Phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, bà Lê Thị Thanh Nga ở thôn Vĩnh Nam (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) mạnh dạn cải tạo đất để gieo trồng lúa tím than; xây dựng thương hiệu, nâng tầm sản phẩm gạo, hướng đến đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh.
Sản xuất hữu cơ
Năm 2019 bà Lê Thị Thanh Nga thuê 1,6ha đất (32 sào) trên cánh đồng “Lò gạch cũ” trồng thử nghiệm 6 giống lúa tím than và giống lúa đen ở các vùng miền trong cả nước theo phương thức sản xuất hữu cơ. Ngay vụ đầu tiên, bà Nga nhận thấy chỉ có 3 giống lúa sinh trưởng, phát triển tốt và có khả năng chống chịu các loại dịch hại nguy hiểm, gồm lúa tím than ST (tỉnh Sóc Trăng), lúa tím (tỉnh Điện Biên), lúa thảo dược (tỉnh Nghệ An).
Sau đó, bà Nga tiếp tục chọn lọc giống lúa có chất lượng tốt nhất bố trí sản xuất cho những vụ mùa tiếp theo. Kết quả, vụ đông xuân 2019 - 2020, bà cho ra đời sản phẩm lúa tím than mang tên “Lò gạch cũ”.
“Vụ nào cũng vậy, khi chuẩn bị làm đất sản xuất, tôi đều phát dọn vệ sinh sạch sẽ và thả vịt vào ruộng ăn hết ốc bươu vàng. Thay vì ngâm ủ hạt giống và vãi trực tiếp như người dân địa phương thường canh tác đại trà, tôi bắc mạ trước 25 ngày và nhổ cấy theo đúng khung thời vụ.
Ông Nguyễn Sáu - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết, cơ sở của bà Lê Thị Thanh Nga đặt gần một lò gạch cũ bỏ hoang đã 20 năm, không có giá trị lại mất vẻ mỹ quan, nhưng với ý tưởng sáng tạo, độc đáo, bà Nga cải tạo, thiết kế nên một không gian mộc mạc, thân thiện giữa khung cảnh đồng lúa bao la. Từ đó, nơi sản xuất gạo tím than của bà Nga thu hút khá đông du khách đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống làng quê và thưởng thức các loại sản phẩm từ gạo như trà gạo, sữa gạo, rượu gạo...
Đặc biệt, quy trình chăm sóc lúa được thực hiện nghiêm ngặt, bón bằng phân hữu cơ vi sinh và sử dụng chế phẩm từ ớt, tỏi, riềng… để phòng trừ các loại sâu bệnh nguy hiểm trên đồng ruộng. Nhờ vậy, gạo tím than được ngành chức năng và khách hàng đánh giá là sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe” - bà Nga chia sẻ.
Cũng theo bà Lê Thị Thanh Nga, từ lâu gạo tím than được xem là “vua” của các loại gạo. Thực tế, nhu cầu về loại nông sản này là rất lớn nhưng hầu hết sản phẩm đều nhập từ nước ngoài. Gạo này có độ xốp, mềm, dẻo, không cần ngâm trước khi nấu và đặc biệt là rất tốt cho sức khỏe.
Hướng đến OCOP cấp tỉnh
Dù mới triển khai sản xuất trong thời gian ngắn nhưng sản phẩm gạo tím than “Lò gạch cũ” của chủ cơ sở Lê Thị Thanh Nga được khách hàng trong và ngoài địa phương ưa chuộng.
Theo ông Nguyễn Sáu - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, quá trình sản xuất gạo tím than chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh nên vừa bảo vệ môi trường đồng ruộng, tái tạo hệ sinh thái vừa đảm bảo sức khỏe con người. Do vậy, mô hình này nhận được sự ủng hộ tích cực từ nhiều phía, nhất là người tiêu dùng.
“Để loại gạo đặc sản này đến với đông đảo người tiêu dùng và trở thành sản phẩm OCOP, thời gian qua chủ cơ sở sản xuất gạo tím than đã đầu tư kinh phí tương đối lớn cho việc xây dựng nhà xưởng và lắp đặt máy móc phục vụ chế biến.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp Duy Xuyên và chính quyền địa phương cũng quan tâm hỗ trợ xây dựng gian hàng trưng bày sản phẩm gạo tím than cùng các sản phẩm OCOP khác của huyện.
Vừa qua, gạo tím than của chủ thể Lê Thị Thanh Nga đã được UBND huyện Duy Xuyên thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện và đang tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh” - ông Nguyễn Sáu nói.
Từ 1,6ha đất sản xuất giống lúa tím than ban đầu, đến nay bà Lê Thị Thanh Nga đã mở rộng diện tích canh tác lên 5ha. Nhờ áp dụng bài bản quy trình thâm canh, đặc biệt là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, năm 2021 bà Nga sản xuất, cung ứng ra thị trường 40 tấn gạo tím than thương phẩm và một số sản phẩm từ loại gạo đặc sản này như sữa gạo đen, rượu gạo đen, gạo lứt đen sấy rong biển… mang về tổng doanh thu gần 2 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí đầu tư, bà Nga thu lãi ròng khoảng 900 triệu đồng, tăng 45% so với năm 2019. Đồng thời cơ sở còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 6 lao động ở địa phương với mức thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
“Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất và mua sắm thêm máy móc, trang thiết bị tiên tiến phục vụ quá trình làm đất, gieo sạ, thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm. Đặc biệt, thúc đẩy chế biến sâu làm đa dạng hóa và gia tăng giá trị hàng hóa nông sản. Mặt khác, không ngừng duy trì, phát triển sàn thương mại điện tử gắn với quảng bá, đổi mới mẫu mã, bao bì và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ ra khắp cả nước” - bà Nga nói.