Chuyển đổi số gắn xây dựng đô thị thông minh

XUÂN PHÚ 08/03/2022 05:37

TP.Tam Kỳ đang quyết liệt triển khai chuyển đổi số gắn với xây dựng đô thị thông minh, làm nền tảng hình thành đô thị loại I theo tinh thần Nghị quyết 08 (4.5.2021) của Tỉnh ủy.

Các thủ tục hành chính được thực hiện tại Trung tâm Hành cính công TP.Tam Kỳ. Ảnh: X.PHÚ
Các thủ tục hành chính được thực hiện tại Trung tâm Hành cính công TP.Tam Kỳ. Ảnh: X.PHÚ

Nền tảng vững chắc

Tại kỳ họp cuối năm 2021, HĐND TP.Tam Kỳ đã thông qua đề án chuyển đổi số gắn với xây dựng đô thị thông minh TP.Tam Kỳ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tuy nhiên, ngay từ năm 2016 thành phố đã tập trung đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Với sự quan tâm và có bước “chạy đà” từ sớm như vậy, đến nay Tam Kỳ đã có được nền tảng để phục vụ cho chuyển đổi số từ hạ tầng kỹ thuật, dữ liệu số đến triển khai chính quyền điện tử.

Báo cáo của UBND thành phố cho biết, hiện 100% cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, trường học, cơ sở y tế trên địa bàn sử dụng mạng internet băng thông rộng với 3 nhà mạng viễn thông lớn và 100% cán bộ, công chức, viên chức đều sử dụng máy tính kết nối internet, đáp ứng cơ bản cho việc vận hành chính quyền điện tử.

Thành phố cũng đầu tư và vận hành các hệ thống hạ tầng kỹ thuật dùng chung của địa phương gồm hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối với 13 xã, phường, góp phần giảm việc đi lại, không tập trung đông người, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Theo Đề án chuyển đổi số gắn với xây dựng đô thị thông minh TP.Tam Kỳ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nguồn kinh phí thực hiện hơn 308 tỷ đồng; trong đó nguồn tài trợ Koica (Hàn Quốc) cho dự án đô thị thông minh là 207 tỷ đồng, còn lại là nguồn ngân sách của thành phố, xã hội hóa.

Trong chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu đóng vai trò rất quan trọng, là tài sản, tài nguyên, điều kiện tiên quyết cho chuyển đổi số.

Thời gian qua, ngoài việc sử dụng cơ sở dữ liệu chuyên ngành dùng chung của tỉnh phục vụ công tác quản lý nhà nước, một số ngành của TP.Tam Kỳ cũng đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu nền để chia sẻ, kết nối với Q-office, nền tảng hệ thống Egov Quang Nam và cổng thông tin điện tử thành phố.

Tiêu biểu như Công an thành phố với cơ sở dữ liệu về dân cư; Phòng Quản lý đô thị với cơ sở dữ liệu về đất đai, quy hoạch; Phòng Nội vụ với cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức; Trung tâm Hành chính công với cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính…

Quyết liệt chuyển đổi số

Việc triển khai chính quyền điện tử thời gian qua cũng có bước chuyển biến rõ nét. Thành phố và các xã, phường công bố công khai 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền là 322 thủ tục, trong đó tiếp nhận tại trung tâm hành chính công là 318 thủ tục. Đáng chú ý, thành phố triển khai thực hiện một số mô hình như “Phòng họp không giấy”, “Công dân không viết”, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Thành phố cũng quan tâm đến phát triển kinh tế số, thể hiện qua việc hợp tác với các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn để các sản phẩm của địa phương có cơ hội tiếp cận với khách hàng trên cả nước, và đến nay có 12 sản phẩm OCOP đã được đưa lên sàn Sendo, Shopee, Tiki, Lazada như dầu phụng Bảo Tâm, bánh dừa nướng Bảo Linh...

Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - ông Bùi Ngọc Ảnh cho rằng, chuyển đổi số là quyết tâm chính trị nhằm đưa thành phố phát triển nhanh hơn, xây dựng đô thị thông minh, làm nền tảng hình thành đô thị loại I.

Qua đó, hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ tối đa công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành từ thành phố đến địa phương; đồng thời phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Theo đề án chuyển đổi số gắn với xây dựng đô thị thông minh, TP.Tam Kỳ xác định mục tiêu đến năm 2025 cơ bản thực hiện thành công về chuyển đổi số, đến năm 2030 chuyển đổi số một cách đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn thành phố, đưa Tam Kỳ thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả tỉnh về chính quyền điện tử, chính quyền số.

Để thực hiện các mục tiêu đề án, hiện nay thành phố tập trung triển khai App Smart Tam Kỳ; hệ thống phần mềm tổng hợp, phân tích, báo cáo số liệu thống kê chuyên ngành; hệ thống thông tin đất đai. Đây là những hạng mục đầu tiên của đề án nhằm nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử từ thành phố đến xã, phường để hình thành nền tảng đô thị thông minh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển đổi số gắn xây dựng đô thị thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO