“Gả con đúng nhà nên anh cũng yên tâm” - anh chàng bán hoa giấy nói với Thùy vậy, khi anh đang chất cây lên yên xe sau của Thùy.
Hôm trước tết, lúc Thùy đang có việc chạy xe ngang công viên, ở đoạn có hội hoa xuân, dòng người qua lại chật kín khiến những vòng bánh xe chậm lại.
Lúc đó, Thùy cũng đang vội. Thời gian của những ngày cận tết cứ như ngắn hơn, vèo cái là hết ngày, mà ai cũng muốn tranh thủ xong mọi việc trước tết. Bất chợt, một cánh tay bám lấy tay lái xe Thùy, cô hơi giật mình nhưng khi chạm phải nụ cười trên gương mặt rám nắng của chàng trai bán hoa, Thùy trấn an lại ngay. “Mua hoa giấy đi em, anh bán rẻ cho!”. Lúc này Thùy mới đưa mắt nhìn vào khu vực bán hoa giấy theo hướng tay anh ta chỉ.
“Trời ơi, sao lại bán cây ở lô trong hẻm, còn nguyên vườn là đúng rồi?”. Thùy nói tỉnh queo, chẳng cả nể gì. Anh chàng bán hoa giấy cũng cười hiền khô: “Anh mới bán lần đầu nên đâu có biết, em mua đi, anh để rẻ cho”. Trước giờ, Thùy cực ghét kiểu chèo kéo của người bán hàng, khi cần, cô sẽ chủ động mua mà không phải mời mọc gì. Nhưng hôm nay Thùy như một người khác, cô ngoan ngoãn dắt xe vào theo hướng dẫn của anh chàng bán hoa.
“Em lấy chục cây về trồng đi! Cây giấy dễ sống, dễ chăm, có bỏ lên nóc nhà cả tháng vẫn sống tốt”. Thùy phải bật cười với ý tưởng mua hoa giấy bỏ lên nóc nhà của anh chàng chủ vườn, mà thật, ở thành phố lấy đâu ra đất cho mớ cây sum sê cành lá kia đứng? Chục cây, đoán chừng chật kín ban công nhà Thùy.
Ở chung cư Thùy sống, có căn hộ đông người ở, chật đến nỗi cả chỗ nằm còn không đủ cho bằng đó thành viên. Ở chung cư thì đến nóc nhà cũng không có nốt. Nhưng sao cứ phải là “lấy chục cây”? Thùy tự nghĩ, rồi nhớ ra những hình thức thôi miên nào đó, nhưng chắc là không, vì những chùm hoa giấy kia rõ ràng có sức hút để níu ánh nhìn của Thùy ở lại.
Thùy thích trồng cây, trong đó có cả hoa giấy, nhất là loại giấy Mỹ của anh chàng bán cây. Giấy Mỹ khác với giấy truyền thống, là loại người ta trồng thành giàn trước cửa nhà, giấy Mỹ có thể thu nhỏ làm cây bon sai be bé để bàn trà, ngắm lá, thân hay hoa gì cũng đẹp! Chỉ cần có chút kỹ thuật cắt tỉa, chờ cho cây đủ nắng là có ngay chậu hoa tươi thắm trước cửa. Thùy mua về chục cây giấy Mỹ thật. Cô kê chật kín ở ban công, xong ngồi nhìn mớ cây ngoài kế hoạch mà tủm tỉm cười một mình.
*
* *
Đã có lúc, Thùy nghĩ mình từng là một cái cây. Chẳng ai cản trở những ý nghĩ trong đầu mình. Có như vậy, Thùy mới nhiều cảm xúc với cây lá đến thế. Mỗi khi chạm mắt phải mảng xanh tươi của cỏ cây, Thùy như được tiếp thêm nguồn năng lượng mát lành, tràn đầy sức sống. Ngược lại, chỉ cần thấy một chậu cây úa tàn, héo hon vì thiếu dưỡng chất, lòng Thùy đau thắt lại.
Mỗi lần ghé nghĩa trang thăm mộ bố mẹ, thứ Thùy mang theo là nước. Mùa này nắng gắt, cây cối dù được tưới tắm thì cũng chỉ được trọn ngày là khô hanh, huống gì cây trong nghĩa trang, họa hoằn lắm mới được chủ nhân vào thăm. Ai cũng biết là không chăm được, nhưng vẫn muốn trồng cây cho nơi ở của người thân xanh mát hơn, đẹp hơn. Trồng với ý nghĩ phó mặc cho đất trời, cây hứng nắng hứng mưa mà tự sống.
Vì vậy, mỗi lần vào nghĩa trang, thắp nhang cho bố mẹ xong là Thùy đi tưới cây ở những mộ lân cận. Nước ở nơi này cũng quý chẳng khác gì trên sa mạc, nên mỗi gốc chỉ được tưới một ly nhựa loại nhỏ, gọi là để cầm cự sự sống chờ mưa xuống. Lần nào rời gót, Thùy cũng ngoái lại một lượt xem thử những cây héo rũ đã tỉnh chưa, có tỉnh nổi không, rồi vương vấn niềm thương.
Dù rất muốn, nhưng Thùy không trồng bất cứ loại cây nào trên mộ bố mẹ, bởi thỉnh thoảng cô mới có dịp về thăm. Để cây chờ nước đến chết mòn, tội!
Thùy nghĩ mình từng là một loại cây nào đó, có thể lắm chứ. Trong ngôi nhà giữa lòng thành thị của mình, bất cứ nơi nào có ánh sáng, Thùy đều đặt ở đấy một chậu cây phù hợp. Mỗi ngày đi làm về, Thùy hăng hái tưới tắm cho cây. Hồi còn mẹ, mẹ hay nói Thùy dành thời gian mà nghỉ ngơi, đi làm đã mệt, sao về nhà vẫn tất bật? Nhưng Thùy chẳng biết nói sao cho mẹ hiểu, chỉ cần thấy cây đủ nước, cành lá reo vui trong nắng gió là lòng Thùy cũng phơi phới theo.
*
* *
Hôm chị Nga - chị gái Thùy ghé nhà chơi, ngay ngày vườn giấy trổ hoa rực rỡ. Loài hoa ấy, người ta vẫn nói “để tự nhiên cũng ra bông”, nhưng cây trồng trong chậu và để trên nền xi măng thì khác. Thùy xem không biết bao nhiêu clip, mỗi chiều đi bộ thể dục là mở ra xem, nghe các nhà vườn chia sẻ cách chăm sóc cây ra sao, cây cần nắng và nước thế nào để phân bổ cho phù hợp. Thật lâu sau, vườn giấy nhà Thùy mới chịu trổ bông.
Mà thật, chỉ cần nhìn chùm hoa chen chúc trên tán lá, bao nhiêu mệt mỏi trong Thùy tan biến hết. Có phải vì cây lá tiếp thêm nguồn năng lượng cho mình, hay đó là thành quả là niềm hạnh phúc mà chỉ người cất công vun trồng mới cảm nhận được? Chị Nga tấm tắc khen mấy chậu giấy nhìn xinh quá. Chị nhấc lên một chậu đặt ở lòng bàn tay, trong màu nắng, giấy càng nổi bật sắc hồng thắm thiết. Thấy chị Nga thích, Thùy ngỏ lời tặng chị một chậu giấy. Chị Nga vui lắm, cứ ngắm miên man.
Chị Nga quả là có con mắt chọn cây. Sau một hồi cầm lên để xuống, chị chọn đúng cây mà Thùy ưng ý nhất khi mua về. Đó là một cây giấy có thân to hơn cổ tay, điệu nghệ xoắn lại thành từng đường cong uốn lượn rất đẹp. Tán cây xòe rộng nhìn như chiếc dù nhỏ xinh. Giờ chiếc dù ấy có thêm sắc đỏ của màu hoa, xen lẫn màu trắng của nhụy, nhìn là không muốn rời mắt. Mỗi sáng, Thùy cũng chọn đúng chậu giấy ấy để lên bàn trà, ngồi ngắm ở góc nhìn ngang tầm, rất thú vị. Hôm anh chủ vườn giấy thấy Thùy lựa cây đó cũng khen Thùy có con mắt thẩm mỹ. Đó là cây giấy tuyển của vườn anh. Giờ nó đang nằm trên tay chị Nga, Thùy có chút tiếc nuối, nhưng không sao, chỉ cần chị thích là được.
