Ứng dụng thiết bị giám sát thi cử, sát hạch lái xe vừa đảm bảo kiểm soát, định danh chính xác người dự thi, tránh người dự thi gian lận khi sát hạch lái xe cũng như rút ngắn thời gian tổ chức thi.
Nhiều tiện ích
Sau thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 19/10 Sở GTVT phối hợp với Công an Quảng Nam và các đơn vị liên quan triển khai ứng dụng thiết bị giám sát thi cử, sát hạch lái xe thuộc Đề án 06 của Chính phủ.
Mô hình số 17 triển khai thí điểm tại Trung tâm Sát hạch lái xe thuộc Công ty TNHH Phúc Hoàng Ngân (đóng tại xã Tam Đàn, Phú Ninh). Kỳ thi sát hạch lái xe này có tổng cộng 374 thí sinh, gồm 126 thí sinh dự thi sát hạch hạng B1, cùng 192 thí sinh dự thi hạng B2 và 56 thí sinh dự thi hạng C.
Anh Nguyễn Văn Phong, thí sinh dự thi sát hạch lái xe hạng B2 cho hay, chỉ mất chừng 5 giây để sát hạch viên kiểm tra thông tin từ thiết bị giám sát.
“Thí sinh xuất trình căn cước công dân để máy quét dữ liệu kiểm tra, hệ thống nhận diện khuôn mặt rất nhanh. Việc này giảm thời gian chờ đợi cho người dự thi sát hạch, tâm lý cũng thoải mái hơn trước khi tham gia các phần thi” - anh Phong chia sẻ.
Ông Vũ Văn Tuân - Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp lái xe Phú Ninh cho hay, trước đây quy trình kiểm tra bằng phương pháp thủ công qua 4 phần thi gồm lý thuyết, mô phỏng, sa hình và lái xe trên đường.
Sát hạch viên phải trực tiếp kiểm tra hồ sơ, đối chiếu nhận dạng từ căn cước công dân trên hồ sơ và học viên ngoài thực tế bằng mắt thường.
Việc kiểm tra học viên qua thiết bị điện tử giúp cho việc kiểm tra, chống gian lận thi cử nhanh, đồng bộ và hiện đại hơn. Việc này cũng giúp học viên tin tưởng vào sự khách quan, chính xác trong quá trình sát hạch” - ông Tuân nói.
Ghi nhận tại kỳ thi sát hạch lái xe vào sáng 19/10 tại Trung tâm Sát hạch lái xe thuộc Công ty TNHH Phúc Hoàng Ngân, quá trình triển khai thí điểm mô hình gặp nhiều thuận lợi.
Trước khi thí sinh vào phòng dự thi, sát hạch viên thực hiện thao tác đối chiếu, xác thực giữa CCCD gắn chip và thiết bị nhận diện sinh trắc học bằng khuôn mặt, nhận diện định danh người dự sát hạch. Các thao tác nhanh gọn, chính xác. Sát hạch viên cũng đã thử kiểm tra bằng cách cho thiết bị nhận diện một người khác so với CCCD gắn chip được quét, lập tức máy tính báo lỗi.
Sẽ nhân rộng
Theo thống kê từ Sở GTVT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 7 cơ sở đào tạo lái xe, 6 trung tâm sát hạch lái xe đã đi vào hoạt động với lưu lượng đào tạo tại một thời điểm là 6.264 học viên.
Năm 2024, Sở GTVT đã tổ chức 91 kỳ sát hạch, với hơn 65 nghìn thí sinh dự thi. Trong đó, tỷ lệ đạt kết quả sát hạch hơn 65% với khoảng 42.900 giấy phép lái xe được cấp.
Sở GTVT đã ban hành quy chế sát hạch lái xe và thực hiện nghiêm quy trình sát hạch lái xe theo quy định. Trong đó, có quy trình về giám sát, kiểm tra, nhận dạng thí sinh dự sát hạch lái xe được kết hợp bằng hình ảnh camera đặt trong phòng thi lý thuyết, phòng mô phỏng các tình huống giao thông, trên xe và đường giao thông.
Đồng thời sát hạch viên thực hiện nhận dạng thí sinh bằng mắt thường để đối sánh hình ảnh thực tế của thí sinh với các thông tin trên CCCD và các giấy tờ tùy thân khác.
Đến nay, cơ bản đáp ứng quy định, chưa phát hiện các trường hợp gian dối, thi hộ. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, nhận dạng, đối sánh còn được thực hiện thủ công bằng mắt thường nên mất nhiều thời gian.
Việc triển khai thí điểm mô hình “Thiết bị giám sát thi cử, sát hạch lái xe” nhằm tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp, tổ chức triển khai các mô hình điểm về chuyển đổi số để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06.
Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Quang Hiếu cho hay, hiệu quả thiết thực mà mô hình số 17 mang lại là đảm bảo kiểm soát, định danh chính xác người dự thi, tránh người dự thi gian lận khi sát hạch lái xe.
Đồng thời cải thiện hiệu suất, giảm chi phí, tối ưu quy trình, giảm thời gian và nguồn lực thực hiện đối với công tác quản lý sát hạch lái xe. Từ góc độ các thí sinh, việc ứng dụng thiết bị giám sát giúp thực hiện nhanh chóng dễ dàng, tiết kiệm thời gian, bảo mật thông tin cá nhân của thí sinh.
“Việc triển khai thí điểm sẽ là cơ sở để tổng kết đánh giá, từ đó nhân rộng mô hình thời gian đến đảm bảo thành công, hiệu quả, đúng quy định. Sở GTVT đã chỉ đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái có trách nhiệm theo dõi, ghi nhận, tổng hợp các nội dung liên quan trong khi thực hiện thí điểm.
Đặc biệt là chú trọng đến các khó khăn vướng mắc làm cơ sở báo cáo tổng kết công tác thí điểm, đề xuất cấp có thẩm quyền khi nhân rộng mô hình” - ông Hiếu cho biết.