(PR) - Coi trọng công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin, huyện Đông Giang mong muốn sẽ giúp người dân tiếp cận các kiến thức khoa học, kỹ thuật và áp dụng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế để thoát nghèo nhanh.
Nhận diện hạn chế
Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025, riêng năm 2023 đã được UBND huyện Đông Giang ban hành. Chủ tịch UBND huyện - ông A Vô Tô Phương cho biết, cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, chương trình về giảm nghèo bền vững là cơ hội để đầu tư toàn diện cho nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo đòn bẩy để bà con thoát nghèo, chống tái nghèo. Trong chương trình này, địa phương rất quan tâm đến Dự án 6 về truyền thông và giảm nghèo bền vững.
Đông Giang là huyện nghèo, xuất phát điểm thấp; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 96% dân số, trình độ sản xuất của nhân dân còn dựa trên nền tảng đơn giản, lạc hậu, chủ yếu phụ thuộc thiên nhiên; một số phong tục, tập quán lạc hậu còn duy trì gây ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng. Thị trường tiêu thụ nông sản, hàng hóa thì thiếu tính ổn định; giá cả lên xuống thất thường cộng với việc người dân thiếu thông tin dẫn đến hiệu quả kinh tế của nhiều mô hình sản xuất kinh doanh thấp.
Cũng theo ông Phương, nhận thức của một bộ phận cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác giảm nghèo bền vững còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở thiếu tính ổn định; một bộ phận chưa theo kịp tốc độ phát triển của xã hội, do đó chưa đề xuất được các giải pháp giảm nghèo sát với thực tiễn địa phương. Một bộ phận người nghèo có tâm lý lười lao động, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, thiếu ý thức tự vươn lên thoát nghèo.
Cho nên, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận thông tin đa dạng từ việc sử dụng các dịch vụ của viễn thông là rất bổ ích và thiết thực. Đảm bảo các xã, thị trấn có hệ thống đài truyền thanh hoạt động, phục vụ tốt tuyên truyền và quản lý, điều hành tại địa phương.
Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Giang Đinh Ngọc Thanh cho biết, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Đưa thông tin về các gương điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo, gương sáng trong phong trào thi đua giảm nghèo thật rộng rãi để thúc đẩy, nhân rộng và tạo sức lan tỏa trong xã hội.
Đẩy mạnh truyền thông
Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có giảm nghèo bền vững đã, đang được các cấp, các ngành và Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị liên quan tại Đông Giang tăng cường thực hiện.
Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện Đông Giang Bríu Thị Thanh Nữ cho biết, tuyên truyền về giảm nghèo đã được đơn vị thực hiện từ những năm qua. Để hiện thực hóa Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trung tâm đã xây dựng, tổ chức thực hiện tuyên truyền về mục đích, mục tiêu, ý nghĩa của chương trình; phân tích lý do vì sao nghèo “bền vững”. Đồng thời, thông tin về pháp luật có liên quan của chương trình giảm nghèo đa chiều.
Bà Bríu Thị Thanh Nữ thông tin thêm, Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện Đông Giang còn xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, sự kiện, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự truyền thông về giảm nghèo bền vững. Chỉ đạo các phóng viên tăng cường đưa tin, thực hiện bài viết, phóng sự truyền hình về đào tạo nghề; gương điển hình, khu dân cư tiên tiến; sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo; gương sáng trong phong trào thi đua giảm nghèo cần thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa trong xã hội.
Cạnh đó, phóng viên của trung tâm, cộng tác viên đài truyền thanh cấp xã còn bám sát đưa tin các hoạt động đối thoại chính sách về giảm nghèo ở các địa phương.
Chủ tịch UBND xã Tà Lu - ông Blinh Trao cho biết, xã tổ chức tuyên truyền về chương trình qua tổ chức họp cộng đồng dân cư thôn và hệ thống phát thanh. Cán bộ chuyên trách điều khiển xe máy đi tuyên truyền bằng loa di động, phát tờ rơi, thiết lập cụm pa-nô, áp phích. Tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách về giảm nghèo.
Đặc biệt, Tà Lu thông qua già làng, người có uy tín để nói chuyện, “đả thông” người dân hiểu về sự cần thiết phải vươn lên thoát nghèo... Đơn cử ở thôn A Réh ĐhRồng, già làng Pơ Loong Pấc với uy tín của mình đã tích cực tuyên tuyền, giải thích cho bà con hưởng ứng các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật Nhà nước, nhất là hiến đất đai để xây dựng công trình, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh.
Phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Giang tích cực phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp, ngành và toàn xã hội về công tác giảm nghèo. Chủ động phối hợp các cơ quan báo chí kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay, gương sáng giảm nghèo bền vững.
Địa phương phổ biến các chương trình thông tin và truyền thông định hướng cho người dân tham gia, thụ hưởng chương trình. Tham mưu biểu dương, khen thưởng các địa phương, cộng đồng, hộ nghèo và tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực giảm nghèo.