Đời sống

Bà Usuda Reiko: "Tôi biết ơn vùng đất Hội An"

NGUYỄN HỮU HỒNG SƠN 29/09/2024 09:27

Những người bạn Nhật Bản sống ở Hội An vẫn âm thầm tổ chức các hoạt động hướng đến người dân xứ Quảng, từ giao lưu văn hóa, xã hội, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, bảo vệ môi trường tại Việt Nam... Trong số những người chọn ở lại Hội An, bà Usuda Reiko là một phụ nữ đặc biệt.

Usuda Reiko
Bà Usuda Reiko nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Bà Usuda Reiko sinh năm 1952, thành viên của Hội hữu nghị Nhật – Việt thành phố Kawasaki. Ngôi nhà và cũng là quán U Café ở đường Huyền Trân Công Chúa (Hội An) được KTS Arika Yoshida (người Nhật) thiết kế và xây dựng vào năm 2009.

Những dự án tâm huyết

Từ những chuyến đi đến Việt Nam, về các tỉnh thành miền Trung, bà Usuda Reiko đã chứng kiến cảnh những trẻ em nghèo không nơi nương tựa, những sinh viên nghèo không được đến trường... Có điều gì đó tựa như tình thương yêu con người và mảnh đất phố cổ Hội An đã thôi thúc bà Usuda Reiko, khiến bà đi đến quyết định định cư ở mảnh đất này.

Năm 2009, bà Usuda Reiko đến Hội An mua đất và dựng nên căn nhà bên dòng sông Hoài. Từ mảnh đất rộng gần 200m2, ngôi nhà được dựng lên với không gian một quán cà phê và là nơi để bà sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

U Cafe của người phụ nữ Nhật từ lâu là nơi đặt chân ưa thích của nhiều du khách trong và ngoài nước; cũng là nơi mà bà nói, là tâm huyết những ngày cuối đời của mình được sống trên đất nước Việt Nam và giúp đỡ những người dân Việt Nam.

Đã có khoảng 12.500 chiếc xe đạp cùng các thiết bị văn phòng phẩm được bà kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức ở Nhật Bản giúp trẻ em nghèo ở tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng.

Bà Usuda Reiko còn là “bà đỡ” cho các bạn trẻ với đam mê nghiên cứu những sản phẩm thân thiện môi trường. Bà đã hỗ trợ họ sản xuất để đưa được sản phẩm này đến Nhật Bản và các nước khác. Dự án sản xuất xe đạp tre xuất khẩu (vật liệu thân thiện với môi trường) của chàng trai trẻ Võ Tấn Tân ở TP.Hội An cũng được bà tài trợ và làm cầu nối xuất khẩu sang Nhật Bản và châu Âu.

Trong nhiều năm qua, bà Usuda Reiko còn kết nối với nhiều người bạn thân ở các tổ chức quốc tế như: Global Village Foundation (Tổ chức Ngôi làng toàn cầu), Helping Invisible Victims of War (Tổ chức giúp đỡ nạn nhân chiến tranh), cùng nhiều doanh nghiệp và tổ chức thiện nguyện khác, đến Việt Nam giúp đỡ cho những trẻ em mồ côi lang thang cơ nhỡ và xây dựng các dự án bảo vệ môi trường.
Trên quê hương thứ hai Việt Nam, bà Reiko Usuda đã bắt đầu những dự án tâm huyết như: xử lý môi trường, tổ chức các lớp đào tạo nghề, dạy ngôn ngữ cũng như kỹ năng ứng xử cho các trẻ em đường phố.

Nhà đóng góp xã hội

Với những nỗ lực và cống hiến của mình, năm 2013, bà Reiko Usuda nhận được Giải thưởng Nhà đóng góp xã hội từ Quỹ Hỗ trợ đóng góp xã hội.

“Hoạt động của chúng tôi bắt đầu từ chi nhánh Kawasaki của Hội Hữu nghị Nhật – Việt. Vào thời điểm đó, mỗi năm có 80 nghìn chiếc xe đạp bị bỏ hoang ở thành phố Kawasaki. Năm 2002, chúng tôi bắt đầu thu thập những chiếc xe đạp còn tốt và tặng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn phải đi học xa ở TP. Đà Nẵng và các khu vực lân cận” (sau khi liên lạc với phía Việt Nam, nơi có mối quan hệ thân thiện với thành phố Kawasaki) - bà Reiko nói.

Việc trao tặng xe đạp được bắt đầu vào năm 2003 và kết thúc vào năm 2017. Cùng với Reiko, những người bạn Nhật đã quyên góp hơn 12 nghìn chiếc xe đạp trong 14 năm dành cho trẻ em khó khăn Việt Nam.

“Tôi đến Việt Nam năm 2008 vì muốn gần gũi hơn với những người Việt mà tôi đã kết bạn thông qua các hoạt động của mình. Đầu tiên tôi chuyển đến Hà Nội, sau đó đến Đà Nẵng và cuối cùng quyết định mở một quán cà phê ở Hội An” - bà Reiko chia sẻ thêm.

Năm 2020, bà Usuda Reiko, đại diện dự án tại U Café Hội An đã được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản về những đóng góp tích cực, thúc đẩy mối quan hệ giao lưu, hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam.

Khi kể về chuyện mở quán cà phê, bà Reiko Usuda cho biết, mục đích ban đầu của những người bạn Nhật là giới thiệu công nghệ bảo vệ môi trường của Nhật Bản tới người dân địa phương.

Quán cà phê thân thiện với môi trường “U-Cafe” được thực hiện bằng cách nhờ các chuyên gia thiết kế kiến trúc và môi trường (từng làm việc tại Nhật Bản) thiết kế và tiến hành nghiên cứu.

Toàn bộ nước thải sinh hoạt được dẫn đến bể tự hoại trong khuôn viên quán. Nước được lọc theo từng giai đoạn trong 5 bể chứa, sau đó được bơm và xả vào ao trên tầng ba - nơi sinh sống của cá và thực vật. Nước tiếp tục được làm sạch tự nhiên trong ao ở tầng 3, chảy qua ao ở tầng 2 và tầng 1, cuối cùng chảy ra sông.

“Chúng tôi thường xuyên tiến hành các xét nghiệm chất lượng nước như xét nghiệm nhu cầu oxy sinh hóa (BOD) tại các ao hồ và 16 con sông trong thành phố Hội An, để chứng minh rằng nước trong các ao nuôi sạch hơn nước ở các con sông của thành phố. Chúng tôi đang tiếp tục các hoạt động của mình để giúp mọi người nhận thức được rằng có thể lọc nước ở mức độ này chỉ bằng một bể tự hoại đơn giản tự làm tại nhà” - bà Reiko nói.

Nghĩ đến câu chuyện bảo tồn

Quán cà phê của bà Usada Reiko đã tạo việc làm cho những phụ nữ bản địa - những người mù chữ hay phải sống trong môi trường khắc nghiệt, theo nhìn nhận của bà. “Gần đây, nhận thức của phụ nữ đã nâng cao và họ có thể kiếm được khoản thu nhập khá hơn nếu đi học, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện một số dự án cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua yêu cầu từ các tổ chức phi lợi nhuận” - bà Reiko chia sẻ thêm.

image_6483441 (1)
Những người bạn Nhật ở Hội An.

Về những công việc và dự định trong thời gian tới, bà Usuda Reiko nói đang muốn hướng đến câu chuyện cùng góp phần bảo tồn văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Quảng Nam.

“Gần đây, chúng tôi đã tiến hành ghi âm cuộc phỏng vấn với hai nghệ nhân người dân tộc thiểu số Cơ Tu có kỹ năng chế biến gỗ rất xuất sắc. Vì họ là những người không biết chữ nên cách duy nhất để truyền lại kỹ thuật này là truyền miệng, nhưng vì có rất ít người kế thừa nói được tiếng Việt nên chúng tôi muốn bảo tồn văn hóa của họ thông qua phỏng vấn và bảo tồn các tác phẩm” - bà Reiko nói.

Một kế hoạch sản xuất sách tranh với chủ đề về nước để nâng cao nhận thức của thế hệ tiếp theo về bảo tồn môi trường cũng đang trong những ngày bắt đầu.

“Có những giới hạn đối với những gì một quán cà phê nhỏ có thể làm được và tôi thường có cảm giác như mình đang được mọi người giúp đỡ. Mỗi ngày tôi đều biết ơn vùng đất này và đất nước Việt Nam. Tôi nghĩ vẫn còn nhiều điều chúng tôi có thể làm nếu kết hợp ý tưởng của những người trẻ tuổi hơn, vì vậy tôi muốn giao phó dần các dự án cho nữ quản lý người Việt và con trai tôi” - bà Reiko chia sẻ thêm.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bà Usuda Reiko: "Tôi biết ơn vùng đất Hội An"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO