Trùng tu Chùa Cầu: Không đưa di tích trở về niên đại cụ thể

QUỐC TUẤN 27/10/2023 05:56

Việc tu bổ di tích Chùa Cầu lần này sẽ “không đưa di tích trở về niên đại cụ thể mà tôn trọng tu bổ, phục hồi theo nguyên trạng trên cơ sở khoa học, đồng thời mang được hơi thở cuộc sống đương đại” là quan điểm nhận được ủng hộ rộng rãi tại tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về tu bổ di tích Chùa Cầu vừa diễn ra tại TP.Hội An.

Chùa Cầu trước thời điểm trùng tu. Ảnh: Q.T
Chùa Cầu trước thời điểm trùng tu. Ảnh: Q.T

Thận trọng

Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu khởi công từ ngày 28/12/2022, tiến độ thực hiện dự kiến 360 ngày. Thông tin tại tọa đàm, đến ngày 15/10/2023 công tác triển khai thi công đã hoàn thành quét 3D toàn bộ di tích; xây dựng nhà bao che phục vụ tu bổ; hạ giải hệ mái ngói âm dương; hạ giải hệ khung gỗ; gia cố hệ móng, mố, trụ.

Trong quá trình thi công, công tác gia cố móng, mố, trụ gặp nhiều khó khăn. Sau khi thống nhất các giải pháp, công tác gia cố được tiến hành từng bước một và thận trọng, tổ chức gia cố từng vị trí và đến nay cơ bản hoàn thành, đáp ứng yêu cầu ổn định về kết cấu mà vẫn bám sát hiện trạng, đảm bảo theo quan điểm và giải pháp trùng tu.

Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng, nguồn kinh phí từ 50% ngân sách tỉnh và 50% ngân sách TP.Hội An. Dự án dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2023. Theo tư liệu, Chùa Cầu đã trải qua ít nhất 7 lần tu bổ lớn vào các năm 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996.

Kết quả nghiên cứu, khảo sát làm tư liệu khoa học cho dự án tu bổ di tích Chùa Cầu cho thấy, phần chùa có dấu hiệu lún nhẹ (độ lệch lún dao động 1 - 5cm) tại khu vực phía sau về các góc.

Phần lớn các cột nghiêng nhẹ và đa hướng. Hệ khung gỗ phần chùa có xu hướng lún, lệch nhẹ về phía sau dẫn đến độ nghiêng hơi nhiều; có xu hướng nghiêng về phía sông.

Ông Phan Văn Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho hay, qua kết quả khảo sát thực tế tại hiện trường, cơ quan chức năng rất cần tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia tu bổ di tích của Việt Nam và Nhật Bản 3 vấn đề gồm tu bổ, phục hồi cấu kiện gỗ; tu bổ, phục hồi mái ngói và các bộ phận trang trí mái; tu bổ, phục hồi màu sắc hoàn thiện công trình.

Theo ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, Chùa Cầu “gánh” nhiều sứ mệnh lớn lao, bởi không chỉ là di sản văn hóa mà còn là biểu tượng trong lòng người dân Hội An, biểu tượng quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, nên đơn vị chịu trách nhiệm trùng tu rất áp lực và triển khai hết sức thận trọng là điều dễ hiểu. Việc triển khai dự án tu bổ di tích Chùa Cầu là điều đáng mừng bởi đây là vấn đề trăn trở hàng chục năm nhưng các thế hệ trước chưa xử lý được.

Cần xây dựng hồ sơ dự án

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự tọa đàm cùng chung quan điểm về việc không phủ nhận thành tựu quan trọng của đợt trùng tu lớn năm 1986 nhưng đợt trùng tu lần này không nhằm đưa nó về hoàn toàn như hiện trạng của năm 1986. PGS-TS.

Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhận định, có thể trong bối cảnh khó khăn ở năm 1986 mà việc trùng tu lúc đó đã dùng gỗ kiền kiền, với nguồn lực ở hiện tại nên thay thế bằng gỗ lim làm vật liệu chính và thực tế căn bản kiến trúc di tích gỗ ở Việt Nam hầu hết sử dụng gỗ lim.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sự cho rằng cần sử dụng gỗ lim một cách tối đa có thể trong đợt trùng tu lần này để công trình có thể nương tựa vào tự nhiên như quy luật sống của cư dân địa phương lâu nay.

