(VHQN) - Có thời kỳ người phụ nữ xứ Quảng chiếm thế “thợ cả” trong một số làng nghề thủ công truyền thống. Để dân gian làm nên câu ca: “Em là con gái Quảng Nam/ Nông tang, canh cửi chăm làm chăm lo”...
Rộn tiếng thoi đưa
Thời xưa, khi lưu dân các vùng Thanh Nghệ đặt chân lên vùng đất mới Quảng Nam, một xã hội “nam quyền” dần phai nhạt theo bước đường Nam tiến. Định cư ở vùng đất “mở rộng về phương Nam”, những ngành nghề mới cũng dần định hình, phát triển. Chính điều này khiến vị thế của phụ nữ thay đổi.
Vào thời các chúa Nguyễn lập Dinh Chiêm đầu thế kỷ 17 và có chủ trương, chính sách thoáng mở về kinh tế thương nghiệp với thương nhân nước ngoài tại thương cảng Hội An (thương nhân người Hoa, người Nhật, người Âu Tây (Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp…) thì nghề tơ lụa cũng phát triển mạnh mẽ ở xứ Đàng Trong.
Những làng nghề ươm tơ, dệt lụa hình thành ở vùng hạ du sông Vu Gia, Thu Bồn như ở vùng Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn… Ca dao mô tả khá rõ không khí của những làng nghề ngày xưa:
“Duy Xuyên có lụa mỹ miều - buổi mai cửi mắc, buổi chiều tơ giăng”, hay “con tằm Đại Lộc xe tơ - bãi dâu Đại Lộc tờ mờ bên sông - nào có buôn thị bán hồng - đi qua Đại Lộc thấy tằm nong mà thèm”.
Ở các làng nghề tằm tơ, người phụ nữ có vai trò chủ chốt. Vì phụ nữ vừa trồng dâu, hái dâu “thương tằm ngửa áo bọc dâu - sao tằm lại phụ ngãi dâu hỡi tằm?” vừa nuôi tằm “làm ruộng ăn cơm nằm - chăn tằm ăn cơm đứng” - rồi cả đến việc “canh cửi” (dệt cửi) cũng do họ đảm trách.
Người quán xuyến
Người Việt khi vào xứ Quảng đã học được nghề đánh bắt cá biển, nghề muối cá mắm tương truyền của người Chăm.
Vùng biển Cửa Đại bờ Bắc cũng như bờ Nam đều có nghề làm mắm, hình thành các “thương hiệu” nổi tiếng như mắm Cửa Khe (Thăng Bình), mắm Trung Phường (Duy Xuyên,) mắm Thanh Châu, mắm Gành (Hội An)…
Làm mắm đã kỳ công. Làm mắm ngon để bán khắp vùng “trên nguồn dưới biển” thì đòi hỏi “có tay” - nghĩa là có tay nghề cao thì mắm mới không bị “trở”, bị hư và để được là loại mắm ngon “nhức lưỡi”.
Làm xong, người phụ nữ chịu luôn vai trò đi bán mắm. Ở các làng xóm, mắm được chị em gánh đi bán trong lu, trong hũ, trong thạp, liễn… Vậy mới có câu ca dao: “nói ra để chị em nghe - tui đi bán mắm Cửa Khe - Trung Phường - nói ra để chị em tường - tui đi bán mắm Trung Phường - Cửa Khe”.
Nghề trồng lát, dệt chiếu ở Bàn Thạch, Yến Nê, Triêm Tây hay nghề chằm nón - làm lồng đèn Hội An phụ nữ cũng quán xuyến các khâu chính.
Đặc biệt nhất là nghề gốm Thanh Hà - đàn ông phụ trách khâu “làm đất” (nguyên liệu), phụ nữ phụ trách khâu chế tác sản phẩm. Một người đẩy “bàn chuốt” đồng thời với việc nặn con đất, một người ngồi “bàn chuốt” làm ra sản phẩm, rồi việc tiêu thụ sản phẩm cũng có vai trò gánh bán như nam giới.
Nghề nặng nhọc như nghề đúc đồng Phước Kiều, nghề làm trống, nghề mộc Kim Bồng, Vân Hà… người phụ nữ vẫn tham dự với khâu làm nguội, đánh bóng, sơn phết sản phẩm.
Phụ nữ xứ Quảng còn có nghề ẩm thực như làm mỳ Quảng, cao lầu, bê thui… Họ giỏi quán xuyến đến nỗi, xứ Quảng còn truyền câu ca dao tán dương người phụ nữ quê mình: “tiếng đồn gái Quảng có tài - nấu lưng séc gạo mà nồi hai cơm đầy”…