Công cuộc giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 kết thúc ở thời điểm đầy khó khăn, nhất là vùng núi với nhiều hệ lụy từ thiên tai. Trong giai đoạn tiếp theo, những bài học kinh nghiệm về giảm nghèo vừa qua sẽ là cơ sở để các cấp, ngành và địa phương đưa ra quyết sách hiệu quả trong công cuộc giảm nghèo một cách bền vững.
Ông Bling Mia - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang: Tỷ lệ hộ nghèo khó giảm trong năm này
Hiện Tây Giang còn 1.932 hộ nghèo, tỷ lệ 38,07%. Năm 2020, Tây Giang đặt mục tiêu giảm nghèo bền vững cho 240 hộ, cao hơn chỉ tiêu UBND tỉnh giao là 20 hộ. Nhưng dịch bệnh, bão lũ khiến mục tiêu này khó đạt được. Trong quá trình rà soát, huyện sẽ kiên quyết loại khỏi danh sách hộ nghèo những hộ vì lười lao động, ỷ lại trong khi có điều kiện thoát nghèo. Còn những hộ vì lý do bất khả kháng ảnh hưởng từ bão lũ thì không thể nào làm khác được, dù tỷ lệ hộ nghèo không giảm, hoặc có tăng hơn so với năm 2019 cũng đành chấp nhận.
Hệ lụy từ các đợt thiệt hại do thiên tai ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu giảm nghèo của Tây Giang. Giai đoạn 2021 - 2025, Tây Giang sẽ phải nỗ lực hơn nữa trong giảm nghèo. Ngoài các chương trình, dự án của tỉnh, trung ương, huyện sẽ tính toán tranh thủ nhiều nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội miền núi, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Ngoài chương trình lớn thì Tây Giang có hướng đi riêng, đó là quy hoạch, sắp xếp dân cư gắn với phát triển vùng sản xuất, theo điều kiện “có đất và có nước”. Trước đây, người dân sống rải rác, sản xuất, chăn nuôi không tập trung, nguy cơ sạt lở, lũ quét ảnh hưởng lớn đến tài sản và tính mạng. Bây giờ phải sắp xếp lại dân cư, để người dân có nơi ở ổn định lâu dài, hợp văn hóa làng, gắn với quy hoạch nông thôn mới, có nơi sản xuất tập trung để ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My: Tác động giảm nghèo có địa chỉ
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Nam Trà My đã giảm nghèo bằng cách tác động giảm nghèo có địa chỉ, phân công “3 cán bộ, công chức giúp 1 hộ thoát nghèo bền vững”, theo định hướng trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả nhất. Từ đó dần xóa bỏ phương thức trồng trọt, chăn nuôi theo phong tục tập quán, chuyển sang chăn nuôi có chuồng trại, áp dụng khoa học kỹ thuật. Mỗi cán bộ, công chức được phân công giúp hộ nghèo phải tìm hiểu rõ hoàn cảnh, nguyên nhân nghèo của từng hộ. Từ đó đề xuất theo nguyện vọng của hộ nghèo muốn nuôi con gì, trồng cây gì phù hợp nhất để dùng nguồn lực Nhà nước hỗ trợ. Sau đó phải bám sát, theo dõi, giúp đỡ thường xuyên để hộ nghèo thoát nghèo bền vững từ chính ý thức của họ.
Thoát nghèo cần được thực hiện theo phương châm “người dân tự vươn lên thoát nghèo, có sự hỗ trợ của Nhà nước và được cộng đồng giúp đỡ”. Cùng với nhiều giải pháp khác, giai đoạn nêu trên có 2.476 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 70,89% vào năm 2016 còn 30,24% theo tính toán ước đạt của năm 2020. Trong giai đoạn tiếp theo, để các huyện miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao có thêm động lực thoát nghèo bền vững, cần được tập trung nguồn lực, bố trí nguồn vốn tăng hơn 1,5 lần và bố trí sớm để địa phương chủ động kế hoạch. Cần phân cấp mạnh cho địa phương, đối tượng thụ hưởng dự án, chương trình phải có một phần đối ứng nhằm tăng trách nhiệm của người thụ hưởng, theo hướng Nhà nước đầu tư 85% nguồn lực, người dân đối ứng 15% nguồn lực tự có. Đồng thời ở huyện tỷ lệ hộ nghèo cao cần bố trí 1 biên chế chuyên làm công tác giảm nghèo bền vững.
Ông Đặng Tấn Giản - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh: Nguồn lực đầu tư cho khu vực miền núi tạo sự tác động mạnh
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi hiện nay có khoảng 330.400 người, tỷ lệ hộ nghèo là 20,85%, còn cao so với tỷ lệ chung của toàn tỉnh là 6,06%. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng kinh phí đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi hơn 10 nghìn tỷ đồng. Các chương trình, dự án đã tập trung giải quyết những bức xúc về cơ sở hạ tầng, đáp ứng phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân khu vực này. Dù được đầu tư nhiều, nhưng khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn như điều kiện tự nhiên, thời tiết khắc nghiệt, việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc vào thiên nhiên. Trình độ kiến thức của người dân còn hạn chế nên chuyển giao khoa học kỹ thuật đến gia đình, cộng đồng thôn còn khó khăn. Hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5 - 6%, nhưng chưa thực sự bền vững, chỉ cần có sự tác động như thiên tai, dịch bệnh hay hạn hán mất mùa là cái nghèo tái hiện.
Nguồn lực đầu tư cho miền núi nhiều, và giai đoạn tới còn được tập trung hơn nữa từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Chương trình sẽ tập trung vào 9 dự án trọng tâm. Trong đó, sẽ tập trung giải quyết nhà ở, xóa nhà tạm, dột nát cho 4.951 hộ, hỗ trợ kinh phí cho các hộ gia đình tự khai hoang vỡ đất sản xuất hoặc thực hiện việc mua, bán, chuyển đổi quyền sử dụng đất cho 2.901 hộ đủ đất sản xuất nông nghiệp. Đối với hộ không thể khai hoang hoặc chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp thì chuyển đổi ngành nghề theo nhu cầu và khả năng thực tế của gia đình, số hộ được hỗ trợ là 2.231 hộ.
Ban Dân tộc sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT, các địa phương miền núi hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập. Nội dung này thì hộ gia đình sẽ được giao bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung, trợ cấp gạo cho gia đình nghèo có tham gia trồng rừng sản xuất, phát triển nông lâm sản ngoài gỗ và trồng rừng phòng hộ. Mỗi xã thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi sẽ được hỗ trợ xây dựng thí điểm một mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chuỗi giá trị. Đồng thời phải đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, giúp mỗi người dân cũng như chính quyền địa phương hiểu rõ về chương trình, cùng tham gia vào thực hiện hiệu quả, đưa sự đầu tư đạt được kết quả kỳ vọng, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khá hơn.
Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Ưu tiên nguồn lực cho giảm nghèo nhưng hạn chế hỗ trợ trực tiếp
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 2,87%, duy trì mức giảm tỷ lệ nghèo đa chiều ở các huyện nghèo từ 3 - 4%/năm. Muốn đạt được mục tiêu này, tỉnh đã có định hướng giảm nghèo bền vững cho cả giai đoạn, với rất nhiều nhiệm vụ và giải pháp để vượt lên những khó khăn trước mắt, nhất là ở khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn lực sẽ ưu tiên đầu tư cho công cuộc giảm nghèo nhưng hạn chế hỗ trợ trực tiếp, mà thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sinh kế sản xuất cho hộ nghèo, hộ đăng ký thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững. Đối với hộ nghèo có lao động sẽ được hỗ trợ học nghề, đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đối với cải thiện về thu nhập, giải pháp chính là đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, cải thiện cơ chế thu hút đầu tư, tăng cường liên kết và bao tiêu sản phẩm cho người dân ở khu vực miền núi. Đối với các dịch vụ xã hội cơ bản, người dân ở khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tiếp tục được hỗ trợ về giáo dục, y tế, dinh dưỡng, cải thiện nhà ở, tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý, tiếp cận dịch vụ văn hóa thông tin. Ngoài nguồn lực của Nhà nước, thì phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” sẽ tiếp tục được thực hiện, kêu gọi sự vào cuộc của các nguồn lực xã hội hiệu quả hơn. Tất cả chính sách thực hiện theo phương châm “trao cần câu, không trao con cá”, giảm hỗ trợ trực tiếp thay vào đó hướng đến tạo sinh kế thì công cuộc giảm nghèo mới bền vững.