*
* *
Bữa đó giỗ bố, Thùy về nhà chị để mấy chị em quây quần ăn với nhau bữa cơm. Thùy về từ sáng sớm, xem có phụ chị nấu nướng gì không. Nhưng chị Nga đã chuẩn bị hết những việc cần làm, chỉ nhờ Thùy ra vườn hái ít quả ớt để xíu nữa chị làm món xào sả, phải có ớt mới ngon.
Thùy ra vườn tìm cây ớt. Vườn mùa này nắng chiều, cây cối oằn mình chịu trận trong cái nóng oi bức từ sáng đến tận chiều. Thùy chợt nhớ ra cây giấy hôm trước tặng chị nên vội đi tìm. Đưa mắt nhìn quanh, Thùy nhận ra chậu giấy nằm nghiêng ngả bên đống cành và lá khô, có lẽ anh rể đợi gom nhiều sẽ đem đốt. Giây phút ấy, Thùy thấy tim mình nhói lên. Cô lại gần, ngồi hẳn xuống mà đỡ chậu giấy lên. Bầu đất của chậu giấy khô hẳn, nhẹ bẫng trên tay Thùy. Thùy chạm ngón tay mình vào thân cây giấy, cố cảm nhận được sự kết nối từ sự sống, nhưng điều đó quá đỗi mong manh. Thùy dùng móng tay của mình khứa nhẹ lên thân cây, mong sao phía sau lớp vỏ sần sùi kia còn chút màu xanh của sự sống nhưng vẻ như tất cả đã khép lại. Thân giấy để ngoài trời nắng lâu ngày đã khô sần, nhăn nheo.
Chị Nga từ trong nhà gọi vọng ra: “Hái ớt chưa Thùy ơi!”. Thùy không muốn giận chị Nga. Dù sao, đó cũng chỉ là một cái cây nhỏ, có lý do gì để đau lòng hay lời qua tiếng lại mất lòng nhau. Thùy biết, chị gái mình còn bao nhiêu việc để bận tâm, đâu rảnh mà nâng niu một chậu hoa.
Thấy Thùy lâu vào, chị Nga ngoái đầu nhìn ra, hình như chị cũng chạm mắt phải cây giấy chết khô. Chị liền chạy ra, quệt tay vào tạp dề, chị có chút bối rối: “Hôm bữa chị đi vắng nhà ít ngày, ai ngờ về cây chết khô, tiếc ghê”.
Thùy cũng dằn lòng không giận chị, bằng cách nhớ lại lời anh chàng bán hoa từng nói với Thùy: “Ai quý cây sẽ tự khắc biết cách chăm cây. Khi ấy, cây sẽ đáp đền thành quả người chăm bằng niềm vui nối dài, chứ không phải chỉ khi ngồi ngắm hoa. Anh tin khi bán cây cho em, mình đã “gả” đúng nhà”. Là lỗi tại Thùy đã “gả” sai nhà thôi. Ý nghĩ ấy khiến Thùy không còn giận chị, cô tranh thủ tìm chiếc túi bỏ thân cây giấy vào, mang về nhà.
Ở mảnh vườn nhà mình, Thùy vui mừng đếm vẫn còn đủ 10 cây hoa giấy. Niềm vui đơn giản đến bất ngờ. Cây thứ 10 chỉ còn là một thân khô, Thùy đã nghĩ, nếu cây không thể tỉnh lại, cô vẫn để ở đấy làm kỷ niệm. Cô đặt cho nó là cây “hy vọng” và mỗi ngày tưới mát bằng nguồn suối niềm tin.
*
* *
Buổi tối, gió ở đâu về lồng lộng từng cơn. Thùy ra xem vườn giấy có bị gió làm nghiêng ngả không. Đúng lúc đó, Thùy thấy chiếc mầm bé xíu mọc ra từ thân cây hy vọng. Niềm thương dâng trào trong Thùy. Cô đỡ cây giấy lên, để chiếc mầm bé xíu gần tầm mắt mình hơn. Những chiếc lá chưa hình thành, chỉ vừa nhú lên như một dấu chấm bé tí.
Chỉ một dấu chấm thôi mà khiến lòng Thùy rộn ràng niềm vui…