Chuyển biến từ "số hóa" hoạt động ngân hàng

VIỆT NGUYỄN 07/07/2022 07:08

Thanh toán số, ngân hàng số là xu thế tất yếu nên các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh mạnh mẽ vào cuộc vì lợi ích thiết thực của khách hàng, đảm bảo an toàn, tiện lợi trong giao dịch.

Vietcombank Quảng Nam chú trọng chuyển đổi số để đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Vietcombank Quảng Nam chú trọng chuyển đổi số để đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Xu hướng chuyển đổi số

Thu hút khách hàng là cách để các ngân hàng thương mại cụ thể hóa kế hoạch tăng trưởng tín dụng. Siêu thẻ 4 trong 1 HDBank Petrolimex với nhiều ưu đãi hấp dẫn là cách chiều lòng khách hàng của Phòng giao dịch HDBank Quảng Nam tại TP.Tam Kỳ.

Chuộng sử dụng siêu thẻ 4 trong 1 HDBank Petrolimex, chị Thạch Hà (phường Tân Thạnh, Tam Kỳ) cho rằng, tích hợp cùng lúc thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước và là phương tiện để nhận diện khách hàng thân thiết của Petrolimex là rất thiết thực. Với các tích hợp tiện dụng này, không phải mang quá nhiều thẻ, đỡ rơi mất, chị Hà còn xác lập cho bản thân phong cách chi tiêu, mua sắm văn minh, hiện đại.

“Sử dụng thẻ HDBank Petrolimex 4 trong 1, tôi được hoàn 100.000 đồng từ ngân hàng cho giao dịch đầu tiên khi chi tiêu tối thiểu từ 200.000 đồng. Tôi còn được tích điểm, nhận thưởng 0,7% khi thanh toán xăng dầu tại Petrolimex” - chị Hà nói.

 Sự ra đời của HDBank Petrolimex rất “thức thời” khi đánh đúng vào tâm lý tiêu dùng của khách hàng trong bối cảnh giá xăng dầu leo thang gần đây. Với thẻ “siêu quốc dân” nói trên, từ nay đến ngày 31.3.2023, khi chi tiêu tối thiểu từ 2,5 triệu đồng, chủ thẻ có cơ hội quay số may mắn để nhận các giải thưởng hấp dẫn từ ngân hàng thương mại gồm 4 giải nhất (mỗi giải là 1 sổ tiết kiệm HDBank trị giá 100 triệu đồng), 4 giải nhì (mỗi giải 1 xe Honda Vision), 12 giải ba (mỗi giải 1 iPhone 13 256GB).

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu đẩy mạnh thanh toán điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số trên lĩnh vực ngân hàng - tài chính, giảm dần tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán, đặc biệt trong lĩnh vực công, hành chính công; đưa sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Theo đó, giải pháp là ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động như thanh toán qua QR Code, mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động (Mobile Payment), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless), ví điện tử...

Khẳng định ưu thế, vị thế trong hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh, Vietcombank Quảng Nam đầu tư lớn cho hạ tầng kỹ thuật ngân hàng hiện đại, mạnh mẽ ứng dụng công nghệ mới vào xử lý tự động các dịch vụ ngân hàng, phát triển các sản phẩm ngân hàng điện tử dựa trên nền tảng công nghệ cao.

Không gian giao dịch công nghệ số đa tiện ích, đặc biệt là VCB Digibank của Vietcombank Quảng Nam là cam kết mạnh mẽ nhằm đem lại các giá trị thiết thực cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp.

Theo ông Võ Văn Đức - Giám đốc Vietcombank Quảng Nam, xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh trong tất cả ngành kinh doanh, tài chính, ngân hàng. Vietcombank Quảng Nam thúc đẩy thanh toán số, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.

Để hỗ trợ khách hàng dịch chuyển giao dịch từ kênh truyền thống sang các kênh giao dịch số, ngân hàng một mặt chú trọng cải tiến, đổi mới hệ thống kênh số, gia tăng các ưu đãi khác biệt trên kênh số, mặt khác, tập trung vào việc ứng dụng các thành tựu công nghệ tiên tiến nhất, triển khai các phương thức thanh toán hiện đại, nhanh chóng, tiện lợi với tiêu chuẩn an toàn bảo mật cao nhất cho người dùng như thẻ chip không tiếp xúc, phương thức thanh toán QR Pay...

Chuyển đổi số mạnh mẽ

Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc, các ngân hàng thương mại phải thực hiện. Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện việc chuyển đổi số rất mạnh mẽ. Sự chuẩn bị và đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, đào tạo con người đã tạo ra những sản phẩm mới thể hiện qua thanh toán, mở tài khoản, áp dụng nhiều nghiệp vụ gắn liền với công nghệ số...

Đến nay hầu hết ngân hàng đều có nhiều sự chuyển biến trong áp dụng công nghệ số và tạo được nhiều thành công trong hoạt động, góp phần cùng các ngành thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong công cuộc chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là cách để ngành ngân hàng thực hiện tốt các dịch vụ, nhất là kết nối thuận tiện với các dịch vụ liên ngân hàng như tiền gửi tiết kiệm, vay vốn, bảo hiểm, quản lý tài chính cá nhân, gọi xe, đặt vé xem phim, đặt nhà hàng, đặt tour du lịch, sử dụng dịch vụ y tế, giáo dục...

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng, chỉ thị về đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng; trình Chính phủ ban hành quyết định về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).

Đến nay, hầu hết ngân hàng thương mại tại Quảng Nam mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng cho khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC), ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật thanh toán như mã QR code, thẻ chíp nội địa, tạo thuận lợi cho kết nối thanh toán liên thông, giảm chi phí chấp nhận thanh toán.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển biến từ "số hóa" hoạt động ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO