Chương trình OCOP: Nguồn lực mỏng, hỗ trợ hạn chế

NHÃ PHƯƠNG 14/04/2023 04:40

Tham gia Chương trình OCOP, hầu hết chủ thể cần sự tiếp sức từ Nhà nước để có điều kiện phát triển sản phẩm. Tuy nhiên, nguồn kinh phí hỗ trợ còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu.

Phần lớn chủ thể OCOP cần sự hỗ trợ của nhà nước để có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: N.P
Phần lớn chủ thể OCOP cần sự hỗ trợ của nhà nước để có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: N.P

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho hay, những năm qua, nhiều doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ cá thể trên địa bàn thị xã tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP. Từ năm 2018 - 2022, Điện Bàn có 25 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, với 3 sản phẩm 4 sao và 22 sản phẩm 3 sao.

“Trong giai đoạn đó, từ nguồn kinh phí do ngân sách tỉnh phân bổ, thị xã Điện Bàn đã hỗ trợ cho các chủ thể 2,5 tỷ đồng thực hiện Chương trình OCOP, bình quân mỗi sản phẩm 100 triệu đồng.

Số tiền trên khá ít nên phần lớn chủ thể chỉ đầu tư cho việc xây dựng thương hiệu, thiết lập bao bì - nhãn mác hàng hóa, kiểm định chất lượng sản phẩm, đăng ký tem truy xuất nguồn gốc... chứ không đủ điều kiện xây mới, nâng cấp, mở rộng cơ sở sản xuất - kinh doanh và mua sắm máy móc” - ông Chơi nói.

Năm 2023 Điện Bàn đăng ký phát triển mới 11 sản phẩm OCOP, được ngân sách tỉnh phân bổ 800 triệu đồng để triển khai chương trình theo cơ chế quy định tại Nghị quyết số 07 (ngày 13/1/2021) của HĐND tỉnh. Ông Chơi cho rằng, khoản kinh phí trên chỉ mới đáp ứng được 70% nhu cầu của các chủ thể có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, giai đoạn 2018 - 2022, toàn tỉnh có 333 sản phẩm của 260 chủ thể được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP, gồm 275 sản phẩm 3 sao và 58 sản phẩm 4 sao, trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Riêng trong 2 năm 2021 - 2022, thực hiện Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh, Quảng Nam có 146 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, gồm 112 sản phẩm 3 sao và 34 sản phẩm 4 sao.

Mới đây, tại cuộc làm việc với Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, ông Trần Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tài chính thông tin, thực hiện Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh, từ năm 2021 - 2023 Sở Tài chính phối hợp với Sở NN&PTNT cùng các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh xuất nguồn ngân sách phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố 30 tỷ đồng và các sở ngành hơn 6,7 tỷ đồng để triển khai Chương trình OCOP. Ngoài nguồn kinh phí của tỉnh, một số địa phương cũng trích ngân sách cấp huyện bố trí thêm hơn 3 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết số 07.

Theo ông Tuấn, Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh quy định nguồn kinh phí thực hiện Chương trình OCOP là từ ngân sách trung ương bổ sung và ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện. Tuy nhiên, nguồn sự nghiệp ngân sách trung ương bổ sung cho tỉnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 rất thấp so với giai đoạn trước.

Cụ thể, năm 2021 hơn 14,8 tỷ đồng, năm 2022 hơn 44,5 tỷ đồng, năm 2023 hơn 46,1 tỷ đồng. Khoản kinh phí nêu trên phải bố trí thực hiện rất nhiều nhiệm vụ chi thường xuyên của Chương trình nông thôn mới nên không còn nguồn để bố trí thực hiện Chương trình OCOP. Trong khi đó, tỉnh chỉ hỗ trợ trong khả năng ngân sách theo Nghị quyết số 07 là 10 tỷ đồng/năm, chưa đáp ứng nhu cầu của các địa phương...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chương trình OCOP: Nguồn lực mỏng, hỗ trợ hạn chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO