(QNO) - Ngày 2.6, Quốc hội thảo luận việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 42 ngày 21.6.2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và xem xét kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định tại nghị quyết này.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam thống nhất với đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 42 trong thời gian qua, đồng thời đồng ý với việc Quốc hội cho chủ trương kéo dài thời hạn áp dụng nghị quyết này. Đây là vấn đề cấp bách để tiếp tục đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, khơi thông nguồn vốn, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong điều kiện tác động chưa thể lường hết được của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đại biểu Dương Văn Phước cho biết, qua giám sát chuyên đề “Tình hình thực hiện tín dụng chính sách xã hội, tín dụng có hỗ trợ của Nhà nước và việc thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam khóa XIV nhận thấy việc xử lý nợ xấu, nợ tồn đọng kéo dài thường xuất phát từ nguyên nhân thiếu sự phối hợp hỗ trợ của các ngành, các cấp, đơn vị chức năng trong công tác kê biên, thu giữ và xử lý tài sản để thu hồi nợ; việc xử lý quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất thường không thuận lợi và kéo dài quá lâu.
Về việc mua, bán nợ xấu của tổ chức mua, bán nợ xấu, đại biểu Dương Văn Phước cho biết các khoản nợ xấu theo Nghị quyết 42 là những khoản nợ khó thu hồi, phụ thuộc vào tài sản bảo đảm chủ yếu là bất động sản, máy móc thiết bị có tính thanh khoản không cao nên rất khó xử lý, có nhiều trường hợp tài sản mang ra bán đấu giá hạ giá nhiều lần vẫn chưa bán được.
Ngoài ra, chưa có quy định pháp luật cụ thể về việc thẩm định và tiêu chuẩn thẩm định các khoản nợ xấu. Do đó, việc thẩm định giá các khoản nợ xấu đang được các tổ chức thẩm định giá thực hiện một cách tự phát, trên cơ sở dựa vào quy định pháp luật có tính chất tương đồng. Điều này dẫn đến việc tổ chức định giá thực hiện mất nhiều thời gian, kết quả không chính xác, gây khó khăn cho các bên trong việc lựa chọn mức giá tham khảo trong giao dịch mua bán nợ.
Về quyền thu giữ tài sản đảm bảo, Nghị quyết 42 quy định “TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu...”. Tuy nhiên, các TCTD gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm do nhiều nguyên nhân; bên bảo đảm hoặc bên thứ ba thường bất hợp tác, tìm cách chây ỳ, trì hoãn việc chuyển giao TSBĐ…
Một số trường hợp thu giữ, cơ quan công an, chính quyền địa phương chưa thực sự hỗ trợ TCTD trong quá trình thu giữ hoặc việc hỗ trợ chỉ dừng lại là bảm đảm an ninh trật tự và không có các biện pháp xử lý khi bên thứ ba cố tình không bàn giao tài sản cho TCTD thực hiện việc thu giữ theo quy định.
Nghị quyết 42 quy định điều kiện TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm… Tuy nhiên, một số trường hợp, thỏa thuận trong hợp đồng không quy định về việc thu giữ tài sản bảo đảm, để đáp ứng điều kiện thu giữ cần phải thêm bước thỏa thuận với khách hàng dẫn đến việc khách hàng không hợp tác hoặc kéo dài thời gian.
Việc tổ chức thực hiện thu giữ phát sinh thêm nhiều chi phí và nhân lực để bảo quản, bảo đảm an toàn tài sản, trong khi đó sẽ có rất ít người có nhu cầu mua tài sản của TCTD thực hiện thu giữ, vì tâm lý e ngại về tính chủ quyền cũng như sợ vướng các thủ tục pháp lý với người chuyển nhượng tài sản.
Ngoài ra, điều kiện tài sản đảm bảo được xử lý phải không phải là tài sản tranh chấp, trong khi hiện nay chưa có hướng dẫn thế nào là tài sản đang tranh chấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa tòa án, cơ quan thi hành án dân sự không có hệ thống dữ liệu cho phép các TCTD trích xuất, tra cứu thông tin tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết.
Đồng thời, cũng chưa có hướng dẫn về cơ chế xác định sớm, hữu hiệu trong quá trình thẩm định để xác định tài sản nào đang tranh chấp, tài sản nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn khi áp dụng quy định về thu giữ tài sản theo Nghị quyết 42.
Về thủ tục rút gọn, Nghị quyết 42 trao quyền thu giữ tài sản cho TCTD, áp dụng thủ tục rút gọn khi xử án theo Nghị quyết 03 ngày 15.5.2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đại biểu Dương Văn Phước cho biết, trên thực tế các TCTD đã thực hiện khởi kiện một số khách hàng. Tuy nhiên các vụ kiện chưa được tòa án thực hiện thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp, việc hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của tòa án để áp dụng thủ tục rút gọn gặp nhiều khó khăn, như việc thực hiện quy định về xác nhận công nợ, tài liệu về nơi cư trú của người bị kiện (người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan), do khi xảy ra nợ xấu, phần lớn khách hàng trốn tránh, không hợp tác với TCTD để phối hợp xử lý, nên việc xác nhận này rất khó thực hiện.
Về thứ tự ưu tiên thanh toán và chuyển nhượng khi xử lý tài sản đảm bảo, ưu tiên không bị kê biên tài sản thi hành án theo Điều 90 Luật Thi hành án dân sự, ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo (Điều 12 và Điều 15). Tuy nhiên, thực tế thực hiện quy định ưu tiên thanh toán còn bất cập, chưa khả thi. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản của cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân; việc chuyển nhượng bất động sản của cá nhân trong trường hợp TCTD phát mại, bán bất động sản để thu hồi nợ; cá nhân thực hiện chuyển nhượng toàn bộ (hoặc một phần) bất động sản đã thế chấp vay vốn để thanh toán nợ hay cá nhân chuyển nhượng theo quyết định thi hành án của tòa án đều thực hiện khai thuế, nộp thuế TNCN trước khi thực hiện thanh quyết toán các khoản nợ của cá nhân. Trường hợp không hoặc chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan thuế sẽ không thực hiện được thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản cho người mua tài sản, dẫn đến việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ không thể hoàn tất, việc xử lý nợ xấu không đạt được.
Mặc dù xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã đạt được kết quả tích cực nhưng thực tế vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc khi xử lý nợ xấu. Song, nếu Quốc hội đồng ý tiếp tục kéo dài thực hiện Nghị quyết 42, đại biểu Dương Văn Phước đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục thu giữ tài sản đảm bảo theo hướng giao TCTD có quyền thu giữ tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu mà không cần phải có thỏa thuận về việc bên nhận bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ tài sản đảm bảo trong hợp đồng bảo đảm. Xây dựng hệ thống dữ liệu liên quan đến các vụ việc đang được thụ lý giải quyết bởi tòa án và cơ quan thi hành án dân sự và cho phép các TCTD được tra cứu trích xuất.
Đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 42 về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo và nghĩa vụ nộp thuế; xem xét bổ sung trường hợp sang tên, đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu bất động sản liên quan đến việc xử lý nợ xấu của các TCTD vào trường hợp tạm thời chưa thu thuế. Tòa án nhân dân tối cao sớm có văn bản hướng dẫn ưu tiên áp dụng các thủ tục rút gọn được quy định tại Nghị quyết 03 khi giải quyết các vụ án liên quan đến nợ xấu của các TCTD.
Đề nghị Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng cục Thi hành án dân sự trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định tại Nghị quyết 42 bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu.