Chấm dứt hoạt động chính quyền cấp huyện:Cơ quan nào quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An?
Theo chỉ đạo của Trung ương, ngày 30/6/2025 chính quyền cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động, đồng nghĩa Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn (trực thuộc UBND huyện Duy Xuyên) và Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An (trực thuộc UBND TP.Hội An) cũng phải thay đổi đơn vị quản lý.

Nhiều lựa chọn
Trong báo cáo đề xuất mô hình quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn gửi Ban Thường vụ Huyện ủy Duy Xuyên xem xét trình tỉnh mới đây, có 3 phương án được tính đến gồm: Thành lập Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn trực thuộc Sở VH-TT&DL; hoặc trực thuộc UBND tỉnh (thành phố); hoặc trực thuộc UBND xã.
Hiện tại, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn gồm Ban giám đốc và 6 phòng chuyên môn nghiệp vụ, tổng số cán bộ, viên chức lao động là 140 người (8 biên chế). Trong đó, trình độ thạc sĩ có 7 người, 51 cử nhân/kỹ sư, 19 cao đẳng, 28 trung cấp và 35 người chưa qua đào tạo.
Theo ông Nguyễn Công Khiết - Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, mô hình trực thuộc Sở VH-TT&DL được xem là hợp lý vì đảm bảo Mỹ Sơn thực hiện các chức năng tham mưu nhà nước về quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản kịp thời.
“Nếu trực thuộc UBND tỉnh (thành phố) cũng sẽ thuận lợi cho công tác cấp phép bảo tồn, trùng tu theo Luật Di sản Văn hóa. Chưa kể, cơ chế tự chủ tài chính và huy động nguồn lực cũng đa dạng, tạo điều kiện cho đơn vị linh hoạt trong điều hành, triển khai các hoạt động chuyên môn cũng như tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cộng đồng địa phương và các tổ chức quốc tế...
Dù vậy, mô hình này lại bộc lộ hạn chế với Mỹ Sơn bởi đòi hỏi đội ngũ nhân lực có chuyên môn sâu và cơ cấu tổ chức cũng phải sắp xếp tổ chức lại phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới” - ông Khiết phân tích.
Việt Nam hiện có 8 di sản thế giới (2 di sản thiên nhiên, 5 di sản văn hóa và 1 di sản hỗn hợp). Cùng với đó, cũng có nhiều mô hình quản lý khác nhau. Cụ thể, trực thuộc UBND cấp huyện có Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An và Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn.
Trực thuộc cấp sở có Ban Quản lý danh thắng Tràng An và Ban Quản lý di sản Thành Nhà Hồ. Trực thuộc UBND tỉnh có Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế; Ban Quản lý vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.
Trong báo cáo đề xuất mô hình quản lý Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An gửi tỉnh mới đây, lãnh đạo TP.Hội An cho rằng Đô thị cổ Hội An có những điểm tương đồng với các di sản văn hóa thế giới khác như Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.
Do đó, mô hình quản lý Đô thị cổ Hội An trong thời gian đến (sau khi sáp nhập Đà Nẵng) nên trực thuộc UBND TP.Đà Nẵng nhằm đảm bảo thực hiện các chức năng tham mưu và quản lý nhà nước toàn diện, bao gồm bảo tồn, tu bổ, phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch di sản và quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội liên quan đến di sản, điều này cũng phù hợp với các văn bản đã và đang được Chính phủ sửa đổi, ban hành.
Sở VH-TT&DL chỉ nên quản lý tạm thời
Ngày 22/5 vừa qua, Sở VH-TT&DL đã có Tờ trình số 161 gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc đề nghị, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành VH-TT&DL sau khi kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện.

Nội dung đề xuất thành lập Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An trên cơ sở hợp nhất một phần chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm VH-TT&TT-TH TP.Hội An và thành lập Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn thành đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở VH-TT&DL.
Ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng, trong khi chờ sáp nhập tỉnh, nên tạm thời giao Sở VH-TT&DL quản lý, nhưng về lâu dài phương án tối ưu nhất nên giao Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn về UBND tỉnh (sau này là TP.Đà Nẵng) trực tiếp quản lý nhằm đảm bảo điều kiện bảo tồn, phát huy di sản tốt nhất.
“Mỹ Sơn là đơn vị tự chủ hoàn toàn nên cũng không lo về con người và nguồn thu, do đó nếu thuộc tỉnh quản lý sẽ giúp định hướng phát triển, bảo tồn tốt hơn. Bởi, Sở VH-TT&DL chủ yếu quản lý lĩnh vực chuyên môn, không thể cấp ngân sách đầu tư phát triển cho các di sản được, kể cả quản lý địa bàn, con người, đất đai…
Điều này khác hoàn toàn với việc UBND huyện, UBND tỉnh hay UBND xã quản lý có thể quyết định được một số hạng mục đầu tư. Do đó, phương án tối ưu, hiệu quả nhất nên giao Mỹ Sơn trực thuộc UBND tỉnh hoặc UBND xã, không thể được nữa mới thuộc sở quản lý” - ông Phúc đề xuất.
Đồng quan điểm trên, theo lãnh đạo TP.Hội An nên giao Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An về UBND tỉnh quản lý trực tiếp vì Đô thị cổ Hội An là di sản sống nên cần có sự phối hợp, quản lý giữa cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương trong nhiều vấn đề từ chuyên môn đến xử lý vi phạm hành chính.
Thực tế, thời gian qua, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã thực hiện rất nhiều chức năng nhiệm vụ về chuyên môn và hành chính hiệu quả, như trực tiếp tham mưu quản lý cấp giấy phép xây dựng, giám sát trật tư xây dựng, cảnh quan; tham mưu quản lý hỗ trợ di tích tư nhân tập thể, trùng tu tôn tạo toàn bộ các di tích.́ch trên địa bàn thành phố…
Dù vậy, mô hình quản lý hiện cũng đang dần bộc lộ những hạn chế, thách thức trong công tác quản lý, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa, phát triển du lịch, biến đổi khí hậu và những áp lực từ đời sống kinh tế - xã hội hiện đại.
“Việc bỏ cấp huyện hiện nay là cơ hội để nghiên cứu một mô hình quản lý mới phù hợp với tính chất đặc thù của di sản đô thị sống, đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu bảo tồn bền vững, vừa tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, là hết sức cấp thiết nên các cấp ngành liên quan cần nghiên cứu kỹ càng, thấu đáo” - một lãnh đạo TP.Hội An chia sẻ.