Xã hội

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân vùng cao

ĐÔNG ANH 14/10/2024 09:39

Thực hiện Chỉ thị số 27 ngày 9/2/2023 của Huyện ủy Phước Sơn về cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn huyện đã triển khai bằng nhiều mô hình, cách làm thiết thực.

anh 2
Hội Nông dân huyện Phước Sơn triển khai mô hình nhóm hộ thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” tại địa phương. Ảnh: Hội nông dân huyện

“Nông dân vận động nông dân”

Mô hình nhóm hộ “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm” được đánh giá là điểm sáng “Dân vận khéo” trong triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” tại huyện Phước Sơn.

Theo đó, Hội Nông dân (HND) huyện phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy thành lập mô hình này tại Chi hội Nông dân thôn 2 (xã Phước Công) với 15 hộ gia đình tham gia.

Ông Vũ Đình Cuối - Chủ tịch HND huyện Phước Sơn cho biết, nhóm hộ được thành lập và cử ra ban điều hành là những người chăm chỉ, chịu khó gương mẫu và có uy tín trong cộng đồng dân cư. Phương châm thực hiện là “Mưa dầm thấm lâu”, “Nông dân vận động nông dân” nhằm thay đổi nhận thức đến hành động.

“Chúng tôi cử cán bộ hội xuống cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương và ban nhân dân thôn đến từng hộ gia đình để gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng. Từ đó tuyên truyền vận động người dân thay đổi về nhận thức, từng bước loại bỏ dần tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, loại bỏ các tập tục lạc hậu…” - ông Cuối chia sẻ.

Qua thời gian ngắn nhưng mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực. Theo ông Cuối, trước đây mỗi khi đến mùa vụ, bà con làm ngày công cho hộ nào là hộ đó phải tổ chức ăn uống cho các thành viên tham gia. Nhưng hiện nay, nhóm hộ đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cùng nhau đến giúp hộ gia đình thu hoạch vụ mùa xong ai về nhà nấy ăn cơm. Bên cạnh đó, người dân, đồng bào DTTS còn bỏ dần những tập tục lạc hậu, cúng bái mê tín...

Nhóm hộ đã triển khai giúp nhau cải tạo hơn 15ha đất rẫy, loại bỏ cây trồng kém hiệu quả chuyển sang trồng sắn đem lại nguồn thu trung bình 18 triệu đồng/hộ/ha. Kết quả bước đầu đã có 2 hộ thoát nghèo trong năm 2023 (Hồ Văn Siêng, Hồ Văn Phong).

Từ điểm sáng của mô hình, đến nay, HND các địa phương trong huyện đã thành lập 15 mô hình “Dân vận khéo” theo tiêu chí 5 cùng (cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản).

Giúp người dân thoát nghèo

Nhóm 10 hộ hội viên người dân tộc Giẻ Triêng tại xã Phước Mỹ vừa được Hội LHPN huyện Phước Sơn bàn giao 31 con bò giống nhằm tạo sinh kế, phát triển kinh tế. Đây là những hộ hội viên tiêu biểu, tiên phong trong thực hiện Chỉ thị 27 của Huyện ủy Phước Sơn về thay đổi “nếp nghĩ cách làm” trong vùng đồng bào DTTS. Tổng kinh phí 31 con bò giống hơn 590 triệu đồng, từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và bà con Giẻ Triêng đối ứng 40 triệu đồng bằng hình thức làm chuồng trại kiên cố để chăn nuôi có hiệu quả.

z5921596054610_c762b311c3358210fd0bcfb8c72a51cf.jpg
Hội LHPN huyện Phước Sơn trao bò giống cho các hộ hội viên tham gia mô hình nhóm hộ thay đổi "nếp nghĩ, cách làm". Ảnh: PV

Bà Nguyễn Thị Thu Hiệp - Chủ tịch Hội LHPN huyện Phước Sơn cho biết, trong 10 hộ tham gia có hộ gia đình chị Phó Chủ tịch Hội LHPN xã làm nhóm trưởng. Các hộ tham gia mô hình phải có quyết tâm thoát nghèo và đối ứng kinh phí làm chuồng trại, trồng cỏ thì mới được cấp giống. Trong 10 hộ, có 7 hộ là hộ nghèo, cận nghèo, còn lại 3 hộ gia đình không nghèo (trong đó có hộ phó chủ tịch hội) tham gia để làm gương.

Thực hiện Chỉ thị 27 của Huyện ủy, UBND huyện Phước Sơn đã ban hành kế hoạch triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” giai đoạn 2023 - 2030. Theo đó, huyện đặt mục tiêu 100% hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo được tư vấn, hướng dẫn thực hiện 10 nội dung thay đổi nếp nghĩ, 10 nội dung thay đổi cách làm. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS từ 4 - 5%/năm, đến năm 2030 tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn dưới 10%.

Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, để thực hiện cuộc vận động hiệu quả, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp sẽ hướng dẫn đồng bào DTTS sử dụng có hiệu quả nguồn lực của gia đình, nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất, biết triển khai các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả gắn với đề án mỗi xã một sản phẩm...

6 huyện miền núi cao có 46,2% huyện ủy viên là người dân tộc thiểu số

Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, tại 6 huyện miền núi cao của tỉnh hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy cấp huyện là 110/238 đồng chí, đạt 46,2%. Có 133/292 cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện là người dân tộc thiểu số, đạt 45,54%. Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng người dân tộc thiểu số là 64/145 đồng chí, đạt 44,13%. Công chức người dân tộc thiểu số công tác tại phòng dân tộc cấp huyện là 16/28 đồng chí, đạt 57,14%...

N.ĐOAN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO