Nông nghiệp - Nông thôn

Trang trại hữu cơ Xuân Nam đạt chứng nhận quốc tế

BÍCH LIÊN 05/08/2024 08:45

Trang trại liên kết canh tác Xuân Nam (xã Đại Thắng, Đại Lộc) vừa đạt các chứng nhận hữu cơ quốc tế Mỹ, Liên minh EU, Nhật Bản. Đây là tin vui lớn mở ra hướng sản xuất - tiêu dùng bền vững, an toàn.

xuan nam 1
Trang trại Xuân Nam, xã Đại Thắng canh tác theo quy trình hữu cơ quốc tế Mỹ, EU, Nhật Bản. Ảnh: BÍCH LIÊN

Chuỗi liên kết bền vững

Nhiều năm nay, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng trang trại liên kết canh tác bền vững giữa Công ty TNHH Thực phẩm Noom với hơn 20 hộ dân thôn Xuân Nam (cũ) nay là thôn Phú Xuân, xã Đại Thắng từng bước đi vào ổn định.

Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, công ty và người dân đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất cây mè đen, cây đậu phụng trên cơ sở canh tác hữu cơ, an toàn, không hóa chất, không thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sản xuất lẫn người tiêu dùng.

Sản phẩm từ cây mè đen, cây đậu phụng canh tác hữu cơ tại vùng đất Xuân Nam được công ty thu mua, ép lạnh, tạo sản phẩm dầu mè, dầu phụng sạch, đóng chai thủy tinh bắt mắt, gắn logo, nhãn mác thân thiện, có tem truy xuất nguồn gốc.

Tiêu chuẩn của các Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA organic), Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản là các tiêu chuẩn hữu cơ được tin cậy và sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Sản phẩm được chứng nhận hữu cơ này có giá trị không chỉ tại nước được cấp chứng nhận mà còn được công nhận tại nhiều nước khác trên thế giới.

Bà Bùi Thị Hồng Thu - Giám đốc công ty chia sẻ: “Từ vài héc ta liên kết ban đầu, đến nay, chúng tôi đã mở rộng vùng sản xuất đậu phụng, mè đen hữu cơ lên 6,7ha nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định, bền vững phục vụ sản xuất. Sản phẩm của công ty có thể truy xuất nguồn gốc và có mặt tại nhiều cửa hàng nông sản sạch, được người tiêu dùng đón nhận.

Vừa qua, trang trại canh tác hữu cơ Xuân Nam đã được chứng nhận trang trại hữu cơ tiêu chuẩn quốc tế Mỹ, EU và Nhật Bản. Những gì công ty và người sản xuất ở thôn Phú Xuân nhận được ngày hôm nay là kết quả của sự nỗ lực trong thời gian dài” - bà Thu nói.

Ông Phạm Anh Tư - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thắng cho biết, qua 8 năm liên kết sản xuất, ban đầu phía công ty, địa phương và các hộ tham gia đối diện với nhiều khó khăn. Địa phương cũng nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành xây dựng vùng liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Gần đây, mô hình đã đi vào ổn định, hoàn chỉnh hơn, nhận thức của nông dân được nâng lên rất nhiều. Địa phương cũng kề vai sát cánh cùng với công ty và người dân duy trì tốt mô hình, trực tiếp chỉ đạo nông dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất hữu cơ của công ty. Đồng thời sẽ tiếp tục chỉ đạo mở rộng vùng liên kết sản xuất khi công ty và nông dân có nhu cầu trong thời gian tới.

Người dân phấn khởi

Ông Nguyễn Văn Minh, người dân thôn Phú Xuân, xã Đại Thắng chia sẻ, gia đình ông liên kết canh tác đậu phụng, mè đen từ năm 2016 đến nay. Thời gian đầu, việc thay đổi hoàn toàn tập quán sản xuất gặp khó nhưng mọi người đều nỗ lực thích nghi với sản xuất hữu cơ.

xuan nam 2
Ra mắt khu vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Chi hội Nông dân nghề nghiệp thôn Phú Xuân. Ảnh: BÍCH LIÊN

“Chúng tôi phát cỏ bằng máy, chỉ sử dụng bánh dầu để bón cho đất, làm tăng độ phì, độ xốp cho đất, không bón phân, không phun thuốc, tất cả quy trình canh tác đều theo hướng dẫn của công ty. Dù năng suất thấp, cỏ nhiều phải tốn công nhổ bỏ nhưng bù lại giá công ty thu mua nông sản rất cao” - ông Minh nói.

Gia đình ông Minh trồng 6 sào đậu phụng và mè đen, sản phẩm được công ty thu mua với giá cao nhiều so với giá thị trường.

“Mè đen có khi thị trường mua khoảng 40.000 đồng/kg, nhưng có thời điểm công ty thu mua đến 70.000 đồng/kg; đậu phụng thị trường mua khoảng 30.000 đồng/kg, công ty thu mua đến 45.000 đồng/kg và giá cả luôn điều chỉnh theo biến động thị trường. Cũng vì thế mà nông dân gắn bó với công ty, có thể chấp nhận theo mô hình.

Ngoài cái lợi về giá cả ra, quan trọng là chúng tôi nhận thấy tham gia sản xuất sạch thì sức khỏe được đảm bảo. Việc trang trại được cấp chứng nhận là trang trại hữu cơ quốc tế Mỹ, EU, Nhật Bản là hoàn toàn xứng đáng so với nỗ lực của công ty và nông dân” - ông Minh nói.

Ông Phan Phan Văn Lành, cán bộ trực tiếp điều hành quản lý vùng canh tác chia sẻ: “Tôi được công ty tín nhiệm, sát cánh cùng với nông dân trên cánh đồng. Tất cả quy trình canh tác đều có hệ thống camera giám sát. Mỗi năm, nông dân chỉ sản xuất vụ đậu phụng đông xuân, vụ mè đen hè thu và để đất nghỉ. Hộ nào có nhu cầu thì có thể trồng thêm vụ thứ ba là cây đậu đen để kiếm thêm thu nhập” - ông Lành nói.

Bà Bùi Thị Hồng Thu - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Noom cho hay, từ năm 2016, công ty phối hợp với địa phương và nông dân triển khai mô hình nhưng mãi tới năm nay nỗ lực của công ty và người dân được đền đáp khi được chứng nhận trang trại hữu cơ.

“Chúng tôi khó có thể cân đo đong đếm nỗ lực đó. Để được chứng nhận quốc tế, quy trình, hồ sơ, kỹ thuật rất kỹ lưỡng, trải qua các cuộc phỏng vấn gắt gao từ phía nông dân. Đây là tín hiệu vui khi từ đây bà con được hưởng lợi nhiều hơn. Tham gia mô hình, bà con nắm được kỹ thuật chuẩn, được hưởng lợi đầu vào lẫn đầu ra. Bà con không phải mua phân thuốc hay bỏ ra chi phí khác, kể cả giống” - bà Thu nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trang trại hữu cơ Xuân Nam đạt chứng nhận quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO