Xây dựng tuyến biên giới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng, được nêu tại hội nghị tuyên truyền về công tác quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào do Ban Tuyên giáo Trung ương vừa tổ chức tại Quảng Nam.
Phát huy kinh tế cửa khẩu
Khai trương từ tháng 8/2021, kim ngạch xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Quảng Nam) - Đắc Tà Oọc (Sê Kông, Lào) tăng trưởng mạnh.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 95,26 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 26,29 triệu USD, nhập khẩu đạt 68,97 triệu USD). Con số này tăng gần 30% so với năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 38,6 triệu USD. Thuế xuất nhập khẩu đạt 65,38 tỷ đồng. Tổng lượng hàng hóa thông quan qua cửa khẩu đạt 633.672 tấn (tăng 810% so với cùng kỳ); tổng phương tiện qua cửa khẩu đạt 40.290 phương tiện (tăng 545% so với cùng kỳ).
Theo ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), những năm qua, thương mại giữa Việt Nam - Lào thuận lợi do khuôn khổ pháp lý đã tương đối hoàn thiện và liên tục được cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp tình hình mới.
Cụ thể, trong khối ASEAN, Lào là một trong hai quốc gia được Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại song phương với các điều kiện ưu đãi về thuế quan đặc biệt.
Cạnh đó, nhiều hiệp định, thỏa thuận đã được đàm phán và ký kết giữa hai nước nhằm thúc đẩy cư dân tại khu vực biên giới tăng cường mua bán, trao đổi hàng hóa.
Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào hiện có 9 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở và đã thành lập 9 khu kinh tế cửa khẩu…
Thống kê năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Lào qua các cửa khẩu biên giới đường bộ đạt 1,56 tỷ USD. Trong tháng 9 năm đầu năm, thương mại biên giới Việt Nam - Lào đạt 1,5 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó xuất khẩu là 491 triệu USD, nhập khẩu hơn 1 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng khả quan trong bối cảnh kinh tế của Lào đang gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Lào phần lớn là nguyên liệu chưa qua chế biến, mang tính thời vụ, không ổn định.
Doanh nghiệp hai nước chưa hình thành vùng sản xuất tập trung, chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ.
Ông Toản cho biết, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ chế chính sách và triển khai các biện pháp tạo môi trường thông thoáng nhằm thu hút mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp hai bên đầu tư vào khu vực biên giới.
Đồng thời hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam xây dựng kênh phân phối và xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam tại Lào. Hỗ trợ các thương nhân tổ chức hệ thống phân phối vào sâu trong thị trường nội địa của hai nước.
Ổn định vùng biên
Đại tá Trần Nam Trung - Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng cho biết, biên giới đất liền Việt Nam - Lào dài hơn 2.337km với 1.002 mốc và cọc dấu.
Thời gian qua, chủ quyền lãnh thổ trên tuyến biên giới này cơ bản ổn định, đường biên và hệ thống mốc quốc giới được giữ vững. Các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương hai bên biên giới thường xuyên phối hợp quản lý, bảo vệ theo hai văn kiện pháp lý, gồm Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới; Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam Lào (có hiệu lực từ ngày 5/9/2017).
Toàn tuyến có 95 đồn biên phòng, 68 trạm kiểm soát biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng 10 tỉnh. Thời gian qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng và nhân dân triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Đồng thời phối hợp với các lực lượng bảo vệ biên giới của nước bạn Lào tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý quyết liệt, hiệu quả các vụ việc, không để xảy ra điểm nóng.
Tuy nhiên, đường biên giới Việt Nam - Lào đi qua các địa hình hiểm trở, tình hình tội phạm qua biên giới còn diễn biến phức tạp, nhất là mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép.
Cạnh đó, một số nội dung của Hiệp định năm 2017 còn chưa phù hợp gây khó khăn khi triển khai như quy định về đường thông tầm nhìn biên giới, nghiêm cấm gây nổ trong vành đai biên giới, giấy tờ xuất nhập cảnh cho cư dân biên giới…
Theo đồng chí Vũ Thanh Mai - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, để xây dựng tuyến biên giới Việt - Lào hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, các cấp, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khu vực biên giới về tầm quan trọng của bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, đặc biệt là duy trì mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào.
Trong đó chú trọng tuyên truyền bằng ngôn ngữ của các dân tộc sống ở khu vực biên giới, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ biên giới, cột mốc; phát huy vai trò của người có uy tín.
Trên phương diện song phương, 10 tỉnh biên giới cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh giáp biên nước bạn Lào để nâng cao năng lực công tác quản lý biên giới theo các văn kiện đã ký kết, chung tay bảo vệ thành quả cắm mốc.