Chính trị

Dấu ấn công tác kết nghĩa

KHÁNH NGUYÊN 23/09/2024 07:17

Hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường đổi mới công tác kết nghĩa giúp đỡ các huyện, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi và biên giới đất liền, bằng rất nhiều chương trình, dự án, mô hình ý nghĩa, hơn 81,5 tỷ đồng được lồng ghép triển khai giúp miền núi có thêm động lực phát triển.

img_1326(1).jpg
Rất nhiều công trình nhà ở được xây dựng giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống. Ảnh: KHÁNH NGUYÊN

Hiệu quả thiết thực

Sau 4 năm triển khai công tác kết nghĩa giữa Sở KH-CN và Trường Đại học Quảng Nam với xã Trà Leng (Nam Trà My), dấu ấn mang lại rõ nét nhất là hành trình nâng cao nhận thức cộng đồng trong phát triển kinh tế, thông qua hoạt động hỗ trợ cây giống, con vật nuôi.

Bà Phan Thị Á Kim - Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết, thời điểm vừa kết nghĩa giữa Sở và Trường Đại học Quảng Nam với xã Trà Leng, địa phương xảy ra thảm họa sạt lở nghiêm trọng khiến nhiều người mất tích, thương vong.

Bằng tinh thần trách nhiệm của đơn vị kết nghĩa, bên cạnh chia sẻ với đau thương của người dân, Sở KH-CN và Trường Đại học Quảng Nam liên tục triển khai các hoạt động hỗ trợ, mong muốn người dân sớm ổn định cuộc sống, tái thiết không gian ở mới sau thảm họa.

Mới đây nhất, chương trình kết nghĩa năm 2024 giữa Sở KH-CN, Trường Đại học Quảng Nam và UBND xã Trà Leng đã được triển khai với nhiều công trình khởi động hướng về đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn.

“Vài năm trở lại đây, chúng tôi thường xuyên phối hợp thực hiện nhiều chuyến giao lưu, hỗ trợ quà tặng, sinh kế giúp người dân Trà Leng ổn định đời sống sau lũ.

Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả được triển khai, đặc biệt là dự án trồng hàng chục cây bàng, bằng lăng dọc khu dân cư Bằng La để bảo vệ đất... góp sức tô thêm màu xanh cho làng, cũng như phòng tránh rủi ro lở đất” - bà Kim chia sẻ.

6039d42611a3b4fdedb2.jpg
Sở KH-CN và Trường Đại học Quảng Nam hỗ trợ heo giống cho người dân xã Trà Leng. Ảnh: KHÁNH NGUYÊN

Trước đó, từ đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển sản xuất cam sành, quýt đường gắn với xây dựng nhãn hiệu tập thể tại huyện Bắc Trà My”, Sở KH-CN hỗ trợ ứng dụng trồng hơn 100 cây cam vàng bản địa Trà Leng và 1.000 cây quế giống giúp người dân có thêm sinh kế mới. Ngoài ra, hướng dẫn kỹ thuật trồng quế, chăn nuôi chuồng trại, xây dựng bản đồ cảnh báo thiên tai, phòng chống sạt lở tại địa phương...

Sở KH-CN và Trường Đại học Quảng Nam chỉ là 2 trong số đơn vị kết nghĩa được UBND tỉnh giao nhiệm vụ theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác kết nghĩa giúp đỡ các huyện, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi, biên giới đất liền. Thời gian qua, rất nhiều cơ quan, đơn vị phối hợp triển khai hiệu quả các mô hình, dự án dân sinh tạo động lực giúp người dân thoát nghèo.

Tiêu biểu như Hội Nông dân tỉnh, ngoài vận động hỗ trợ xây dựng 2 ngôi nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, đơn vị mở lớp đào tạo nghề sử dụng thuốc thú y, hỗ trợ trao sinh kế và tặng 50 suất quà cho hội viên nông dân khó khăn... Đặc biệt, đơn vị đang triển khai hỗ trợ người dân mô hình chăn nuôi bò hiệu quả với kinh phí gần 1,3 tỷ đồng.

“Thương hiệu” gắn kết

Nghiêm túc ngồi lại để đánh giá kết quả quá trình kết nghĩa thời gian qua giúp chính quyền huyện Tây Giang và TP.Hội An mở hướng đi mới trong hoạt động tiếp nhận và hỗ trợ.

img_1207(1).jpg
Nguồn lực và các mô hình từ công tác kết nghĩa được xem như trợ lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Ảnh: KHÁNH NGUYÊN

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nói, điều đó hết sức cần thiết, bởi sẽ tạo cơ sở để 2 địa phương đổi mới phương thức kết nghĩa, giúp đỡ theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Để có cơ sở huy động nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển, vài năm trở lại đây, Tây Giang tổ chức rà soát nhu cầu thực tiễn từ cộng đồng, rồi thông tin đến đơn vị kết nghĩa. Đây được xem là cách làm đổi mới không chỉ giúp quá trình hỗ trợ được kịp thời, mà còn hướng đến câu chuyện lớn là “đúng - trúng và hiệu quả thiết thực”.

Đánh giá hiệu quả công tác kết nghĩa giai đoạn 2021 - 2023 cho thấy, đang dần đi vào nền nếp, hạn chế những sai sót do tính hình thức, không phù hợp nhu cầu, gây lãng phí nguồn lực và tài nguyên sinh kế.

Ông Hà Ra Diêu - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, đến nay toàn tỉnh có 89 cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp kết nghĩa với 66 xã miền núi.

Trong đó, 9 huyện, thị xã, thành phố đồng bằng kết nghĩa với 9 huyện miền núi và kết nghĩa đỡ đầu 14 xã biên giới đất liền của tỉnh; một số cơ quan, đơn vị kết nghĩa với 2-3 xã đặc biệt khó khăn.

Qua đánh giá, các đơn vị triển khai rất nhiều hoạt động tích cực, đóng góp thiết thực, hiệu quả cả về vật chất, tinh thần đối với địa phương được phân công nhận kết nghĩa.

Bằng nguồn lực từ các khoản vận động trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân và lồng ghép từ các chương trình, đề án, dự án... tổng giá trị hỗ trợ công tác kết nghĩa gần 81,5 tỷ đồng.

Từ nguồn lực trên, các địa phương, đơn vị xây dựng hơn 100 nhà tình nghĩa, mái ấm tình thương, nhà đại đoàn kết; hình thành nhiều mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ nhiều loại giống cây trồng, con vật nuôi, công cụ, dụng cụ sản xuất, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật.

Đồng thời thăm hỏi, trao quà động viên nhân các dịp lễ tết; tổ chức khám bệnh cấp phát thuốc, triển khai các phiên chợ không đồng; xây dựng khu vui chơi cho trẻ em, phòng học vi tính, trang bị cồng chiêng...

“Kết quả đạt được là động lực để công tác kết nghĩa tiếp tục chuyển biến, hình thành nên địa chỉ và “thương hiệu”, góp phần tạo dựng niềm tin trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước, xóa dần tư tưởng, phong tục tập quán lạc hậu, khoảng cách giữa miền xuôi - miền ngược, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc” - ông Hà Ra Diêu nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu ấn công tác kết nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO