Bộ VH-TT&DL vừa thông qua Nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi triển khai thực hiện quy hoạch.
Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm đẩy mạnh quy hoạch Mỹ Sơn khi Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn (2008 - 2020) đã hết thời hạn gần 5 năm.
Cấp thiết
Ông Nguyễn Công Khiết - Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, việc lập quy hoạch mới là nhiệm vụ hết sức cấp thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý để Mỹ Sơn triển khai đầu tư, phát huy giá trị di sản.
“Quy hoạch cũ đã hết từ năm 2020 nhưng do vướng dịch COVID-19, thiếu nguồn lực đầu tư nên chưa thể triển khai được nên bây giờ mới thực hiện. Theo đó, bên cạnh tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn giá trị khu đền tháp Mỹ Sơn; phát triển các phân khu chức năng, hạ tầng du lịch, dịch vụ…, cũng sẽ tập trung mạnh vào việc hoàn thiện các hạng mục hạ tầng phục vụ du lịch khu vực bên ngoài Khe Thẻ; thu hút nhà đầu tư; kết nối cộng đồng cùng tham gia” - ông Khiết thông tin.
Dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2008 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/12/2008 (Quyết định 1915/QĐ-TTg) bao gồm toàn bộ thung lũng Mỹ Sơn giới hạn bằng các đỉnh núi bao quanh thung lũng, tổng diện tích phạm vi đề xuất nghiên cứu quy hoạch là 1.158ha, tổng nguồn vốn 282 tỷ đồng.
Ngoài quy hoạch sử dụng đất, nội dung dự án cũng tập trung vào công tác bảo tồn, trùng tu di tích như rà phá bom mìn, vật liệu nổ, xử lý chất độc hóa học; nghiên cứu điều kiện tự nhiên, vật liệu xây dựng; phát lộ, khai quật khảo cổ học; trùng tu gia cố, bảo tồn di tích; sưu tầm, trưng bày hiện vật; cải tạo hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan…, kết quả bước đầu khá tích cực.
Dù vậy, so với yêu cầu đặt ra, khối lượng và các nội dung công việc theo quy hoạch mới chỉ thực hiện một phần. Trong khi đó, quá trình triển khai thực hiện các nội dung quy hoạch gặp nhiều vấn đề phát sinh từ các nghiên cứu, phát hiện mới bổ sung cho giá trị di tích. Chưa kể, các yếu tố điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và nhu cầu phát triển dịch vụ du lịch đã có nhiều thay đổi.
Ông Nguyễn Công Khiết cho rằng, khó khăn trên đã gây nhiều bất lợi trong công tác quản lý, bảo vệ, huy động các nguồn lực xã hội để bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu…
Nhằm khắc phục vấn đề nêu trên, đồng thời tạo dựng cơ sở pháp lý thúc đẩy phát huy mọi nguồn lực đầu tư, hình thành điểm du lịch di sản đặc sắc xứng tầm với nội dung, giá trị của di tích, tiến tới hình thành vùng không gian di sản tiêu biểu của quốc gia và thế giới, cần thiết phải lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo các quy định của pháp luật.
Đẩy nhanh tiến độ
Trong buổi làm việc với Bộ VH-TT&DL do Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chủ trì diễn ra hôm 18/2, ông Cương lưu ý trong nhiệm vụ quy hoạch cần điều chỉnh giai đoạn đến năm 2035 để có thời gian triển khai các hạng mục đề án khi được phê duyệt, tập trung hoàn chỉnh quy hoạch sớm nhất trong 2 năm 2025 - 2026, chú trọng hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch trình Thủ tướng sớm (trong quý I/2025) để triển khai thực hiện đề án quy hoạch đúng thời gian.
Đề án quy hoạch do Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn là Công ty CP Quy hoạch Hà Nội. Theo ông Nguyễn Công Khiết, việc xây dựng đề án phải luôn dựa trên quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Cụ thể, bên cạnh bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể (kiến trúc, tâm linh, tín ngưỡng, lễ hội...), đề án cũng chú trọng phát huy giá trị di tích đáp ứng nhu cầu của người dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tạo lập sự hải hòa giữa bảo tồn và phát triển, bao gồm bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học và di sản văn hóa của cộng đồng trong khu vực nghiên cứu quy hoạch trên cơ sở kế thừa các mục tiêu Quy hoạch giai đoạn 2008 - 2020.
Hướng tới phát huy giá trị Khu đền tháp Mỹ Sơn là điểm du lịch văn hóa hấp dẫn của tỉnh, quốc gia và thế giới, đồng thời kết nối với các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh khác tại địa phương, hình thành chuỗi sản phẩm du lịch.
Quá trình quy hoạch sẽ triển khai theo các giai đoạn gồm khảo sát sơ bộ, điều tra, sưu tầm tài liệu lịch sử văn hóa, chụp ảnh, vẽ ghi, đánh giá hiện trạng cho tất cả các hạng mục kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật tại các điểm di tích.
Khảo sát, đánh giá sơ bộ về các yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên, hạ tầng kỹ thuật của khu vực lập quy hoạch; đánh giá khái quát quy hoạch giai đoạn 2008 - 2020, xác định các nội dung đã thực hiện và chưa thực hiện, các yêu tố và nhu cầu mới; cập nhật các quy hoạch, dự án có liên quan trong khu vực nghiên cứu… Tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành liên quan; các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư...
“Quy hoạch mới sẽ phải đảm bảo các giá trị tiêu biểu về lịch sử, giá trị về khảo cổ học, giá trị về kiến trúc nghệ thuật, giá trị về cảnh quan đa dạng sinh học, giá trị về sử dụng và phát huy, đặc biệt đóng vai trò hạt nhân kết nối, tạo động lực phát triển” - ông Khiết nói.