Chính trị

Thăng Bình long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được

Q.VIỆT 04/09/2024 21:50

(QNO) - Tối nay 4/9, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được (4/9/1954 – 4/9/2024). Về dự có các đồng chí Nguyễn Đức Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Công Thanh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Thái Bình –Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

cd.jpg
Lãnh đạo tỉnh và huyện Thăng Bình dành 1 phút mặc niệm trước Đài tưởng niệm cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được. Ảnh: Q.VIỆT

Phát biểu diễn văn lễ kỷ niệm, ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho rằng, đây là dịp để ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của quân và dân Thăng Bình trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, tạo khí thế thi đua sôi nổi để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của dân tộc.

Ngày 1/9/1954, tiếp quản Thăng Bình, quân đội Liên hiệp Pháp đem quân chiếm đóng ở Hà Lam, Chợ Được, Kế Xuyên, Tuần Dưỡng. Tại đây quân Pháp đã có nhiều hành động dã man với đồng bào. Vào sáng ngày 4/9/1954, Đại đội 4, Tiểu đoàn bảo an 611 Liên hiệp Pháp dẫn 1 trung đội lính từ Chợ Được đến tại cầu Bàu Bàng (Bình Phục) ngang nhiên chặt phá dương liễu của dân để lót cầu cho xe quân sự của chúng đi qua.

cd2.jpg
Đồng chí Nguyễn Đức Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh viếng hương ở Đài tưởng niệm cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được. Ảnh: Q.VIỆT

Trước hành vi ngang ngược, chà đạp lên lẽ phải, lên quyền lợi chính đáng của con người, ông Nguyễn Hề - người chủ có dương liễu bị chặt phá và một số quần chúng nhân dân xung quanh khu vực cầu Bàu Bàng đã phản đối, buộc bọn lính phải bồi thường thiệt hại. Với thái độ ngông cuồng, tên chỉ huy trưởng đại đội 4, tiểu đoàn 611 Bảo an không những không chấp nhận bồi thường thiệt hại mà còn hung hăng ra lệnh nổ súng.

Hàng loạt người gục ngã trước mũi súng của bọn lính đánh thuê khát máu. Bọn chúng tiếp tục ném lựu đạn, bắn đuổi theo những người còn sống sót, bị thương đang tìm chỗ ẩn nấp. Nhân dân vô cùng phẫn nộ trước tội ác của kẻ thù nên cương quyết đấu tranh.

Bấy giờ Chi bộ Đảng ở Ngọc Sơn, Tất Viên… kịp thời phát động quần chúng kéo đến hỗ trợ cuộc đấu tranh. Lúc này nhân dân Chợ Được kéo lên hòa vào cùng đoàn biểu tình, đoàn người dài đến hàng trăm mét, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu “Đả đảo bọn giết người”, “Nợ máu phải trả bằng máu”, “Yêu cầu thực hiện Hiệp định Giơnevơ”. Cuộc đấu tranh lúc đầu mang tính tự phát, sau đó trở thành cuộc đấu tranh chính trị do Đảng lãnh đạo.

cd3.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình thành kính trước Đài tưởng niệm cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được. Ảnh: Q.VIỆT

Cuộc đấu tranh tại Chợ Được đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Nhân dân từ các xã, huyện lân cận như Tam Kỳ, Quế Sơn, Tiên Phước… kể cả một số bà con người Quảng Ngãi đi buôn bán ngoài Quảng Nam đã kéo tới hợp sức đấu tranh ngày càng đông.

Nắm bắt được tình hình, đồng chí Phan Tốn - Phó Bí thư Tỉnh ủy vào thời điểm trên đứng ra lãnh đạo cuộc đấu tranh đi đúng hướng, tránh để bị địch khiêu khích, lấy cớ để đàn áp nhân dân ta. Về phía nhân dân, vì quá phẫn nộ về tội ác dã man của địch, nhân dân các xã Thăng Triều, Thăng Phước, Việt An, Đo Đo… Hội An, Duy Xuyên, Tam Kỳ lần lượt kéo đến cô lập từng tên lính, vừa tranh thủ vận động binh lính ủng hộ cuộc đấu tranh, nhiều người đã tước vũ khí, cắt dây điện thoại liên lạc của địch.

Bọn địch cho máy bay ném lựu đạn vào nhân dân đang đấu tranh, đồng thời rãi truyền đơn hăm dọa, bắt nhân dân giải tán. Quân địch đóng ở Hà Lam được lệnh của tên Quận trưởng kéo xuống Chợ Được giải tỏa cho đơn vị đồn trú tại đây. Nhưng chưa đến nơi, chúng đã bị nhân dân bao vây đấu tranh, buộc chúng phải quay về.

cd6.jpg
Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình đọc diễn văn lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được. Ảnh: Q.VIỆT

Ngày 5/9/1954, nhân dân vẫn tiếp tục đòi chỉ huy đồn bồi thường nhân mạng, cứu chữa người bị thương. Nhân dân tranh thủ vận động từng người lính, dùng lẽ phải để làm cho chúng nhận thấy được sai lầm tội lỗi và đồng tình với nhân dân trong cuộc đấu tranh.

Ngày 6/9/1954, ta tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh buộc bọn chỉ huy đồn phải chuyển 23 đồng bào bị thương đến bệnh viện Hội An cứu chữa. Ta vận động bọn chỉ huy và binh lính quân đội Liên hiệp Pháp ở Chợ Được làm bản kiến nghị và tố cáo tội ác của chúng.

Đến chiều ngày 6/9/1954 chỉ còn lại một số thân nhân người chết và số ít quân đội Pháp đang đóng trong đồn. Cuộc đấu tranh kéo dài 3 ngày, địch đã nhượng bộ trước tinh thần đấu tranh quyết liệt của nhân dân ta.

Trong cuộc đấu tranh này 43 người dân vô tội đã bị địch giết hại, 23 người khác bị thương. Sau vụ thảm sát Hà Lam - Chợ Được, địch tổ chức đàn áp, bắt bớ cán bộ, thực hiện tố cộng. Nhân dân vẫn đấu tranh quyết liệt, lên án hành động khủng bố của chúng, giữ vững cơ sở cách mạng, tiếp tục đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.

cd5.jpg
Tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được. Ảnh: Q.VIỆT

Ông Phan Công Vỹ nói, thắng lợi của cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được là kết tinh của vai trò lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn, kịp thời và nhạy bén của Tỉnh uỷ Quảng Nam, Huyện ủy Thăng Bình, các chi bộ địa phương với sức mạnh to lớn của lòng yêu nước thương dân, căm thù giặc sâu sắc, khối đại đoàn kết toàn dân, truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của người dân Quảng Nam và huyện Thăng Bình. Đây là cuộc đụng độ đầu tiên của nhân dân Thăng Bình với kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai bán nước; thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước, tinh thần kiên cường, bất khuất của nhân dân Thăng Bình trên trận tuyến chống kẻ thù.

Để tri ân, tôn vinh công đức, tưởng nhớ đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh trong đấu tranh, năm 1997, chính quyền và nhân dân huyện Thăng Bình đã xây dựng Đài tưởng niệm cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được tại xã Bình Triều; đồng thời xây dựng Bia tưởng niệm cuộc đấu tranh tại Cầu Bàu Bàng xã Bình Phục. Ngày 19/12/2014, Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích Địa điểm diễn ra cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được là di tích lịch sử cấp quốc gia xứng đáng với ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của sự kiện.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thăng Bình long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO