Du lịch

Viếng mộ tiền nhân nơi xứ người

LÊ MINH HẠ 03/09/2024 09:19

(VHQN) - Nhật Bản không chỉ hấp dẫn tôi vì phong cảnh, mà còn vì những lưu dấu khó quên của hai vị tiền nhân đất Việt, đã sống và gửi thân trên xứ người.

hinh-2.jpg
Tấm bảng thông tin bằng 4 thứ tiếng Anh Hàn Nhật Việt được dựng trước khu mộ ghi rõ: Di tích lịch sử bia mộ Araki Soutaro.

Lần thứ nhất đến Nhật, tôi được dẫn đường tìm đến viếng mộ chí sĩ Trần Đông Phong của phong trào Đông du. Lần này, trở lại xứ Phù Tang, tôi mang theo nỗi hăm hở đến thăm ngôi mộ của công nữ Ngọc Hoa.

Khu mộ lưng chừng đồi ở Nagasaki

Công nữ Ngọc Hoa là người Việt Nam đầu tiên định cư tại Nhật Bản ở thế kỷ 17. Thật có duyên, khi lần thứ hai trở lại Nhật này, tôi được cùng ông giáo Huệ (một thầy giáo đã có gần 30 năm đến Nhật làm công việc giảng dạy), đi tìm viếng mộ công nữ Ngọc Hoa.

Đó là một vùng khá xa so với những địa điểm hay lui tới du lịch của người Việt khi đến Nhật Bản: vùng Kajiyamachi, thuộc thành phố Nagasaki.

Qua những chuyến xe điện vội vã cho kịp giờ, lần tìm theo sự chỉ dẫn của người địa phương, chúng tôi tìm về phía sau chùa Daionji, leo hơn 200 bậc đá khá dốc ở độ cao 150m so với mặt nước biển. Đó là một ngọn đồi nằm rìa thành phố.

Xuyên qua hàng trăm ngôi mộ cổ nhuốm màu thời gian, rẽ phải theo chỉ dẫn, nhìn thấy tấm bảng được ghi bằng 4 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt trước một khu mộ cổ khá rộng nằm giữa lưng chừng đồi, tôi rất xúc động.

Tấm bảng đề “Di tích lịch sử bia mộ Araki Sutaro”, được lập tháng 12/1975. Còn khu mộ này, thì đã có hơn 400 năm, kể từ khi vợ chồng công nữ Ngọc Hoa lần lượt an nghỉ tại nơi này.

Đây là khu mộ của gia đình Araki Surato - công nữ Ngọc Hoa và con cháu, với mộ phần của công nữ Ngọc Hoa và chồng, ông Araki Surato.

Trên tấm bia đá phía trên mộ có khắc rất rõ hai câu tiếng Nhật, nhắc nhớ công đức của người chồng và đức hạnh của người vợ. Dòng chữ ở giữa ghi rõ đây là mộ của hai vợ chồng Ngọc Hoa và Araki Sotaro.

Đôi vợ chồng mà đời sống hôn nhân của họ hơn 400 năm trước đã thành cột mốc đáng nhớ, khi công nữ Ngọc Hoa là người phụ nữ Việt đầu tiên lấy chồng, định cư tại Nhật Bản và ông Araki Sotaro được cho là thương gia người Nhật đầu tiên lấy vợ người nước ngoài.

Theo các tài liệu kể lại, đầu thế kỷ 17, khi Nhật Bản mở cửa cho phép thương buôn ra nước ngoài, thương gia người Nhật Araki Sotaro, vốn từng là một võ sĩ, dẫn đầu các thương gia Nhật đến Việt Nam buôn bán. Ông được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên tin cậy.

Tài liệu của Hội hữu nghị Nagasaki-Việt Nam ghi lại: “Năm 1619 tại nơi mà hiện nay gọi là Huế, ông (Araki) gặp gỡ với một người con gái đẹp thuộc dòng bên ngoại được vua An Nam nhận làm con nuôi và kết hôn với cô ta. Ông là người Nhật đầu tiên kết hôn với người nước ngoài...”. Ông Araki đưa vợ về Nhật Bản định cư ở Nagasaki, cùng gây dựng nên một trung tâm thương mại tại Motoshikhui - Machi ở Nagasaki.

Dấu ấn vị công nữ

Hai vợ chồng công nữ Ngọc Hoa chỉ có một người con gái. Bà sau này nhận một cô gái làm con nuôi. Người cháu ngoại này chính là người đã cất công xây dựng mộ phần cho họ tộc nhà mình. Hiện nay, con cháu của bà Ngọc Hoa đều là những người danh giá, thành đạt và sống tại thành phố Yanai, tỉnh Yamaguchi.

hinh-3.jpg
Bia mộ vợ chồng công nữ Ngọc Hoa, trong khuôn viên mộ của gia đình họ.

Trong thời gian làm dâu xứ Phù Tang, công nữ Ngọc Hoa không chỉ cùng chồng kinh doanh, bà còn góp phần quan trọng phát triển giao thương Việt - Nhật, cụ thể là vùng Nagasaki. Bà rất được người dân Nhật Bản yêu mến, kính trọng. Tên tiếng Nhật của bà là Wakaku Tome, nhưng người dân gọi bà bằng tên thân mật là Anio.

Viện Bảo tàng nghệ thuật Nagasaki vẫn trân trọng lưu giữ chiếc gương soi của công nữ Ngọc Hoa. Hình ảnh về bữa yến tiệc trong buổi kết hôn lộng lẫy của công nữ về sau được tái hiện qua các điệu múa tế thần trong lễ hội truyền thống có lịch sử hơn 400 năm mang tên Nagasaki Kunchi từ mùng 7 đến mùng 9 tháng 10 hàng năm ở Nagasaki.

Lễ hội này luôn có đám rước do thiếu nhi đóng vai vợ chồng công nữ Ngọc Hoa đứng trên mũi một chiếc thuyền buôn, với bé trai đóng vai Araki mặc trang phục truyền thống Yukata và bé gái đóng vai Ngọc Hoa, mặc áo dài Việt Nam.

Ở Hội An, đám cưới công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản Araki Sorato được tái hiện lần đầu tiên vào năm 2016, và đang được duy trì hàng năm, cũng vào mùa thu.

Thậm chí, còn khá nhiều thông tin thú vị khác trong đời sống sinh hoạt người dân Nagasaki được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chịu ảnh hưởng văn hóa Việt, do chính công nữ Ngọc Hoa đã truyền lại cho họ.

Vùng Nagasaki là nơi duy nhất trên xứ Phù Tang có những nét gần gũi với văn hóa Việt. Chẳng hạn, truyền thống người Nhật là thường ăn uống theo khẩu phần riêng mỗi bữa ăn, mỗi người một khay nhỏ với nhiều đĩa thức ăn nhỏ.

Nhưng dân ở vùng Nagasaki thường bày thức ăn trong đĩa lớn, để mọi người cùng gắp ăn chung như mâm cơm của người Việt. Hoặc trong khi truyền thống Nhật ăn trên bàn chữ nhật, sơn màu nâu đen, thì người dân ở đây thường ăn trên bàn tròn trải vải đỏ.

Trước khi rời đi, tôi ngắm cây cổ thụ có tán rất đẹp trên khu mộ gia đình công nữ Ngọc Hoa. Nắng Nagasaki buổi sớm thu rải vàng như mật, gió hiu hiu như thể mang hơi mát từ biển vào tận đây. Khung cảnh chốn an giấc thiên thu ở đây thật bình an.

Ngọn đồi này là nơi chôn cất các tướng quân và những người có công đức với địa phương. Tôi miên man trong dòng suy nghĩ, hình dung khung cảnh hơn 400 năm trước, lòng thầm cảm ơn tiền nhân đã dày công góp dưỡng nơi đất khách để những kẻ hậu bối như tôi khi tìm đến không giấu được sự tự hào.

Tiếng thơm để lại của người xưa cũng là sự nhắc nhở cần thiết cho những bước chân hậu thế. Dù mưu sinh, học hành hay chỉ là những chuyến viễn du đi ngang dọc nơi xứ người, cũng nhắc nhớ mình phải cẩn trọng đừng để mang tiếng buồn về người Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Viếng mộ tiền nhân nơi xứ người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO