Tác phẩm, tác giả

Thiết tha lên tiếng cho loài phế liệu

LÊ MINH HẠ 20/10/2024 08:54

Từ Hội An, nghệ sĩ Quốc Dân đã đem vào Sài Gòn một cuộc triển lãm có cái tên ấn tượng: Scrap Species - Loài phế liệu, kéo dài 2 tuần từ ngày 5/10 đến 20/10.

nghe si quoc dan 2
Nghệ sĩ Quốc Dân

Loài phế liệu gây ấn tượng mạnh cho công chúng vì hiếm hoi mới có cuộc triển lãm nghệ thuật tái sinh với toàn bộ tác phẩm là nhựa phế liệu. Rằng phế liệu cũng có thể thành tác phẩm.

Khi khán giả đến xem và khóc

Những khuôn mặt có đủ hình hài hoặc không, như thể muốn trồi lên, vươn ra khỏi những đám lầy nhựa đang quện chặt. Chúng có thể là những ti vi cũ, nhựa bao bì cứng các loại, ma nơ canh, chất thải nhựa gia dụng, muốn nhắc nhớ người xem một điều gì đó.

Những thứ người ta dùng mỗi ngày và lắm khi suốt đời với không biết bao lần thay, đổi, thải, bỏ mà chẳng mấy lúc để ý tới những hậu quả. Người nghệ sĩ đã nhân cách hóa, hỗ trợ nỗ lực của phế liệu chuyển hóa thành con người để kêu than, nhắc nhớ…

khan gia dang xem tac pham trong Loai phe lieu
Khán giả đang xem tác phẩm trong Loài phế liệu.

Tác giả kể, trong những ngày diễn ra triển lãm, anh đã thấy có đến 7 người khóc. “Người ta khóc khi xem tác phẩm, khi nghe tiếp câu chuyện từ tác giả, họ khóc tiếp. Thậm chí, sau khi nói chuyện với mình, và lúc ngồi quán cà phê bên cạnh triển lãm, cũng còn rấm rứt.

Mình nghĩ, người xem đã chạm đến tác phẩm, nhận ra sự vô tình của mình, khi những vết hằn, vết xước của tác phẩm đối thoại với lỗi lầm mà người ta đã gây ra cho phế liệu. Người ta thấy lỗi của mình, chưa bao giờ cảm ơn nó. Cùng một sự xúc động và lắng lại, mình vô tâm quá. Xưa nay mình dùng mọi thứ như con người luôn có quyền làm điều đó mà chẳng mảy may bận tâm gì khác”.

Dân nói anh không kỳ vọng sau khi xem triển lãm, người ta sẽ thay đổi hành vi của mình với phế liệu ngay. Nhưng anh cho rằng: “Trong số những người xem triển lãm, rồi cũng sẽ có người nhận ra câu chuyện của mình thôi mà”.

Cuộc đối thoại giữa loài người và “loài phế liệu”

Trái với thông lệ, các tác phẩm của triển lãm đều không có tên riêng, chỉ có tên chung, đó là Loài phế liệu. Tác giả muốn dành cho người xem toàn bộ sự tập trung vào một cuộc đối thoại.

nghe si quoc dan
Nghệ sĩ Quốc Dân và tác phẩm.

Người xem đối thoại với từng tác phẩm, đối thoại với từng hành động, từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, mình đã quan tâm thực sự với phế liệu chưa?

Tác giả bày tỏ: “Lâu nay con người đấu tranh cho sự tiến bộ của loài người, mọi vấn đề liên quan đến lợi ích của loài người, ngay cả phát triển tự do cho động vật, bảo vệ môi trường cũng là cho con người.

Tất nhiên mọi đấu tranh phát triển là cho con người, nhưng nghệ sĩ như mình nhìn nhận xã hội với góc độ khác, mình dành một góc để đấu tranh, góp phần nhìn nhận cho một thứ không lên tiếng được.

Những thứ bỏ đi, không phải là không được quan tâm, chuyện tái sinh tái chế thì có lẽ đã cả ngàn năm nay rồi, nhưng để bước vào đời sống một cách thường tình thì vấn đề này chưa nhìn nhận đúng đắn”.

tac pham cua nghe si quoc dan (5)
Tác phẩm của nghệ sĩ Quốc Dân.

Với triển lãm này, Quốc Dân nhân hóa tất cả phế liệu lên thành loài. Anh rất tâm đắc với tên gọi này, phế liệu xưa nay chưa ai gọi là loài cả. Phế liệu vẫn đang nỗ lực từng ngày để trở thành một loài mới. Từ này rất gợi và giúp cho người ta nhìn nhận, quan tâm hơn. Gọi như thế, cho phế liệu gần với con người hơn, con người ít gây tác động xấu hơn.

Và thực tế là, loài phế liệu, nó đã, sẽ và vẫn tồn tại song song và thậm chí sinh sôi nảy nở trong bất tận khi nào loài người còn sống và không ngừng thải.

Sẽ cùng loài phế liệu rong ruổi gần xa

Sau cuộc triển lãm ở Sài Gòn, Loài phế liệu dự kiến sẽ trở về xưởng Tái Sinh của nghệ sĩ Quốc Dân ở Hội An. Anh mong muốn thực hiện cuộc triển lãm ở Hội An vì từ trước đến giờ chưa có một triển lãm chính thức nào để mọi người ở Hội An hay Duy Xuyên, Quế Sơn, Đà Nẵng, Huế… và khu vực miền Trung có thể đến xem cả.

tac pham cua nghe si quoc dan (1)
Tác phẩm của nghệ sĩ Quốc Dân.

Dù xưởng Tái Sinh của Quốc Dân vẫn đang được nhiều đoàn khách liên hệ đặt lịch trước, và xưởng đồ phế liệu độc nhất vô nhị ở Hội An này vẫn hàng ngày đón tiếp không biết bao nhiêu khách đến xem.

Một trung tâm triển lãm ở Hà Nội cũng đã có lời mời đem Loài phế liệu ra thủ đô triển lãm. Tiếp đến là một tập đoàn lớn ở Đài Loan liên hệ muốn đem bộ sưu tập này đi Đài Loan để truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp có sản phẩm ảnh hưởng tới môi trường. Thứ nữa là khơi gợi một loại hình nghệ thuật không mới nhưng hiện giờ đang được sự quan tâm đặc biệt của Việt Nam và thế giới.

tac pham cua nghe si quoc dan (4)
Tác phẩm của nghệ sĩ Quốc Dân.

Sở dĩ ở Loài phế liệu, Quốc Dân chọn nhựa cho lần ra mắt triển lãm đầu tiên này là vì về xã hội học, đây là loài vật liệu mang tính đại chúng. Nó có lợi thế là màu sắc ám ảnh. Sau này Quốc Dân sẽ có thêm nhiều loại nữa cho loài phế liệu này, sưu tập thêm phế liệu sắt, thép, nhôm để sáng tác.

Hành trình này sẽ tiếp tục dài lâu, như anh tâm nguyện, là thông qua các tác phẩm, gióng lên tiếng nói Loài tái sinh đi muôn nơi

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thiết tha lên tiếng cho loài phế liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO