Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Thăng Bình (Quảng Nam) đã khắc phục được tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (gọi chung là bảo hiểm).
Đến cuối năm 2023, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm của huyện Thăng Bình chỉ còn 5,6 tỷ đồng, chiếm 1,39%, thấp hơn 0,57% so với chỉ tiêu BHXH tỉnh giao (1,96%).
Theo ông Phạm Thế Hiển - Giám đốc BHXH huyện Thăng Bình, tình trạng chậm đóng tiền bảo hiểm có phần do lãi suất chậm đóng như hiện nay thấp hơn so với lãi suất vay ngân hàng; chưa có quy định của pháp luật về xử lý tiền chậm đóng bảo hiểm tại các doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn...
Cũng theo Luật BHXH 2014 và Luật Công đoàn 2012, tổ chức công đoàn là đơn vị được trao quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.
Tuy nhiên, quy định tại Bộ Luật lao động và Bộ Luật Tố tụng dân sự trong quy định về trình tự, thủ tục để tổ chức công đoàn khởi kiện, nêu: Doanh nghiệp và người lao động phải trải qua quá trình hòa giải, giải quyết tranh chấp quyền lợi tại UBND cấp huyện; phải có ủy quyền của toàn bộ người lao động.
Trong khi đó, cán bộ công đoàn cơ sở là người hưởng lương tại doanh nghiệp... Đây là những quy định rất khó áp dụng trên thực tế nên hầu như không thực hiện được.
Ngoài ra, Nghị quyết số 5 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn Điều 216 Bộ Luật Hình sự về tội danh trốn đóng bảo hiểm, xác định đây là hành vi không đóng hoặc đóng không đầy đủ.
Tuy nhiên, Nghị định số 28/2020 và Nghị định số 117/2020 lại tách riêng hành vi chậm đóng, đóng không đúng mức quy định (không phải là trốn đóng).
Trong năm 2023, trên địa bàn huyện Thăng Bình có 361 đơn vị tham gia bảo hiểm, với hơn 12.600 lao động, tổng số tiền phải thu hơn 270 tỷ đồng.
Trước tháng 12, toàn huyện có hơn 123 đơn vị chậm đóng bảo hiểm với tổng số tiền lên đến gần 14 tỷ đồng. Nhưng đến ngày 31/12/2023, số tiền chậm đóng chỉ còn lại 5,6 tỷ đồng (bao gồm cả số chậm đóng của 26 đơn vị đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn…, với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng, chiếm 32% số tiền chậm đóng).
Để đạt kết quả này, ông Phạm Thế Hiển cho biết, thời gian qua BHXH huyện đã phối hợp với Công an, Phòng LĐ-TB&XH, đơn vị sử dụng lao động tổ chức các cuộc đối thoại, trực tiếp làm việc với đơn vị chậm đóng, có dấu hiệu trốn đóng, chây ỳ.
Đồng thời chủ động rà soát, phân nhóm đơn vị chậm đóng để có kế hoạch đôn đốc, đề xuất thanh tra, kiểm tra. Hướng dẫn người lao động cài đặt ứng dụng VssID để theo dõi quá trình đóng bảo hiểm.
Ông Hiển cho rằng, cần duy trì việc đôn đốc thu hằng tháng thông qua điện thoại, tin nhắn, văn bản thông báo, cử chuyên viên làm việc trực tiếp để yêu cầu đơn vị trích nộp theo đúng quy định.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thực hiện giao chỉ tiêu giảm tiền chậm đóng đối với từng đơn vị, cá nhân và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; gắn việc giải quyết chế độ, chính sách, đánh giá, nhận xét, phân loại, thi đua, khen thưởng của các tổ chức, cá nhân liên quan với tiến độ trích nộp bảo hiểm. Thành lập Tổ thu nợ liên ngành cấp huyện.
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung thanh tra đột xuất chuyên ngành các đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên, chậm đóng số tiền lớn; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính để làm cơ sở tiếp tục thực hiện các bước xử lý tiếp theo đối với trường hợp chây ỳ, cố tình chậm đóng, trốn đóng”- ông Hiển nói.