Lao động - Việc làm

Thực hiện dự án giáo dục nghề nghiệp: Quảng Nam vừa làm vừa tháo gỡ khó khăn

DIỄM LỆ 13/08/2024 08:00

Trong thực hiện các dự án, tiểu dự án liên quan đến giáo dục nghề nghiệp thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, các ngành, địa phương trong tỉnh vừa làm vừa tháo gỡ khó khăn để triển khai đạt kết quả.

a1.jpg
Chưa có quy định mức thu nhập cụ thể để xác định lao động thu nhập thấp nên các địa phương, đơn vị không đào tạo nghề được cho nhóm này. Ảnh: D.L

Điều chuyển vốn dự án khó thực hiện

Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững có dự án 4 là phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN), việc làm bền vững đã tạo điều kiện về nguồn lực đầu tư cho các cơ sở GDNN, nhằm nâng cao chất lượng GDNN. Tuy vậy, khi triển khai đầu tư trên thực tế lại không ít vướng mắc phát sinh, khiến các dự án đầu tư tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng tiến độ giải ngân.

Theo ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, các dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp mất nhiều thời gian để hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định mới tổ chức ký kết hợp đồng thực hiện.

Như dự án “Cải tạo khối công trình nhà xưởng thực hành, khối nhà học lý thuyết Trung tâm đào tạo Nam Quảng Nam” (tại huyện Núi Thành) đã được Nghị quyết số 07 HĐND tỉnh Quảng Nam ngày 21/3/2023 thông qua danh mục với tổng mức đầu tư hơn 5,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên khi triển khai lập báo cáo kinh tế kỹ thuật cho dự án thì công trình chưa được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy (theo Công văn số 1977, ngày 21/6/2023 của Phòng Cảnh sát PCCC&CHCH Công an tỉnh Quảng Nam về việc tham gia ý kiến về danh mục chi tiết các dự án sử dụng kế hoạch vốn đầu tư phát triển trung hạn thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 của Trường Cao đẳng Quảng Nam).

Vì vậy đến nay vẫn chưa trình hồ sơ phê duyệt dự án, đơn vị đã có văn bản đề nghị điều chỉnh danh mục và tổng mức đầu tư của các dự án thuộc Trường Cao đẳng Quảng Nam.

Hoặc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, vì những thiết bị đầu tư có tính đặc chủng, ít rộng rãi trong khi đó các đơn vị tư vấn, thẩm định trong tỉnh hạn chế phải tốn nhiều thời gian triển khai thực hiện; việc nghiên cứu để đầu tư thiết bị công nghệ thông tin cũng như phần mềm phục vụ chuyên môn nghiệp vụ về thu thập, phân tích thị trường lao động vẫn còn một số khó khăn...

Chính vì vậy, trung tâm đã có văn bản đề xuất điều chuyển nguồn vốn của Dự án xây dựng hệ thống quản lý nghiệp vụ dịch vụ việc làm, quản lý cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lao động; nâng cấp cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ nghiệp vụ hoạt động sàn giao dịch việc làm trực tuyến cho các đơn vị khác có nhu cầu sử dụng nguồn vốn đầu tư, với tổng số vốn dự kiến phân bổ năm 2024 và 2025 hơn 8,8 tỷ đồng.

Khó xác định đối tượng học nghề

Trong dự án 4 có tiểu dự án phát triển GDNN vùng nghèo, vùng khó khăn, vì không có hoặc khó xác định đối tượng học nghề nên nguồn kinh phí thực hiện của 3 năm từ 2022 - 2024 dồn ứ nhiều, vượt quá nhu cầu, khả năng thực hiện, giải ngân của các đơn vị, địa phương.

a.jpg
Hỗ trợ lao động nông thôn học nghề dưới 3 tháng ở các huyện nghèo chưa đạt kết quả. Ảnh: D.L

Qua tổng hợp của Sở LĐ-TB&XH, các địa phương kiến nghị ở cấp huyện trên địa bàn tỉnh không có cơ sở GDNN công lập nên nhiều nội dung hỗ trợ của chương trình không thực hiện được. Có thể kể đến những nội dung như sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện đào tạo, xây dựng, chỉnh sửa chương trình đào tạo…

Trong khi đó, phần lớn nguồn kinh phí này chỉ thực hiện nội dung hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, dành cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.

Nguồn kinh phí phân bổ cho các trường, trung tâm GDNN chỉ sử dụng để mua sắm vật chất thiết bị dạy học, không thể thực hiện nội dung hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho người lao động vì trùng với nội dung địa phương thực hiện dẫn đến giải ngân kinh phí thấp.

Phân tích điều này, ông Nguyễn Quí Quý cho biết: “Phần lớn người lao động khi tham gia các lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng đều mong muốn học tại địa phương.

Trong khi đó các huyện trên địa bàn tỉnh hiện nay không có trung tâm GDNN, giáo dục thường xuyên. Còn các cơ sở GDNN khác trên địa bàn tỉnh khi thực hiện đào tạo trình độ sơ cấp phải thực hiện đúng quy định về đăng ký, đăng ký bổ sung hoạt động GDNN theo quy định rất phức tạp. Nên kết quả tham gia học nghề hạn chế, giải ngân thấp.

Các lớp đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng có sử dụng ngân sách nhà nước cũng phải đảm bảo các điều kiện được quy định tại Điều 7 Thông tư số 43, ngày 20/10/2015 Bộ LĐ-TB&XH quy định về đào tạo thường xuyên nên việc tổ chức tuyển sinh, đào tạo gặp rất nhiều khó khăn”.

Thêm điều nữa, đến nay Trung ương vẫn chưa có văn bản quy định mức thu nhập cụ thể để xác định lao động thu nhập thấp, nên địa phương không có cơ sở để để thực hiện chính sách đào tạo nghề nghề dưới 3 tháng cho nhóm này. Nhóm người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chủ yếu ở huyện miền núi nhưng không có nhu cầu học nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện dự án giáo dục nghề nghiệp: Quảng Nam vừa làm vừa tháo gỡ khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO