(QNO) - Tờ The Nation (Thái Lan) số ra hôm nay 26/11 đăng bài viết của tác giả Metha Yuwannasiri - Ngân hàng Thái Lan, Việt Nam vượt qua Thái Lan để trở thành quốc gia tiếp nhận đầu tư lớn thứ hai của Nhật Bản tại Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.
Trong thập kỷ qua, Thái Lan là điểm đến chính của đầu tư Nhật Bản. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ròng của Nhật Bản vào Thái Lan chiếm 22% tổng đầu tư của nước này vào Đông Nam Á, chỉ đứng sau Singapore và hơn 36% tổng đầu tư nước ngoài của Thái Lan.
Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị gia tăng, đặc biệt xung đột thương mại ngày càng "leo thang" giữa Mỹ và Trung Quốc tác động đáng kể đến thương mại và đầu tư toàn cầu.
Minh chứng là các doanh nghiệp nước ngoài bao gồm nhà đầu tư Nhật Bản tại Trung Quốc giảm thiểu rủi ro bằng cách đa dạng hóa đầu tư sang các quốc gia khác - chiến lược được biết đến rộng rãi là "Trung Quốc + 1".
So sánh các khoản đầu tư của Nhật Bản trong giai đoạn 2014 - 2020 và 2021 - 2023, đầu tư ròng của Nhật Bản vào Trung Quốc giảm 0,3 nghìn tỷ yên (-39%). Ngược lại, các khoản đầu tư của Nhật Bản vào Đông Nam Á tăng 1.100 tỷ yên (+33%) do khu vực gần Trung Quốc và có chuỗi cung ứng vững chắc.
Trong đó, Thái Lan không còn là điểm đến hàng đầu cho các khoản đầu tư mới của Nhật Bản vào Đông Nam Á. Trong giai đoạn 2021 - 2023, Việt Nam vượt qua Thái Lan để trở thành quốc gia tiếp nhận đầu tư lớn thứ hai của Nhật Bản trong khu vực, chỉ sau Singapore.
Đầu tư ròng vào Việt Nam từ Nhật Bản tăng 260 tỷ yên (+54%), chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn và được xem là xu hướng lớn. Trong khi đó, đầu tư ròng vào Thái Lan chỉ tăng 80 tỷ yên (+13%), khiến thứ hạng của Thái Lan tụt xuống thứ ba trong khu vực về đầu tư của Nhật Bản.
Theo khảo sát mới nhất năm 2023 của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), các nhà đầu tư Nhật Bản coi Việt Nam là quốc gia có triển vọng tích cực nhất về các cơ hội kinh doanh trong 3 năm tới so với các quốc gia Đông Nam Á khác.
Sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam như một điểm đến đầu tư bắt nguồn từ một số yếu tố: nền kinh tế Việt Nam đang mở rộng với tốc độ tăng trưởng hằng năm từ 5-6% (được thúc đẩy bởi tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu). Việt Nam tự hào có lực lượng lao động dồi dào với hơn 56 triệu người ở độ tuổi trung bình là 34,1 tuổi - đại diện cho cả lực lượng lao động năng suất, thị trường trong nước đang phát triển và chi phí lao động cạnh tranh.