Trong mớ hành lý cố nhét sao cho gọn va li để con gái đem đi sau chuyến trở về thăm nhà, tôi gói thật kỹ mớ mì cao lầu khô, mấy chai nước mắm cá cơm, mấy xấp bánh tráng rồi cả ớt bột, tiêu hột, tương ớt Hội An…
Dù đã rất cố gắng để gói ghém mọi thứ cho con đem theo, nhưng làm sao có thể đủ đầy được những món ăn mà con vẫn hay được mẹ nấu cho ăn ở nhà.
Con gái tôi nói với vẻ mặt tiếc nuối: “Giá mà con có thể đem hết những thứ ở quê mình qua Canada để dành cho tết. Con sẽ mời bạn bè về nhà nấu một mâm cơm thật ngon với các món ăn ngày tết”.
Nếp nhà nơi xứ người
Ở nơi xa cách quê nhà nửa vòng trái đất, cũng như bao người xa quê khác, bữa cơm trong gia đình nhỏ của con gái tôi vẫn giữ nếp nhà với những món ăn quen thuộc với khẩu vị người Việt.
Những món ăn mà không dễ tìm kiếm thức nấu bởi ở xứ tuyết ấy, thực phẩm chủ yếu là hàng đông lạnh và phải mua với số lượng nhiều.
Bởi vậy, tranh thủ những ngày cuối tuần, con gái tôi và các bạn của mình hay lội các khu chợ của người châu Á, tìm mua các thứ rau củ, thịt, cá để dành nấu ăn cho cả tuần, cả tháng.
Các khu chợ châu Á cũng thường là nơi mà các đồng hương người Việt gặp nhau bởi có cùng một điểm chung là đi tìm mua các thức nấu mang hương vị quê nhà.
Mỗi lần đi thăm con, dù tôi đã cố gắng để có thể đem theo nhiều nhất các thứ có ở quê nhà với lỉnh kỉnh hành lý chất đầy mắm, cá khô, mì khô, bánh tráng…, nhưng cũng chỉ có thể để dành được vài tháng là hết.
Rồi muốn ăn món Việt cũng phải lội tìm mua nguyên liệu ở các chợ châu Á. Có lần mua được hộp lòng heo còn sót lại trong ngăn đá của kệ hàng ở chợ Tàu để làm món lòng xào nghệ, mà hai mẹ con vui suốt trên đường về nhà.
Món ăn dọn ra trong sự háo hức của con gái tôi, bởi mùi thơm tỏa ra từ chảo lòng xào nghệ ngay từ trong bếp, đã làm tăng thêm cảm giác chờ đợi. Nhưng khi ăn mới thấy món không ngon như đã được ăn ở nhà.
Miếng lòng heo tuy thấm gia vị rất vừa miệng và thơm nhưng dai chứ không mềm vì đã qua cấp đông. Biết con thất vọng, tôi đành an ủi: Bao giờ về nhà mình, mẹ làm lòng xào nghệ cho con ăn. Lòng heo bên mình do lò mổ heo mỗi ngày nên ăn ngay thì ngon hơn. Bên này thì ăn cho đỡ thèm, đỡ nhớ thôi con.
Trên các page hội, nhóm online của các đồng hương người Việt ở thủ đô Ottawa, thành phố Toronto (bang Ontario), khi lướt qua mỗi ngày rất dễ bắt gặp các mẩu tin thông báo về các hội chợ hay điểm bán thức ăn, đồ uống, các loại bánh trái do người Việt sản xuất và chế biến đem bán.
Có nhiều người rao bán phở, bún bò Huế, mỳ Quảng, hủ tiếu Mỹ Tho rồi bánh bột lọc Huế, mắm tôm, mắm ruốc, chè trôi nước, chè bưởi, bánh da lợn, bánh tiêu… và người mua cũng rất hồ hởi đón chờ được mua các món ăn ấy với niềm thích thú.
Gởi thương, gởi nhớ trong từng hương vị
Con gái tôi có một cô bạn là người Huế sang Canada học tập và chọn nơi này để lập nghiệp. Cô bạn này có món sở trường là nấu cơm hến. Và đây là món mà cô luôn thết đãi bạn bè mỗi lần gặp nhau.
Các nguyên liệu để nấu cơm hến như hến tươi, da heo sấy khô, khế chua, rau thơm, thân chuối cây, bắp chuối… đâu phải là thứ dễ kiếm ở xứ người. Nhưng để nấu được món cơm hến đúng kiểu Huế, cô đã chịu khó lùng sục khắp các chợ lớn nhỏ, tích cóp từng thứ một để có đủ nguyên liệu cho món cơm hến.
Và con gái tôi nhiều lần được ăn cơm hến của bạn nấu đã phải thốt lên: Cơm hến của bạn con nấu ngon y như cơm hến ăn ở Huế đó mẹ. Không thiếu một thứ gì luôn.
Và tôi nghĩ, có lẽ khi đi tìm mua nguyên liệu để nấu cơm hến mời bạn bè, cô gái Huế ấy đã rất nhớ quê, nhớ mẹ và đã cất giữ trong món ăn mình nấu ấy một tình yêu lớn với quê nhà.
Với những người Việt xa quê, món ăn quê nhà luôn theo họ như bóng với hình như kiểu “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”.
Vậy nên trong các buổi lễ tiệc chào đón năm mới hay gặp mặt đồng hương, các món ăn truyền thống của các vùng miền từ Bắc đến Nam đều được hiện diện.
Từ bánh chưng, bánh tét đến nem rán, chả giò, tré, nem chua rồi dưa hành, củ kiệu… đều được các bà, các chị đem từ gian bếp nhà mình đến góp với bữa ăn chung. Từ những dịp gặp mặt này, vị ngon của các món ăn mang theo hương vị quê nhà như sợi dây gắn kết tình cảm của người Việt xa quê thêm bền chặt.