Theo bước chân người Quảng

Về phố Hội xem dựng cây nêu...

PHẠM PHƯỚC TỊNH 04/02/2024 09:00

Dựng cây nêu ngày tết - hoạt động mang đậm bản sắc Việt, với ý niệm trừ tà, trấn ác, ước mong bình an, mưa thuận gió hòa... đang được tiếp nối vào những ngày giáp tết, tại Hội An.

tnb-62955-03.jpg
Cây nêu được dựng tại đình, chùa và các địa điểm tại Hội An. Ảnh: P.T

Cảo thơm lần giở...

Trong cuốn “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, tục dựng cây nêu được mô tả khá chi tiết.

“Ngày trừ tịch (30 tết), mọi nhà đều trồng nêu tre ở trước của lớn, trên buộc cái sọt bằng tre, trong để trầu cau và vôi, bên cạnh treo giấy vàng bạc, gọi là trồng nêu (...)

Ngày mùng 7 hạ xuống, gọi là hạ nêu. Phàm công nợ vay mượn còn thiếu lại, nội trong ngày tết không được đòi hỏi, phải đợi hạ nêu rồi mới được đòi hỏi”.

Năm Tự Đức thứ 29 (1876), theo Hội điển ghi lại: có bản tấu gởi lên giờ Thân ngày 30 tháng này dựng nêu, mùng 7 giờ Thìn hạ nêu.

Ngày này vâng theo sắc: Cứ theo lời tâu của Khâm Thiên Giám ngày mai giờ Thân thì nêu lên. Việc này là việc thông thường hà tất phải chọn giờ. Từ nay về sau, dựng và hạ nêu quy định chuẩn cho lấy giờ Thìn thực hiện, mãi mãi lấy giờ đó làm lệ (theo “Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ”).

Có thể nói, đến thời vua Tự Đức, tục dựng cây nêu ngày tết được xem là khuôn mẫu để thực hiện tại triều đình, sau khi triều đình tổ chức dựng cây nêu thì các địa phương bắt đầu dựng cây nêu.

Tục dựng cây nêu ngày Tết còn được ghi chép, mô tả bởi các học giả, tác giả, nhà truyền giáo… phương Tây khi đến Việt Nam.

Jean Koffler trong nhật ký “Miêu tả lịch sử xứ Đàng Trong” (do tác giả Bửu Ý dịch) có ghi chép lại: “Trước phủ Chúa và các nhà dân đều dựng các cây nêu lớn, trên ngọn buộc một chùm lá cây, một lẳng nhỏ đựng mấy đồng tiền.

Dựng nêu phải chọn ngày tốt. Người ta dựng những cây sào cao vút trước cổng ra vào của Hoàng cung và tất cả mọi nhà. Từ trên ngọn sào đó có những cành xanh tươi buộc thành bó hoặc là những đoạn của thứ tre gai.

Người ta chỉ để lại ở đằng đầu một vài chùm lá kiểu như các cây tháng Năm, người dân còn thêm vào đấy những tờ giấy vàng, giấy bạc, một ít rơm và một ít tiền lẻ để mua lại của trời đất hạnh phúc mà họ cầu mong...”.

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng lại lý giải, cây nêu ngày tết của người Việt cùng với một số tộc người của nhóm cư dân Đông Nam Á như người Khơ-me, Tày, Thái cổ... mang ý nghĩa phổ quát của “cây vũ trụ”, còn gọi là “cây Mặt Trời”. Tục dựng cây nêu, vì thế vừa mang màu sắc tâm linh, vừa là hình ảnh sinh động của mùa xuân.

Đồng loạt dựng nêu

Ngày nay, một số địa phương trong cả nước vẫn duy trì tục dựng cây nêu ngày tết. Với người Hội An, từ khoảng 25 tháng Chạp, các đình chùa, nhà thờ, miếu mạo và cả những nhà hàng phục vụ cho người nước ngoài trong phố cổ Hội An gần như đều tiến hành dựng nêu đón tết.

tnb-62955-02.jpg

Người dân quan niệm rằng, cây nêu được xem là biểu tượng thiêng liêng tránh những xui xẻo, đem lại may mắn cho mọi người trong năm mới.

Từ năm 2012, TP.Hội An phát động lễ phục dựng cây nêu, nhằm góp phần phục hồi và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống trong tục dựng cây nêu của dân tộc nói chung, ở địa phương Hội An nói riêng nhân dịp Tết Nguyên đán. Từ đó đến nay, hình ảnh này đã trở thành điểm nhấn đặc sắc trong những ngày tết của người Hội An.

Theo kinh nghiệm dân gian, những cây tre già, cao, to, thẳng, có ngọn và còn lá tươi thường được chọn dựng nêu. Sau khi cây tre được cắt tỉa cẩn thận thì người dân bắt tay trang trí cho cây nêu.

Cờ thường sử dụng cờ hội vuông cỡ lớn (loại cờ ngũ hành, giữa lòng màu đỏ hoặc vàng, diềm ngoài không phải màu đen hoặc màu tím sậm).

Lồng đèn trang trí xung quanh cây nêu thường sử dụng màu truyền thống liên quan đến tín ngưỡng địa phương, thường là màu vàng, đỏ.

Lá phướn ngày xưa làm bằng giấy, bên trên viết tên các vị thần chủ quản trong năm được thiên đình phái xuống như Hành Khiến, Hành Binh, Thái Tuế..., thì nay, lá phướn có thể được thay thế bằng vải màu đỏ, bên trên viết các câu chữ mang ý nghĩa tốt đẹp nhằm chúc mừng năm mới như “Tân niên kính chúc quốc thái dân an phong điều vũ thuận” hoặc “Chúc mừng năm mới an khang thịnh vượng”...

Để tạo âm thanh, lệ xưa treo chuông đất, khánh sành, ngày nay được thay thế bằng chuông gió treo phía dưới chùm lá tre bằng một vòng tre tròn.

Với người Hội An, theo tục lệ địa phương, quanh cây nêu thường trang trí những vật mang ý nghĩa tín ngưỡng như một nhành lá đa, lá dứa hay nhánh xương rồng, hoặc một giỏ nhỏ được đan bằng tre, bên trong bỏ các loại vàng mã, gạo muối, trầu cau và một tấm vỉ hình ô vuông được đan bằng nan tre gồm 4 nan dọc và 5 nan ngang biểu tượng cho “tứ tung ngũ hoành”.

Người ta còn tạo cảnh quan đẹp xung quanh khu vực dựng cây nêu, có thể kết hợp trang trí lồng đèn hoặc các hình thức trang trí khác phù hợp như cây cảnh, panô, các đồ án mô hình về ngày tết như bánh chưng, bánh tét, con giáp của năm, các đồ án cát tường như Phúc, Lộc, Thọ... hay các hình ảnh mang ý nghĩa ca ngợi quê hương đất nước. Có thể trang trí cờ ngũ hành (cờ xéo lớn) nhưng lưu ý màu ở giữa lòng và diềm ngoài không là màu đen, tím sậm hoặc màu trắng.

Sau khi cây nêu được trang trí xong, trước khi dựng cây nêu, lễ cúng thổ thần được tổ chức bởi những bậc cao niên. Dựng cây nêu xong, người dân rắc bột vôi màu trắng dưới đất quanh gốc tạo thành vòng tròn hoặc rắc hình cánh cung với mũi tên hướng ra phía cổng.

Đến ngày mùng 7 tháng Giêng, người dân tổ chức lễ cúng hạ nêu. Lễ vật cúng dựng cây nêu và hạ nêu gồm con gà trống tơ, hương đèn, hoa quả, kim ngân…

Hội An hiện tại, dựng cây nêu không chỉ là tục lệ sinh hoạt truyền thống mà còn trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc biệt. Tại nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú, du khách còn được tham gia trang trí, dựng nêu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về phố Hội xem dựng cây nêu...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO