Môi trường

"Trồng cây gây rừng" cho Cù Lao Chàm

QUỐC TUẤN 03/10/2024 09:28

Hàng nghìn cây con bản địa vừa được trồng tại Cù Lao Chàm góp phần phục hồi hệ sinh thái rừng nơi xứ đảo và mang lại đa lợi ích trong tương lai.

rừng clc 1
Các loại cây bản địa được ươm trồng ở Cù Lao Chàm ngoài giá trị về mặt đa dạng sinh học còn có chức năng tạo cảnh quan và gắn với văn hóa truyền thống lâu đời của người dân xứ đảo và là biểu tượng đặc trưng có giá trị truyền thông. Ảnh: Q.T

Theo kết quả nghiên cứu gần đây, cấu trúc rừng Cù Lao Chàm có những diễn biến thoái bộ, thực vật ngoại tầng, dây leo đang có xu hướng phát triển mạnh, bành trướng, bao phủ tầng cây gỗ tại các khu vực bị tác động trước đây.

Bên cạnh đó, cây tái sinh dưới tán rừng ít và hạn chế phát triển, cộng thêm các yếu tố điều kiện lập địa kém thuận lợi dẫn đến rừng dễ bị suy thoái và khó phục hồi.

Đây là những vấn đề cần tiếp tục điều tra, nghiên cứu và có định hướng phục hồi rừng, có các giải pháp lâm sinh để khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, làm giàu rừng tự nhiên trên đảo.

Trong khuôn khổ của Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (gọi tắt là dự án BR), các bên liên quan vừa trồng khoảng 3.000 cây ngô đồng, mù u, thanh thất (bút) tại khu vực thôn Bãi Hương (xã Tân Hiệp, TP.Hội An).

Đây là 3 trong số các loài cây đặc trưng của hệ sinh thái rừng Cù Lao Chàm. Cây ngô đồng ở Cù Lao Chàm mọc thành thành từng dải cây gỗ và mọc rải rác khắp đảo từ độ cao 50m đến gần 500m, tập trung trên sườn núi phía tây, từ dốc xóm Mới đến bãi Cụt với chiều dài khoảng 1km.

Cây thanh thất là cây bản địa, gỗ lớn, thường xanh, cao tới 30m, đường kính đạt tới 1,2m, thân tròn thẳng, phân cành cao. Cây thanh thất là cây lâm nghiệp đa tác dụng, được sử dụng trong đóng đồ, gỗ ván ép, bao bì, dược liệu, trồng cây cảnh quan.

Cây mù u là một loài cây thân gỗ lớn, cây cao chừng 10-15m, dáng đẹp. Thân cây mù u có tính dẻo dai, chịu được các yếu tố thời tiết xấu và chịu được hơi mặn của nước biển, nên rất thích hợp trồng các tuyến đường ven đảo, các khu vực chịu xói mòn cao và dọc các bãi biển. Do đó nó vừa hỗ trợ khả năng phục hồi rừng, vừa tạo cảnh quan đẹp trên đảo.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, Trưởng ban Quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, các loại cây được chọn để trồng phục hồi trong dịp này là các loại cây gỗ bản địa, có tính thích ứng và chịu được các yếu tố ngoại cảnh xấu tác động.

Ngoài giá trị về mặt đa dạng sinh học, các loài này còn có chức năng tạo cảnh quan và gắn với văn hóa truyền thống lâu đời của người dân xứ đảo và là biểu tượng đặc trưng có giá trị truyền thông.

Bên cạnh hỗ trợ trồng cây trực tiếp, năm 2023, Dự án BR cũng tài trợ cho Ban Quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thiết lập vườn ươm cây bản địa trên đảo để gieo ươm, tạo giống cây gỗ bản địa tại Cù Lao Chàm nhằm phục vụ công tác trồng phục hồi rừng lâu dài.

Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thông tin, vườn sẽ ươm nhiều loài cây gỗ bản địa, các loài cây dược liệu, đặc biệt là các loài cây có tính tiên phong hỗ trợ phục hồi rừng nhanh. Cạnh đó, trong giai đoạn này, các loài cây hỗ trợ tạo cảnh quan cũng sẽ được ưu tiên phát triển tại vườn ươm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Trồng cây gây rừng" cho Cù Lao Chàm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO