(VHQN) - Nhìn từng đoàn khách nước ngoài vào thăm Mỹ Sơn, tôi lại nhớ về những kỷ niệm đặc biệt. Từ đó ngẫm nghĩ, liệu chúng ta cần quy tắc ứng xử khác, bên cạnh những quy định an toàn, an ninh cho các di sản, hiện vật lâu nay?
Hôm nay có đoàn với nhiều khách đến từ Ấn Độ thăm Mỹ Sơn. Họ đi từng nhóm, yên lặng và nhìn ngắm chăm chú, ra vẻ hứng thú. Tôi nghĩ, có lẽ họ đang về nơi quen thân của mình.
Tôi nhớ lại câu chuyện cách đây gần 30 năm, trong vai người hướng dẫn khi đưa đoàn Đại sứ Ấn Độ thăm khu đền tháp cổ Champa này.
Chuyện rằng: bà phu nhân ngài đại sứ hôm thăm di tích mặc trang phục toàn màu trắng.
Đến trước cửa vào tháp C1 - tức đền chính, bà bỏ đôi dép mang bên ngoài. Tôi là người hướng dẫn phải đi vào trước và... dĩ nhiên mang giày. Thấy vậy, nhanh chân tôi chạy ra cửa, cúi đầu xin lỗi. Có nhiều người trong đoàn cùng tôn giáo Bà la môn.
Mọi người trong đoàn lặng lẽ bỏ giày, dép, trang trọng lẫn thành kính bước vào, thực hiện các nghi lễ của mình. Tôi cảm giác như họ trở về chính ngôi nhà thờ của họ vậy.
Mỗi bước chân, mỗi động tác cúi đầu, nghiêng vai của họ, đều biểu lộ thái độ cung kính, nhẹ nhàng, như đang đối diện với thần linh và tổ tiên của họ.
Và tôi thì có một ngày đáng nhớ!
Hôm nay tôi và người bạn đến từ Canada đứng nép trong lòng tháp B1- đền thờ chính. Tôi không làm công việc thuyết minh nên lặng nhìn hai vị khách Ấn Độ hành lễ.
Người đàn ông lớn tuổi cầm chai nước ở tay phải, rót chậm rãi trên đầu linga, nước chảy từ từ xuống yoni vừa đủ để cho lời khấn nguyện. Người phụ nữ đứng bên cạnh cũng đưa tay phải đỡ tay người đàn ông cùng đọc bài kinh. Chung quanh có nhiều người bỏ dép, giày, đứng nghiêm cẩn rầm rì cầu nguyện...
Chuyện bỗng dưng làm tôi nhớ ở bên kia Trường Sơn - nước Lào với cố đô Luang Prabang - nơi có nhiều khu di tích với kiến trúc như đền, miếu, chùa… Ban quản lý di tích ở đây có bảng hướng dẫn đầy đủ những nơi để giày dép, đồ dùng cá nhân... khiến du khách tham quan có thái độ ứng xử tốt, phù hợp với không gian của di tích.
Sự tương tác của khách làm “sống lại” không gian tâm linh xưa. Khách đến thăm ăn mặc chỉnh tề, giày, dép, nón mũ tháo cất cẩn thận. Tôi sực nghĩ rằng, có lẽ chúng ta cần có một quy tắc ứng xử khác, bên cạnh những quy định an toàn, an ninh cho các di sản, hiện vật lâu nay.
Ấy là với những hiện vật đặt ở không gian di sản nhất định, nhất là những di sản thiên nhiên và văn hóa đời sống, mà du khách tìm đến thăm với tâm thức chiêm bái, tìm hiểu, thực thi các nghi lễ tôn giáo, nên chăng cần tạo điều kiện để họ tương tác. Điều ấy sẽ làm đổi khác không gian di sản, thổi hồn cuộc sống vào di sản và làm di sản có sức sống trở lại.
Phải chăng, thay vì chỉ là những đoàn khách đến chụp ảnh, nhìn ngó quan sát đầy tò mò, chúng ta cần xây dựng, bảo vệ và tôn tạo những không gian văn hóa di sản đời thật hơn, đưa du khách đến trải nghiệm, tận hưởng cơ hội hiểu biết hơn về các di sản văn hóa của chúng ta, từ thực tiễn niềm tin, tín ngưỡng trang trọng.
Điều này cũng sẽ khiến du khách tham quan cộng hưởng cùng công việc bảo tồn di sản, với tinh thần “di sản trong tay mọi người”. Nhớ hồi năm 2002, khi chúng tôi khai quật lòng suối Khe Thẻ với kiến trúc bị vùi lấp ở lòng khe suối, một du khách nữ xin được tham gia cùng với đội khai quật. Cô cũng trang bị dụng cụ và tuân thủ theo phương pháp của chủ trì khai quật. Cô ta làm tròn cả ngày công...