Chuyện đầu tuần

Chống IUU, chống đến bao giờ?

LÊ VŨ 26/08/2024 07:54

Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) chính thức rút “thẻ vàng” đối với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác hải sản vì vi phạm các nguyên tắc IUU (illegal, unreported and unregulated fishing), là chương trình chống “Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định”.

Gọi là “chính thức” bởi trước đó từ ngày 13-19/5/2017, đoàn công tác của EC đã vào Việt Nam kiểm tra hoạt động tuân thủ các quy định của EC về IUU.

Qua kiểm tra, đoàn công tác đưa ra 5 khuyến nghị, yêu cầu đến trước 30/9/2017 Việt Nam phải hoàn thiện thể chế quản lý; quản lý đội tàu khai thác phù hợp với nguồn lợi; hoàn thiện hệ thống kiểm tra giám sát tàu cá trên biển và tại cảng; thực xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Tuy nhiên, việc cải thiện các khuyến nghị đã không thể hoàn thành lúc đó. Và cho đến nay, sau 7 năm, đã qua 4 lần EC tổ chức các đoàn kiểm tra, Việt Nam vẫn chưa thể gỡ “thẻ vàng” (các đợt kiểm tra lần lượt vào tháng 5/2018; tháng 11/2019; tháng 10/2022; tháng 10/2023). Dự kiến EC sẽ tổ chức đợt kiểm tra lần thứ 5 vào tháng 10 tới.

Trong số 5 khuyến nghị của EC, riêng về thể chế quản lý đến nay Việt Nam đã hoàn thiện; đối với các nhóm vấn đề khác, để khắc phục, thiết nghĩ quan trọng nhất hiện nay chính là tuyên truyền cải thiện nhận thức của chủ tàu, thuyền trưởng, bởi những quyết định của họ khi khai thác trên biển mới là yếu tố dẫn đến việc có vi phạm IUU hay không. Có thể nhìn thấy điều này từ “lát cắt” Quảng Nam.

Theo báo cáo của ngành chức năng vào ngày 23/8/2024, tại Quảng Nam, tính từ đầu năm đến thời điểm báo cáo đã phát hiện, xử lý 130 vụ vi phạm IUU, qua đó xử phạt vi phạm hành chính 87 vụ với tổng số tiền gần 1,88 tỷ đồng. Trong số này, các tàu chủ yếu vi phạm quy định về thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá (59/87 vụ).

Qua truy xuất tư liệu, trong cùng thời gian, năm 2023 tổng số tiền xử phạt tàu vi phạm IUU là 1,3 tỷ đồng; còn trước đó, cả năm 2022 tổng số tiền xử phạt hơn 1,2 tỷ đồng.

Số tiền xử phạt vi phạm IUU mỗi năm thêm nhiều, đồng nghĩa với số trường hợp vi phạm cũng tăng dần theo thời gian. Những hành vi nêu trên trước hết bắt nguồn từ chính ý thức thực hiện của chủ tàu, thuyền trưởng.

Hay như đến nay vẫn còn 54 tàu đánh bắt vùng khơi (dài từ 15m trở lên) chưa được chủ tàu làm thủ tục đăng ký, cấp phép khai thác; con số này đối với vùng lộng là 444 chiếc (tàu từ 12 đến dưới 15m), chiếm đến hơn 70%.

Hoặc việc tàu không cập cảng cá chỉ định để bốc dỡ hải sản theo quy định; chủ tàu, thuyền trưởng “chưa có thói quen” ghi, nộp nhật ký khai thác cũng như báo cáo về quá trình bán hải sản…

Từ sau năm 2017 đến nay, trước mỗi đợt kiểm tra của EC, từ trung ương đến địa phương đều xác định “đây là cơ hội vàng để gỡ “thẻ vàng””, nhưng rồi lần nào cũng lỡ hẹn. Lần này thì sao? Câu trả lời vẫn còn chờ ở phía trước và tùy thuộc vào nhận thức của ngư dân và sự kiên trì của lực lượng chức năng trong tuyên truyền, vận động đúng chủ thể.

Phải thừa nhận rằng các quy định của EC về chống “Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định” là một điều rất tích cực, để bảo vệ nguồn lợi và hoạt động bền vững cho ngành thủy sản, bảo vệ môi trường..., và đích đến cuối cùng là vì chính sinh kế lâu dài của người dân sống dựa vào khai thác hải sản.

Hãy khoan nói đến lần này có gỡ được “thẻ vàng”, cho dù không bị EC phạt “thẻ vàng”, các chủ tàu, thuyền trưởng cũng phải được nâng cao nhận thức thực hiện đúng các quy định trong khai thác, đánh bắt hải sản, không phải chỉ vì lợi ích quốc gia, địa phương, mà trước hết là vì lợi ích của chính họ và sinh kế bền vững của cộng đồng ngư dân - bạn biển. Vậy nên, chống IUU là không có điểm dừng!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chống IUU, chống đến bao giờ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO