Công tác giảm nghèo ở huyện Đông Giang đang đối mặt với nhiều thách thức. Địa phương huy động các nguồn lực để giúp người dân hạn chế nguy cơ tái nghèo.
Công tác giảm nghèo và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội được huyện Đông Giang tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhất là triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu, nhờ đó tốc độ giảm nghèo đạt khá (bình quân 6,3%/năm). Tuy nhiên năm 2020, việc thực hiện giảm hộ nghèo không đạt chỉ tiêu tỉnh giao là 192/250 hộ nghèo.
Thống kê năm qua, số hộ nghèo thoát nghèo là 237 hộ, nhưng số hộ nghèo phát sinh lên tới 32 hộ, tái nghèo 13 hộ. Cùng với đó, gia đình thoát cận nghèo là 73 hộ, song lại phát sinh 39 hộ cận nghèo và 3 hộ tái cận nghèo. Như vậy, đến cuối năm 2020, hộ nghèo ở Đông Giang còn 20,22%, chưa đạt chỉ tiêu so với Nghị quyết số 08/2018 của HĐND huyện đặt ra là còn dưới 20%.
Theo ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, nguyên nhân dẫn đến thực tế nêu trên là thời tiết diễn biến không thuận lợi, dịch bệnh liên tiếp xảy ra ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Năm 2020, huyện chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, cùng với bão lũ lịch sử khiến mọi hoạt động kinh tế - xã hội bị đình trệ kéo dài.
Xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp; giao thông kết nối với vùng phát triển và nội vùng chưa được đầu tư nâng cấp gây cản trở trong xúc tiến kêu gọi đầu tư. Nhu cầu đầu tư lớn nhưng nguồn lực hỗ trợ có hạn và chủ yếu dựa vào nguồn lực của Nhà nước; giải quyết đầu ra sản phẩm khó khăn, không ổn định.
Tuy để đạt kết quả bước đầu, xong vai trò lãnh đạo của một số cấp ủy đảng, tổ chức thực hiện ở một số địa phương, đơn vị thiếu năng động, vẫn còn làm theo cách cũ.
Nguồn kinh phí giao hằng năm chưa phù hợp với nhu cầu thực tế và định mức hỗ trợ hộ dân, dự án thấp dẫn đến nguồn vốn thiếu tập trung, dàn trải, khả năng huy động vốn các hộ hưởng lợi (hộ nghèo, cận nghèo) rất khó khăn nên hiệu quả mang lại không cao.
Trình độ học vấn, sản xuất của người dân còn hạn chế, bất cập và một bộ phận còn nặng tư tưởng dựa dẫm, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Kiểm tra giám sát sau đầu tư của cấp xã chưa được quan tâm chú trọng.
Để giảm nghèo bền vững (cuối năm 2020 còn 1.465 hộ nghèo/7.244 hộ dân), ông Đỗ Hữu Tùng cho biết huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức, nỗ lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ năng giảm nghèo cho người dân theo nguyên nhân dẫn đến nghèo như thiếu vốn, thiếu lao động, thiếu đất sản xuất... để có sự hỗ trợ phù hợp.
Huyện sẽ huy động và thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu, vốn ngân sách địa phương cân đối, vốn cộng đồng và doanh nghiệp nhằm bảo đảm thực hiện các mục tiêu giảm nghèo.
Xây dựng kế hoạch, lộ trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung đào tạo ngành nghề phù hợp với từng đối tượng gắn với giải quyết việc làm cho người dân, nhất là các dự án trên địa bàn.
Địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ để thanh niên khởi nghiệp thoát nghèo ngay trên mảnh đất quê hương, đồng thời nhân rộng tấm gương thanh niên điển hình trong phát triển kinh tế.