(QNO) - Sáng 16/10, tại TP.Tam Kỳ, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Hội nghị tuyên truyền về công tác quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào.
Dự hội nghị có các đồng chí Nguyễn Minh Vũ - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao; Vũ Thanh Mai - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và 10 địa phương có đường biên giới với nước bạn Lào.
Về phía tỉnh Quảng Nam, tham dự có các đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Võ Xuân Ca - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Nhìn từ Quảng Nam
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, Quảng Nam có tuyến biên giới đất liền tiếp giáp với tỉnh Sê Kông (Lào) dài hơn 157km, với 60 cột mốc và 7 cọc dấu thuộc huyện Nam Giang và Tây Giang, với 14 xã, 71 thôn, 6.527 hộ/25.077 khẩu, chủ yếu là đồng bào Cơ Tu, Giẻ Triêng.
Những năm qua, công tác quản lý biên giới đất liền luôn được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Hai tỉnh Quảng Nam - Sê Kông thực hiện hiệu quả mô hình “Kết nghĩa thôn - bản hai bên biên giới”. Đến nay, có 35 thôn/10 xã biên giới thuộc huyện Tây Giang và Nam Giang kết nghĩa với 16 bản/3 cụm bản của huyện Kà Lừm và Đắc Chưng (Sê Kông).
Mô hình này có ý nghĩa và đem lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt, trong đó nổi bật là tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng biên được giữ vững; cộng đồng dân cư hai bên biên giới có cơ hội xây dựng, củng cố mối quan hệ gần gũi, thân thuộc, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đáng chú ý, Quảng Nam quan tâm tạo điều kiện để nhân dân các bản biên giới của tỉnh Sê Kông sang khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế huyện Tây Giang và Nam Giang. Tuy nhiên, pháp luật của Việt Nam hiện nay chưa có quy định cụ thể chi cho việc hỗ trợ khám chữa bệnh cho người vùng biên giới nước bạn Lào. Do đó, đề nghị cơ quan có thẩm quyền quy định, hướng dẫn cụ thể việc chi kinh phí khám chữa bệnh cho người dân nước bạn Lào vùng biên giới.
Cạnh đó, tình trạng kết hôn qua biên giới không thực hiện theo quy định của pháp luật vẫn còn diễn ra. Một số cặp đôi trai gái vùng biên qua lại, thăm thân và yêu nhau, sau đó đến với nhau nhưng không kết hôn được. Nguyên nhân là nước bạn Lào chưa cấp giấy tờ tùy thân đầy đủ cho nhân dân biên giới nên dẫn đến không đảm bảo giấy tờ để đăng ký kết hôn theo quy định. Vấn đề này rất mong Bộ Ngoại giao, Ban Tuyên giáo Trung ương đề xuất Chính phủ phối hợp với nước bạn Lào để kịp thời giải quyết.
“Quốc lộ 14D từ Bến Giằng lên cửa khẩu quốc tế Nam Giang đã xuống cấp nghiêm trọng. Quảng Nam mong muốn Trung ương quan tâm đầu tư tuyến đường này để thúc đẩy hợp tác, vận chuyển hàng hóa, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư giữa hai bên, tạo cơ hội để doanh nghiệp hai tỉnh sang đầu tư, kinh doanh” - đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết đề xuất.
Giữ vững ổn định biên giới
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng thân thiết, có mối quan hệ hữu nghị gắn bó suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc. Đường biên giới Việt Nam - Lào dài khoảng 2.337,459km, đi qua 10 tỉnh biên giới Việt Nam là Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum.
Dân cư sinh sống ở vùng biên giới Việt Nam - Lào chủ yếu là nhân dân các dân tộc ít người, mật độ dân cư khá thưa thớt; một số ít bộ phận dân cư sống du canh du cư, trình độ lạc hậu, chưa có ý thức rõ ràng về biên giới, lãnh thổ. Điều này đã gây không ít khó khăn cho việc quản lý, bảo vệ đường biên giới cũng như công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, năm 1975, Việt Nam thống nhất, Lào cũng giành được thắng lợi trong cả nước; vấn đề biên giới giữa hai nước có điều kiện thuận lợi để giải quyết. Thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Lào năm 1977, hai bên đã phối hợp phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới.
Đáng chú ý, từ năm 2008 - 2016, Việt Nam và Lào phối hợp xác định và xây dựng được 905 vị trí, tương ứng với 1.002 cột mốc. Để ghi nhận thành quả này, Việt Nam và Lào đã phối hợp hoàn thành việc xây dựng và ký Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào vào ngày 16/3/2016; Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào để thay thế cho Hiệp định về Quy chế biên giới quốc gia Việt Nam - Lào ký ngày 1/3/1990 và Nghị định thư sửa đổi hiệp định ký ngày 31/8/1997.
Theo đồng chí Nguyễn Minh Vũ, trên cơ sở hiệp định đã ký kết, hai bên đã thiết lập cơ chế song phương để phối hợp quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới từ Trung ương đến địa phương. Đáng chú ý là duy trì chế độ tuần tra song phương, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cấp, các ngành để giải quyết ổn thỏa các vấn đề phát sinh; kịp thời phát hiện các cột mốc bị hư hỏng hoặc khu vực có nguy cơ sạt lở cao và báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền biện pháp xử lý phù hợp.
Hai bên ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm đường biên, mốc giới, vi phạm quy chế biên giới. Qua đó góp phần giữ ổn định đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới giữa Việt Nam và Lào, tạo điều kiện cho phát triển khu vực biên giới nói riêng cũng như cả nước nói chung.
[VIDEO] - Quang cảnh hội nghị:
Tại hội nghị, đại diện Bộ đội Biên phòng, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Ban Tuyên giáo Trung ương và các địa phương phát biểu tham luận, nêu giải pháp nâng cao công tác quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào.