(VHQN) - Khi tuổi ngày một dày thêm, tôi lại nhớ da diết những mùa xuân kỷ niệm nơi làng xưa một nắng hai sương, dưới mái nhà tranh bên bếp lửa quê nghèo.
Giữa thành phố trong những ngày tháng Chạp, người xe tấp nập trên đường, họ đang mua sắm, tranh thủ từng giờ để chuẩn bị cho ba ngày tết. Ai cũng muốn mua thật nhiều thực phẩm để dự phòng, nhất là thịt heo từ quê mang xuống phố.
Trong cái chộn rộn, háo hức ấy, tôi lại nhớ mẹ, nhớ cái làng quê nghèo trong những ngày cận tết. Đặc biệt nhớ những miếng thịt heo muối bó trong chiếc mo cau treo lủng lẳng trên bếp lửa gia đình, dành cho cả nhà dùng trong ngày tết.
Tết đến mà không có mấy khổ thịt bó mo cau thơm lừng trên giàn khói bếp, để ăn dần cho đến rằm tháng Giêng, thì cái tết của tuổi thơ chúng tôi năm ấy sẽ vô vị biết dường nào.
Trong trí nhớ non nớt của tôi thời thơ bé, mẹ tôi đã lo tết từ giữa tháng Mười âm lịch. Đến hẹn lại lên, cứ sau ngày chạp mả ở quê, các nhà trong xóm tôi lại rủ nhau hùn tiền đặt cọc một con heo cỏ của một nhà trong xóm.
Heo nuôi bằng rau lang nấu với cám và chuối cây nên thịt rất thơm. Thường là bốn người chung nhau chia một con heo, mỗi nhà là một đùi. Nhà nào khá giả hơn, đông người hơn thì chia hai đùi.
Mỗi phần có cả xương lẫn thịt và chân giò. Xương và chân giò, ngày tết mẹ tôi thường nấu canh chuối chát. Món canh chuối màu nho rặt Quảng Nam này không phải các nơi ai cũng biết, cũng ăn.
Sau khi chia thịt xong, cả xóm ngồi quanh chiếc nong tròn, bận rộn nấu nồi cháo lòng thả từ cái bếp dã chiến kê bằng những viên gạch.
Nồi cháo bốc khói, sôi sùng sục bên bếp lửa chụm bằng những thân cây củi to đùng, than đỏ rực. Các mẹ chị bày ra cho bà con cả xóm cùng ăn vui vầy, đầm ấm.
Riêng thịt heo, mẹ tôi mang về cắt ra từng miếng dài chừng gang tay, khổ cỡ hai ngón tay người lớn ướp gia vị rồi bỏ vào mo cau, bó lại treo lên giàn. Thế là hương vị tết đã tràn ngập trong bếp lửa gia đình tôi những ngày giáp tết.
Biết bao nhiêu mùa xuân đi qua trong cuộc đời, vậy mà hương vị của món thịt heo luộc lấy ra từ mo cau ấy vẫn còn vương vấn mãi trong tâm trí của tôi. Mỗi bữa ăn, mẹ tôi mở bó thịt ra, lấy một, hai miếng thịt, rửa sạch rồi gia vị lại và cho vào nồi luộc.
Chỉ cần bỏ miếng thịt vào nồi nước sôi, tôi đã nghe mùi thơm lan tỏa khắp gian bếp gia đình. Tôi còn nhớ như in cái màu hường của khổ thịt lấy ra từ bó mo cau, sau khi luộc chín vẫn còn nguyên cái màu hồng nhạt đặc biệt ấy.
Thịt xắt lát mỏng bày ra đĩa mà ngỡ như còn sống với cái màu hết sức đặc trưng, khó tả. Mùi thơm như dồn hết vào món thịt bó mo cau của mẹ tôi ngày ấy, không thể nào quên.
Chúng tôi lớn lên, xa làng ra phố, bước vào đời. Mỗi đứa một phương. Với tôi, hình ảnh đọng lại trong ký ức thời thơ ấu vẫn còn nhiều, nhưng riêng hình ảnh mẹ tôi ngồi cặm cụi ướp thịt rồi cẩn trọng bó từng mo thịt để chúng tôi có những bữa ăn thơm ngon ướp đầy hương vị quê nhà là một trong những kỷ niệm mãi còn sâu đậm của tuổi thơ tôi.
Tôi nhớ mẹ tôi và thèm được ăn lại món thịt bó mo cau nghèo khó nhưng đầy ắp thương yêu của gia đình trong ba ngày tết. Cái hương vị đạm bạc, đơn sơ, chân chất của món ăn này mang đậm tính cách và hình ảnh mộc mạc cội nguồn của người dân xứ Quảng quê tôi tự bao giờ và mãi mãi…