Nhiều lễ hội ở Hội An gắn với văn hóa, tín ngưỡng nông nghiệp của địa phương, do đó trong lễ hội thường lồng ghép các hoạt động nông nghiệp thu hút du khách quốc tế trải nghiệm.
Cuối tuần qua, tại làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP.Hội An) diễn ra lễ hội Cầu Bông. Đây là sự kiện thường niên được chính quyền và người dân địa phương sắm sửa lễ vật tổ chức vào mùng 7 tháng Giêng để cầu nguyện cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu.
Ngoài lễ cúng, tại lễ hội cầu bông luôn có một số nội dung thi gắn với đặc trưng sản xuất nông nghiệp đã trở thành thương hiệu của Trà Quế như làm tôm hữu, thi làm đất, cấy cải, bón rong…
Ông Mai Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho hay, tại sự kiện năm nay ban tổ chức không kết nối các đoàn du khách để tham gia thi một số hoạt động nông nghiệp cùng người dân nhưng đến lúc diễn ra hội thi thì có khá nhiều khách quốc tế ghé vào trải nghiệm.
Dù là hội thi chấm điểm theo từng nội dung giữa các tổ trong làng, nhưng ban tổ chức đã động viên các đội rằng điều quan trọng nhất là du khách thích thú, chủ động hòa chung vào trải nghiệm. Đó là niềm vui lớn của lễ hội và cũng là một cách hay để quảng bá thương hiệu du lịch nông nghiệp của làng Trà Quế.
Ông Michel - một vị khách đến từ Pháp chia sẻ, bản thân và gia đình trước đó có đặt tour và thực tế đã trải nghiệm “làm nông dân” ở Trà Quế. Việc tình cờ được tham gia cùng người dân địa phương vào lễ hội cầu bông để hiểu hơn về nét đẹp truyền thống bản địa là một trải nghiệm tuyệt vời ngoài mong đợi của gia đình.
Đầu tháng 1/2024, xã Cẩm Châu cũng đã tổ chức lễ hội xuống đồng và dù thời tiết không thuận lợi nhưng du khách quốc tế vẫn hào hứng tát nước bằng gàu vai, gàu sòng; cày bằng trâu; cấy lúa…
Trong số các lễ hội mùa xuân sẽ diễn ra tại Hội An đầu năm nay vẫn còn một số lễ hội gắn với các trải nghiệm nông nghiệp hấp dẫn như ngày hội làng nghề truyền thống Kim Bồng (Cẩm Kim), ngày hội bắp nếp Cẩm Nam được chờ đợi sẽ tiếp tục thu hút du khách khắp nơi khám phá.
Quan điểm phát triển của chính quyền đối với du lịch Hội An là dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, bồi đắp tài nguyên thiên nhiên, nỗ lực bảo vệ môi trường.
Hướng đến trở thành điểm đến chất lượng cao theo hướng “du lịch xanh”, đảm bảo các giá trị lâu dài đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, lấy giá trị văn hóa truyền thống, yếu tố bản địa, hàm lượng về môi trường, khả năng chịu tải của điểm đến là nền tảng và định hướng phát triển.
Do đó, du lịch nông nghiệp đang là một trong những trọng tâm thúc đẩy của địa phương, nhất là giai đoạn hậu COVID-19 để hướng đến ngành du lịch bền vững.