“Về màu sắc, rõ ràng không ai biết được màu sắc nguyên thủy của Chùa Cầu là gì, nhưng lâu nay công chúng, cư dân địa phương đã quen với màu đỏ hiện trạng thì cần chấp nhận và tôn trọng” - ông Sự nói.

Được biết, màu đỏ hiện trạng của Chùa Cầu đã tồn tại từ trước năm 1985 - thời điểm di tích này được công nhận là di tích cấp quốc gia. Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, quan điểm chung khi triển khai tu bổ dự án là không đưa di tích trở về một niên đại cụ thể, bởi nếu đưa màu vôi về một thời kỳ nào đó thì các thành phần kiến trúc khác sẽ không đảm bảo cơ sở dữ liệu, không đảm bảo cơ sở khoa học.

Theo GS-TS-KTS. Hoàng Đạo Kính - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có thể xem là một hình mẫu trong tu bổ kiến trúc gỗ, thậm chí là hình mẫu trong tu bổ di tích phạm vi quốc tế. Sự đặc biệt của dự án là di tích này được tu bổ ở dạng “giải phẫu mở”, rất độc đáo và có thể xem là hình mẫu để tham khảo, học hỏi trong lĩnh vực tu bổ di tích.

“Điều quan trọng cần lưu ý song song với việc triển khai tu bổ là phải xây dựng hồ sơ khoa học cho dự án. Bởi chúng ta sẽ để lại cho hậu thế một di tích đã được tu bổ và cả thông tin, hồ sơ về quá trình tu bổ, can thiệp vào nó” - ông Hoàng Đạo Kính nói.

GS. Shinozaki Masahiko - chuyên gia cao cấp Đại học Toyo Nhật Bản cũng cho rằng, hồ sơ khoa học của dự án rất quan trọng. Nó sẽ rất hữu ích trong tương lai khi thế hệ sau thực hiện các đợt trùng tu mới cũng như họ nhìn vào đó và có các nghiên cứu phát hiện mới mà ở hiện tại chúng ta chưa thể nhìn ra được.

Phát hiện nhiều “dấu vết” trong quá trình trùng tu Chùa Cầu

Trong quá trình khảo sát, đào thám sát, khảo cổ dự án tu bổ di tích Chùa Cầu đã ghi nhận nhiều phát hiện có giá trị. Trong đó phát hiện nhiều vỏ hến tại vị trí hố đào phần sau Chùa và Miếu Ngũ Hành; phát hiện nhiều đá tại các vị trí giữa móng Cầu và đường kiệt (trước đây từng có nhiều nhà dân sinh sống); phát hiện một khối lớn vữa vôi, đất sét, gạch xây tại đầu cầu Trần Phú.

Bên cạnh đó, tại phần móng di tích còn phát hiện 3 viên đá, trên 3 viên đá có khắc 3 chữ. Dự đoán ban đầu đây là 3 viên đá được chọn lựa để đặt đầu tiên trong lễ trí thạch (làm phép) của người Hoa khi xây dựng Chùa.

Tại vị trí hệ mái ngói âm dương đầu cầu Nguyễn Thị Minh Khai phát hiện một hình vẽ mặt trên viên gạch, có thể là 2 chữ “Lôi lệnh” viết nối nhau - một dạng làm phép để chống sét của người xưa.

Ngoài ra, trong quá trình tháo dỡ, khảo sát còn phát hiện nhiều ghi chú, chữ khắc lên gỗ, đinh tán xòe, một số dấu vết nguyên trạng là cơ sở khẳng định cho việc xây dựng trước sau các bức tường, có dấu vết chứng tỏ lối giữa cầu bằng phẳng, không cong vồng như hiện nay.(Q.TUẤN)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trùng tu Chùa Cầu: Không đưa di tích trở về niên đại cụ thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO