có 2 sông lớn là sông Cửu Long (90% lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam) và sông Hồng (hơn 50%). Do đó, nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào lưu vực các con sông bắt nguồn từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và sự gia tăng dân số, nhu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng nhanh; tình trạng ô nhiễm nguồn nước chưa được giải quyết triệt để đã làm suy giảm chất lượng nước..., đang là áp lực đối với Việt Nam.
Luật Tài nguyên nước sửa đổi đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 27/11/2023 đánh dấu một bước tiến rất lớn trong tư duy, cách tiếp cận.
Từ đó, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước, bảo đảm tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Ông Đoàn Trường Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN-MT nhấn mạnh, hội thảo là cơ hội nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách mới của Luật Tài nguyên nước sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đến các cán bộ quản lý, người dân, doanh nghiệp nhằm đưa các quy định của pháp luật tài nguyên nước mới đi vào cuộc sống.
Tại hội nghị, các đại biểu khu vực miền Trung đã được thông tin về nội dung cơ bản của Luật Tài nguyên nước năm 2023 và Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Nghị định số 54/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Ngoài ra, chuyên gia truyền thông của Học viện Báo chí và tuyên truyền đã hướng dẫn thực hiện các chương trình truyền thông, chương trình hành động, thúc đẩy các sáng kiến truyền thông về bảo vệ, sử dụng, khai thác hợp lý các nguồn nước và bảo vệ môi trường nước xuyên biên giới.
Về phía Quảng Nam, đại diện Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam trao đổi thêm về hiện trạng, đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả, bền vững tài nguyên nước đối với hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn Quảng Nam do đơn vị này quản lý.
[VIDEO] - Khai thác, quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước vì sự phát triển bền vững (Trung tâm Truyền thông TN-MT thực hiện):