Thúc đẩy chuyển đổi số ở bệnh viện

LÊ QUÂN 18/11/2022 08:08

Ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại, tạo sự thay đổi tích cực trong việc chăm sóc bệnh nhân, khám chữa bệnh điều trị là mục đích cuối cùng của chuyển đổi số ở các cơ sở y tế.

Người dân trải nghiệm các dịch vụ ứng dụng công nghệ tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức. Ảnh: H.D
Người dân trải nghiệm các dịch vụ ứng dụng công nghệ tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức. Ảnh: H.D

Kết nối cùng người dân

Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (Điện Bàn) được xem là cơ sở y tế nằm trong nhóm tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0 vào khám chữa bệnh tại Quảng Nam. Các phần mềm chăm sóc khách hàng lẫn đầu tư thiết bị hiện đại để tiến tới hoàn thiện hồ sơ bệnh án điện tử, bệnh viện thông minh trong tương lai đang vận hành trơn tru.

“Công nghệ thông tin y tế năm 2022 đã khác rất nhiều so với 5 - 7 năm trước đây, không chỉ có phần mềm khám chữa bệnh thôi là đủ. Chúng tôi phải luôn cập nhập xu thế công nghệ thông tin trong y tế và bằng cách nào đó phải cho ra đời các phần mềm, tiện ích hỗ trợ cho người bệnh, đồng nghiệp và bệnh viện” - ông Nguyễn Vương Nghị, Trưởng bộ phận công nghệ thông tin Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức cho biết.

Xác định năm 2023 tới đây sẽ là năm công nghệ thông tin của Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, với việc đầu tư và triển khai hàng loạt những ứng dụng, phần mềm. Đây cũng là cơ sở y tế đã mạnh tay chi mua sắm các thiết bị, tiến đến hoàn thiện hồ sơ bệnh án điện tử, trở thành cơ sở y tế nằm trong nhóm tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0 vào khám chữa bệnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu tất cả cơ sở y tế kể cả công và tư phải cung cấp thông tin đến Sở Y tế để cập nhật thông tin, dữ liệu liên quan đến việc xây dựng hồ sơ Sức khỏe điện tử trên hệ thống phần mềm, hướng đến tính hệ thống hóa, chuẩn xác, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh tại Quảng Nam.

Hồi tháng 8 năm này, tại 2 hội thảo khoa học “điều trị sóng cao tần STANDARD RF, PULSED RF, COOLED RF trong điều trị đau mạn tính” và hội thảo khoa học cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức mang đến sự hài lòng cho các chuyên gia và nhà khoa học khi hoàn toàn sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) và hệ thống chẩn đoán, hội chẩn từ xa với các chuyên gia đầu ngành. Các chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông minh và quản trị thông minh vào y tế đem lại nhiều lợi ích.

Đối với chuyên môn, các ứng dụng trên nền tảng số như hội chẩn từ xa, ứng dụng kỹ thuật thông minh như phẫu thuật robot hoặc ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong việc đọc, tập hợp và phân tích dữ liệu đưa ra những đề xuất chẩn đoán và chỉ định... giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán điều trị.

Người bệnh cũng dễ dàng kết nối với bệnh viện qua ứng dụng Zalo ZNS đang được triển khai tại đây. Theo đó, mỗi người dân sau khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, hệ thống sẽ gửi tin nhắn Zalo đến khách hàng để thông báo lại chi phí đã sử dụng, nhắc các lần tái khám sau đó.

“Khách hàng cần hỗ trợ sau khi sử dụng dịch vụ có thắc mắc, phàn nàn gì có thể nhắn tin hoặc gọi Zalo miễn phí đến Zalo của bệnh viện để ghi nhận và cải thiện chất lượng. Ngoài ra bệnh viện có thể dễ dàng thông tin đến khách hàng các dịch vụ kỹ thuật mới và thông tin y tế, thông tin hoạt động đến người khách hàng một cách nhanh chóng…” - anh Nguyễn Vương Nghị nói thêm.

Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó, y tế là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong 8 lĩnh vực thực hiện chuyển đổi số. Hiện tại Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tập trung thực hiện 3 chương trình bao gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng y tế điện tử; Bệnh án điện tử và Hệ thống dịch vụ công trực tuyến y tế một cửa.

Đội ngũ công nghệ thông tin BV Đa khoa Vĩnh Đức luôn cập nhật các phần mềm, ứng dụng để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người dân.
Đội ngũ công nghệ thông tin BV Đa khoa Vĩnh Đức luôn cập nhật các phần mềm, ứng dụng để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người dân.

Tại Quảng Nam, Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngành y tế đã y triển khai các phần mềm quản lý bệnh viện, các phần mềm chuyên ngành trong lĩnh vực y tế và đang triển khai các ứng dụng thông minh trong chẩn đoán hình ảnh (xây dựng hệ thống PACS) kết nối với hệ thống quản lý bệnh viện (phần mềm HIS).

Hiện nay, tất cả bệnh viện thực hiện việc kết xuất dữ liệu phục vụ công tác thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, mọi văn bản đến và đi (trừ văn bản mật) được thực hiện trên môi trường mạng. Tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt 100%, văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy tại đơn vị này.

Thời gian tới, ngành này sẽ tập trung hoàn chỉnh hạ tầng trung tâm dữ liệu dùng chung của ngành y tế cũng như hình thành cơ sở dữ liệu thống kê y tế, cung cấp số liệu phục vụ cho công tác quản lý, hoạch định chính sách của ngành y tế, người dân đều được định danh y tế.

Đối với các bệnh viện, ngành y tế ưu tiên triển khai hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện nhằm bảo đảm khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu, đồng thời bảo đảm khả năng kết nối liên thông với tất cả trang thiết bị hiện có trong các bệnh viện như máy xét nghiệm, máy chẩn đoán hình ảnh, các màn hình tương tác, các thiết bị cầm tay cá nhân... nhằm nâng cao khả năng tự động hóa.

Tầm nhìn của chuyển đổi số trong ngành y tế tới năm 2030 là ứng dụng công nghệ số trong hầu hết hoạt động, dịch vụ của ngành, hình thành nền y tế thông minh với 3 nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thúc đẩy chuyển đổi số ở bệnh viện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO