Tây Giang trồng thử nghiệm thành công hơn 1ha sâm Ngọc Linh
(QNO) - Theo báo cáo của UBND huyện Tây Giang gửi Sở Khoa học và Công nghệ ngày 22/5/2025, từ năm 2019 đến nay, huyện triển khai mô hình trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh tại xã Ch’ơm với tổng diện tích hơn 10.300m2.

Trong đó, Hợp tác xã Nông dược và du lịch Pơmu trồng 4.000 cây trên diện tích 500m2; Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tây Giang trồng 742 cây trên 9.800m2 tại khoảnh 10, tiểu khu 83, ở độ cao 1.320m - nơi được bao quanh bởi rừng tự nhiên.
Các khu trồng đều có độ che phủ rừng hơn 70%, khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình 16-22°C. Đây là những điều kiện lý tưởng để sâm Ngọc Linh sinh trưởng và phát triển.
Kết quả theo dõi cho thấy, tỷ lệ sống của cây sau một năm đạt 80-90%; cây phát triển ổn định, đạt chuẩn về chiều cao, số lá, đã bắt đầu ra hoa, đậu quả. Đặc biệt, một số cây trồng từ 5-7 năm đã hình thành củ và đủ điều kiện để khai thác thử nghiệm.
Một điểm đáng chú ý là sâm Ngọc Linh trồng tại Tây Giang ít gặp sâu bệnh, chủ yếu bị ảnh hưởng bởi nấm rễ vào mùa mưa nếu không đảm bảo che phủ và thoát nước tốt.
Nhờ áp dụng các biện pháp chăm sóc hữu cơ như che bóng, làm cỏ thủ công, và phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp sinh học, cây sâm có khả năng thích nghi tốt và phát triển bền vững.
UBND huyện Tây Giang đánh giá, kết quả bước đầu cho thấy mô hình trồng sâm Ngọc Linh tại địa phương có tính khả thi cao, là cơ sở quan trọng để mở rộng vùng trồng mới, góp phần bảo tồn loài dược liệu đặc hữu quý giá của Việt Nam; đồng thời tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế xanh, bền vững cho đồng bào vùng cao.
Huyện kiến nghị tỉnh và các sở, ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí chăm sóc cây sâm từ năm 2025 trở đi; đồng thời xúc tiến thủ tục mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sâm trồng tại Tây Giang nhằm nâng cao giá trị, thương hiệu và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm sâm trên thị trường trong và ngoài nước.