Cách làm phải tác động từ gốc của cái nghèo mới mang lại hiệu quả vững bền. Và nguồn lực giảm nghèo vẫn là câu chuyện được các địa phương quan tâm trong giai đoạn tiếp theo, khi chuẩn nghèo được nâng lên mức cao hơn.
Cần nguồn lực lớn, phân bổ nhanh
Theo đánh giá của các địa phương miền núi, công tác giảm nghèo chủ yếu được thực hiện từ các nguồn ngân sách của trung ương, tỉnh và một phần rất nhỏ là vốn đối ứng của người dân tham gia các chương trình, dự án. Tuy nhiên, cơ cấu vốn để thực hiện các chương trình còn chưa đa dạng, trong khi đóng góp của người dân ít, cũng như việc thu hút đóng góp từ doanh nghiệp gần như không đáng kể.
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, qua phân bổ, giai đoạn 2016 - 2020, nguồn lực hỗ trợ cho các huyện nghèo từ Chương trình 30a và Chương trình 135 khoảng 250 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các địa phương phân bổ triển khai hạng mục tiểu dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở; hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Theo ông Blúi, do đặc thù của vùng đặc biệt khó khăn, kinh phí được phân bổ còn thấp so với nhu cầu triển khai từng hoạt động của dự án, tiểu dự án. Trong khi nguồn vốn sự nghiệp phát triển sản xuất phân bổ về các địa phương còn chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức thực hiện.
“Ở miền núi, nông nghiệp thường mang tính thời vụ, vì thế việc bố trí vốn chậm sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai sản xuất của người dân. Chưa kể nguồn vốn đầu tư ở lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, chưa đủ đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; việc hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi một lần chưa phát huy giá trị do thời gian đầu tư ngắn. Điều đó khiến một số địa phương lúng túng, dẫn đến triển khai dự án giảm nghèo chưa đem lại hiệu quả cao” - ông Blúi nói.
Không chỉ ở Tây Giang, những bất cập trong hỗ trợ, đưa chính sách đến với người dân là thực trạng chung ở miền núi, nhất là các huyện thuộc diện thụ hưởng Chương trình 30a, 135. Như ở Nam Giang, mặc dù nguồn lực cho công tác giảm nghèo được đánh giá đã phát huy hiệu quả tích cực, ý thức, trách nhiệm của người dân được nâng lên, song tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh, hơn 36,5% vào đầu năm 2020.
Nguyên nhân được xác định do nguồn lực đầu tư từ ngân sách huyện còn hạn hẹp, khả năng huy động nguồn vốn xã hội hóa khó khăn, việc lồng ghép các nguồn lực còn phân tán, chưa đồng bộ. Ngoài ra, cộng đồng chưa phát huy hiệu quả tổ chức quản lý, khai thác sử dụng các công trình sau đầu tư; sản xuất hàng hóa nông sản mặc dù đã được cải thiện song các khâu chế biến, bảo quản, đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Tất cả làm thành “rào cản” đối với công tác giảm nghèo ở miền núi, buộc phải có hướng tháo gỡ phù hợp trong thời gian đến.
Chính quyền phải quyết tâm, người dân không ỷ lại
Khi xây dựng Nghị quyết 02 Tỉnh ủy đã nhận diện, phân tích thực trạng nghèo ở miền núi, khu vực còn nhiều khó khăn cần được tác động giảm nghèo mạnh. Cụ thể hóa nghị quyết, HĐND tỉnh đã ban hành một số chính sách và UBND tỉnh căn cứ triển khai thực hiện. Nhiều chính sách phát huy hiệu quả và được người dân cũng như lãnh đạo các địa phương tâm huyết thực hiện. Có thể kể đến như chính sách sắp xếp dân cư ở miền núi, tập trung bảo vệ rừng bằng cách giao khoán cho nhân dân giữ rừng, phát triển sinh kế dưới tán rừng...
Ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My cho biết, chính sách sắp xếp dân cư được thực hiện mạnh từ sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước là quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân và phù hợp với điều kiện của miền núi. Dân cư phải sinh sống ổn định và tập trung là việc đầu tiên, bởi xưa nay bà con ở vùng đồi cao, ven sông suối dễ bị sạt lở, hay ở trong rừng phòng hộ, sống rải rác nên khó tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng đường giao thông, trường học. Khi dân cư sinh sống tập trung thì những vấn đề nêu trên sẽ được giải quyết dễ dàng hơn.
Cũng theo ông Hưng, giao cho nhân dân bảo vệ rừng, phát triển dược liệu dưới tán rừng là chính sách quan trọng góp phần giải bài toán thu nhập của người dân. Đã trồng dược liệu thì người dân phải bảo vệ rừng, đó là tất yếu vì có rừng mới trồng được dược liệu, độ rủi ro rất thấp, nguồn thu nhập lại cao. Đặc biệt, Nam Trà My làm theo cách hỗ trợ sau đầu tư có sự đối ứng của người nghèo, để người dân thoát khỏi suy nghĩ “cây con giống là của Nhà nước cấp” nên không có trách nhiệm với nguồn hỗ trợ. Thoát khỏi tư duy ỷ lại, người dân ở các huyện miền núi cao mới có thể thoát nghèo. Bởi chính sách chỉ là động lực, chủ thể vẫn chính là hộ nghèo, họ phải tự thân vươn lên thì sự hỗ trợ mới phát huy tác dụng.
Tỷ lệ hộ nghèo vào cuối năm 2019 của huyện Bắc Trà My là 33,64% (còn 3.704 hộ nghèo), so với kết quả cuối năm 2015 giảm được 1.661 hộ nghèo (tỷ lệ 18,42%). Có được kết quả này, huyện Bắc Trà My đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo trực tiếp qua mô hình sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng tác động đến việc giảm nghèo, sắp xếp dân cư. Số hộ nghèo còn lại của huyện Bắc Trà My được xác định khó tác động giảm nghèo và càng về sau càng khó, bởi chủ yếu là nhóm yếu thế; hơn nữa khi chuẩn hộ nghèo thay đổi thì con số hộ nghèo có khả năng tăng cao trở lại.
Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, trong rất nhiều chương trình, kế sách phát triển kinh tế - xã hội mà huyện Bắc Trà My đã thực hiện, đích đến cuối cùng vẫn là giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân. Tuy nhiên, địa bàn miền núi luôn có nhiều trở ngại cho việc sắp xếp dân cư; xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào miền núi để giải quyết việc làm tại chỗ chưa được; địa hình khó khăn trong giao thương...
“Với khu vực miền núi, cần nghiên cứu chính sách kêu gọi đầu tư mạnh mẽ hơn, cần có những doanh nghiệp đến với miền núi đầu tư, giải quyết việc làm tại chỗ, liên kết cùng người dân để họ có điều kiện sản xuất và ổn định đầu ra sản phẩm. Khi bài toán về thu nhập được giải quyết thì câu chuyện thoát nghèo của người dân mới hiệu quả. Việc trồng cây gì, nuôi con gì với kiểu phân tán, nhỏ lẻ thì hiệu quả tác động giảm nghèo không thể ngay tức khắc, lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Và các chính sách giảm nghèo cũng cần được tập trung, hạn chế chính sách nhỏ lẻ mới tạo được động lực mạnh mẽ trong giảm nghèo ở miền núi” - ông Vũ đề xuất.
--------------------
Bài cuối: Xây dựng chính sách từ thực tiễn