Khởi nghiệp - OCOP

Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP:Nhận diện điểm yếu, tìm cách khắc phục

NHÃ PHƯƠNG 22/06/2024 09:00

(Đặc san 21/6) - Gần 7 năm qua, các cấp, ngành của Quảng Nam nỗ lực triển khai nhiều phần việc nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực hiện chương trình này tại nhiều địa phương của tỉnh còn không ít hạn chế.

c3.jpg
Các chủ thể tích cực tham gia quảng bá sản phẩm. Ảnh: P.V

Động lực phát triển kinh tế nông thôn

Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, những năm qua việc thực hiện chương trình OCOP ở địa phương đạt kết quả khả quan. Từ năm 2018 – 2024, bình quân mỗi năm Điện Bàn chi 900 triệu đồng (tỉnh phân bổ 800 triệu đồng, ngân sách thị xã 100 triệu đồng) hỗ trợ triển khai nhiều khâu của chương trình này.

“Đến nay Điện Bàn đã có 34 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 3 sản phẩm 4 sao và 31 sản phẩm 3 sao. Năm 2024 này, thị xã đăng ký với tỉnh phát triển mới 9 sản phẩm OCOP và 6 sản phẩm tham gia đánh giá lại” – ông Chơi nói.

Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, để việc thực hiện chương trình OCOP mang lại hiệu quả cao, từ năm 2018 đến nay các ngành chức năng của tỉnh và chính quyền các cấp tích cực phối hợp triển khai nhiều phần việc.

Ngoài tập trung hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ cá thể đăng ký sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng, hằng năm các đơn vị liên quan ở tỉnh và huyện tổ chức hàng chục khóa tập huấn cho đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực OCOP các cấp và những chủ thể.

Nội dung trọng tâm của các khóa tập huấn là hướng dẫn xây dựng và triển khai phương án sản xuất - kinh doanh, phát triển sản phẩm; đăng ký và xây dựng thương hiệu sản phẩm; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm...

Mới đây, tại hội nghị sơ kết sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2023 – 2024, ông Trương Xuân Tý – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, qua gần 7 năm triển khai chương trình OCOP, trên địa bàn Quảng Nam có tổng cộng 325 chủ thể đăng ký tham gia thực hiện; trong đó có 43 doanh nghiệp, 118 tổ hợp tác và HTX, 164 hộ sản xuất – kinh doanh cá thể.

“Qua việc tham gia chương trình OCOP, nhiều chủ thể đã dần thay đổi nhận thức và quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc đầu tư mua sắm máy móc, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm...” - ông Trương Xuân Tý nhìn nhận.

Từ năm 2018 - 2024 ngân sách tỉnh đã chi hơn 70 tỷ đồng cho ngành liên quan và chính quyền các địa phương thực hiện chương trình OCOP. Tính đến thời điểm này trên địa bàn Quảng Nam có 407 sản phẩm được cấp huyện và cấp tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP; trong đó có 61 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 346 sản phẩm 3 sao.

Nhiều điểm yếu cần tập trung khắc phục

Năm 2020, sản phẩm bánh dẻo của cơ sở sản xuất bánh kẹo Lợi Phổ ở thôn An Lạc (xã Duy Thành, Duy Xuyên) được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Ông Huỳnh Tấn Ánh (chủ cơ sở) cho biết, những năm trước sản phẩm bánh dẻo của gia đình tiêu thụ khá mạnh, bình quân hằng tháng doanh thu đạt khoảng 15 triệu đồng. Tuy nhiên, gần đây sản lượng tiêu thụ tụt giảm mạnh, doanh thu mỗi tháng chỉ đạt chừng 2 – 3 triệu đồng.

Ông Nguyễn Chí Công – Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, cuối năm 2023 sản phẩm bánh dẻo Lợi Phổ hết hạn công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao nhưng cơ sở của ông Huỳnh Tấn Ánh không làm các hồ sơ, thủ tục liên quan để đề nghị cấp có thẩm quyền đánh giá, công nhận lại. Nguyên nhân là đầu ra của sản phẩm gặp khó khăn, hơn nữa ông Ánh già yếu nên không đủ khả năng sản xuất – kinh doanh…

Theo ông Trần Văn Noa – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam, trong tổng số 407 sản phẩm đạt chuẩn OCOP hạng 3 - 4 sao trên phạm vi toàn tỉnh thì hiện có 245 sản phẩm còn hạn và 162 sản phẩm hết hạn.

Trong số 162 sản phẩm hết hạn, có nhiều sản phẩm không được các chủ thể đăng ký công nhận lại. Ông Noa cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là có không ít chủ thể già yếu, không đủ khả năng sản xuất – kinh doanh hoặc thời gian qua việc tiêu thụ sản phẩm OCOP trên thị trường gặp nhiều khó khăn…

Những năm qua, có thực trạng không ít chủ thể chưa tập trung xây dựng bài bản kế hoạch hoặc phương án sản xuất - kinh doanh và phát triển sản phẩm nên việc triển khai thực hiện chương trình OCOP còn bị động, lúng túng.

Vấn đề đáng quan tâm là một số chủ thể khó khăn về nguồn lực tài chính nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm các trang thiết bị máy móc hiện đại và ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động sản xuất còn nhiều hạn chế. Từ đó, dẫn đến sản lượng sản phẩm thấp và chất lượng sản phẩm không cao nên khó cạnh tranh trên thị trường.

Đáng chú ý, tại nhiều địa phương, việc rà soát và định hướng sản xuất cho các chủ thể đăng ký phát triển sản phẩm OCOP còn lúng túng. Công tác quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định chưa được quan tâm đúng mức; một số sản phẩm mang tính mùa vụ, chưa có vùng nguyên liệu ổn định, quy mô lớn nên không đáp ứng được số lượng và chất lượng khi thị trường có nhu cầu cao.

Trong khi đó, công tác quảng bá, năng lực tiếp cận thị trường còn hạn chế nên nhiều chủ thể sản phẩm OCOP chưa mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất – kinh doanh…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP: Nhận diện điểm yếu, tìm cách khắc phục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO