Các ngành chức năng và chủ thể đang nỗ lực tạo sức bật cho Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP vì mục đích nâng cao vị thế, tạo ra sản phẩm hàng hóa, khơi thông thị trường, đem lại giá trị kinh tế lớn.
Tăng sức cạnh tranh
Các sản phẩm chả bò, chả heo và nem chua, nem nướng của hộ kinh doanh Đàm Thị Lệ (khu phố 2, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) được người tiêu dùng ưa chuộng. Bà Lệ cho biết, mỗi ngày cơ sở sản xuất chừng 50kg chả heo, chả bò và nem các loại, cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh.
“Chúng tôi chỉ sử dụng heo, bò được nuôi ở vùng núi cao, thịt săn chắc, thơm và có mùi vị riêng. Thịt dùng chế biến chả, nem phải là thịt nóng, sau khi mổ xong, làm sạch là đưa ngay vào chế biến. Dù tốn công nhưng chúng tôi dùng cối xay bằng đá để giã thay vì xay thịt bằng máy nên thịt giữ độ giòn, dai, không dùng hàn the, không chất bảo quản, không dùng phẩm màu” - bà Lệ nói.
Nem, chả của cơ sở này có được ưu thế trên thị trường nhờ được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Hộ kinh doanh này đang lên kế hoạch để đăng ký, công nhận sản phẩm OCOP 4 sao thời gian đến. Quy mô sản xuất, kinh doanh cũng được mở rộng sau khi kết nối thêm được các thị trường lớn ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Từ năm 2018 đến nay, huyện Thăng Bình có 24 sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt 3 sao, 4 sao cấp tỉnh; trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao, gồm: nước mắm Cửa Khe - Hai Hiền, yến tinh chế sấy khô, gạo cái quạt mo và trà cà gai leo Đại Việt.
Ông Trần Hữu Tịnh - Giám đốc HTX Nông nghiệp thanh niên Thăng Bình cho biết, “gạo cái quạt mo” là gạo hữu cơ, đã khẳng định được thương hiệu với 4 sản phẩm chính gồm gạo lứt đỏ, gạo lứt đen, gạo ST-24, nếp Hương Lân. Các sản phẩm này đã có mặt ở nhiều chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trong và ngoài tỉnh, hướng đến xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, nhiều giải pháp thúc đẩy sản phẩm OCOP đang được địa phương triển khai. Đó là phát triển các sản phẩm theo chuỗi để giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị bán hàng ở đầu ra. Quảng bá, kết nối cung cầu để rộng mở thị trường. Ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng, khẳng định vị thế cho thị trường trong nước và từng bước xuất khẩu.
Lực đẩy mới
Quảng Nam hiện có 333 sản phẩm đã được công nhận các hạng sao OCOP, gồm 275 sản phẩm hạng 3 sao, 58 sản phẩm hạng 4 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, thời gian đến tỉnh hỗ trợ phát triển/nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận, phấn đấu trong năm 2023 có ít nhất 70% số sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, có 10 - 15 sản phẩm 4 sao.
Tỉnh hỗ trợ nâng cấp/thành lập mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế (doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX) tham gia OCOP. UBND tỉnh yêu cầu tất cả chủ thể đăng ký tham gia có cam kết sản xuất sản phẩm an toàn thực phẩm; bao bì, nhãn mác, đóng gói được nâng cấp đảm bảo quy định; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong quá trình sản xuất, lưu thông cũng như truy xuất nguồn gốc.
Trong năm 2023, Quảng Nam đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, đặc biệt tăng sự hiện diện cho sản phẩm qua điểm bán hàng tại các địa phương trong tỉnh và tỉnh thành trên cả nước.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đến thời điểm này đã có kế hoạch xây dựng, nâng cấp các điểm, trung tâm bán hàng OCOP cấp huyện. Đến cuối năm 2023, tất cả 18 huyện, thị xã, thành phố đều có ít nhất một điểm bán hàng OCOP. Chỉ tiêu đặt ra là các sản phẩm sau một năm được công nhận OCOP hạng 3 sao trở lên tăng doanh thu và lợi nhuận 1,5 lần so với thời điểm sản phẩm chưa tham gia OCOP.
Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, ngành công thương đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP, triển khai các hoạt động khuyến công, thông tin thị trường trong nước và quốc tế liên quan đến sản phẩm OCOP. Đặc biệt, kiểm tra, xử lý nghiêm nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái các sản phẩm OCOP.