Vốn chính sách giúp giảm nghèo

ALĂNG NGƯỚC - VĂN THỦY 24/12/2021 06:47

Những năm qua, từ các nguồn vốn tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nam Giang triển khai thực hiện nhiều chương trình vay ưu đãi, giúp hàng trăm gia đình khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, giúp người dân Nam Giang có cơ hội phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Ảnh: N.T
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, giúp người dân Nam Giang có cơ hội phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Ảnh: N.T

Hiệu quả thiết thực

Cách đây hơn 3 năm, gia đình anh Pơloong Nhon (ở thôn Vinh, xã Tà Pơơ, Nam Giang) vẫn thuộc diện hộ nghèo như nhiều thanh niên khác mới lập gia đình ở vùng cao. Thời điểm mới ra ở riêng, vợ chồng anh Nhon loay hoay với ruộng đồng và nương rẫy.

Dù công việc cứ quần quật quanh năm suốt tháng, nhưng mùa lúa sau thu hoạch không đủ ăn khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, cuối năm 2018, sau thời gian bàn bạc tìm hướng phát triển kinh tế mới, vợ chồng anh Nhon quyết định vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư nuôi heo rừng lai và heo cỏ địa phương.

Chỉ hơn năm sau, đàn heo của gia đình phát triển nhanh chóng. Đầu năm 2020, anh Nhon xuất bán lứa heo đầu tiên cho khoản thu hơn 40 triệu đồng, giúp anh mở rộng quy mô phát triển đàn heo mới kết hợp trồng cây ăn quả.

“Lúc mới nuôi, cũng gặp không ít khó khăn do giống heo mới, trong khi kỹ năng chăm sóc của mình còn nhiều hạn chế. Nhưng được cái, heo rừng lai và heo cỏ địa phương ít bệnh, nguồn tiêu thụ lại dễ, chỉ cần có heo là thương lái đến tận nhà thu mua. Hơn nữa, thịt heo thơm ngon và chất lượng nên vợ chồng mình không lo về đầu ra sản phẩm. Sắp tới, vợ chồng mình tiếp tục mở rộng đầu tư đàn heo giống, kết hợp nuôi bò và phát triển cây lòn bon để tăng thêm nguồn thu nhập” - anh Nhon chia sẻ.

Không chỉ gia đình anh Nhon, vợ chồng chị Hồ Thị Doanh - Bh’nước Gót (ở thôn Cà Lai, xã Cà Dy) được tư vấn vay khoản tiền 50 triệu đồng mua bò, heo giống và nuôi gà thả vườn.

Từ nguồn lãi thu được, gia đình chị Doanh tiếp tục đầu tư và nay đã có trong tay mô hình trang trại nhỏ, chăn nuôi 13 con heo cỏ địa phương, hơn 50 con gà thả vườn cùng 5 con bò, mỗi năm thu về khoản tiền hơn 30 triệu đồng. Từ một hộ khó khăn, đến nay chị Doanh đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, mua sắm trang thiết bị sinh hoạt gia đình và nuôi các con ăn học.

Thay đổi tư duy phát triển

Ông Đỗ Trần Quốc Nhật - Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nam Giang cho biết, bám sát tinh thần chỉ đạo của ngành và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nam Giang đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hoàn thành các chương trình cho vay theo chỉ tiêu phân bổ.

Đồng thời tăng cường chỉ đạo cán bộ tín dụng địa bàn phối hợp cùng các hội, đoàn thể, tổ vay vốn nhận ủy thác kiểm tra, giám sát đối tượng thụ hưởng; xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Tính đến đầu tháng 12.2021, tổng nguồn vốn tín dụng của Phòng giao dịch đạt hơn 230 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn huy động qua tổ chức, cá nhân hơn 28,5 tỷ đồng.

“Bên cạnh làm tốt công tác huy động và quản lý vốn, chúng tôi tổ chức xây dựng kế hoạch, triển khai phương thức cho vay phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Từ đầu năm đến nay, doanh số cho vay đạt gần 46 tỷ đồng, doanh số thu nợ gần 38 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ của 12 chương trình tín dụng đến nay đạt hơn 181 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số chỉ tiêu cho vay đạt cao, tập trung chủ yếu vào các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện. Thông qua các mô hình phát triển kinh tế phù hợp và ngày càng có hiệu quả, nguồn vay tín dụng đang mở ra cơ hội để người dân thay đổi tư duy phát triển, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống” - ông Nhật nói.

Ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang nhìn nhận, từ rất nhiều nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, bên cạnh tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, địa phương lồng ghép triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất theo hướng phát triển đa dạng mô hình nông - lâm nghiệp gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm từng khu vực cụ thể. Trong đó, lấy người dân, đặc biệt là hộ nghèo làm chủ thể trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chương trình chính sách, đồng thời huy động tối đa nguồn lực, khuyến khích người dân thoát nghèo bền vững.

Cũng theo ông Sơn, cùng với chính sách trợ lực từ các cấp, những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Từ mặc cảm, tự ti, người dân nay đã mạnh dạn hơn trong việc vay vốn để phát triển kinh tế hiệu quả bằng các mô hình thiết thực, vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đến nay, có gần 2.000 hộ nghèo trên địa bàn huyện được vay vốn với tổng dư nợ đạt khoảng hơn 95 tỷ đồng. Sau thời gian vay vốn, có 818 hộ nghèo đã thoát nghèo bền vững. 

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vốn chính sách giúp giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO