Thỉnh thoảng có nghe nói chìm ghe trên lòng hồ Phú Ninh. Những cái chết thảm, mà bản tin đưa liền sau đó thường có câu “được biết gia đình họ rất khó khăn, là hộ nghèo…”.
Gặp nạn, không phải đi vi vu hóng mát ăn nhậu chụp hình, mà đó là kết cục của cuộc bơi vì áo cơm từ chuyện chạy thuyền vào lòng hồ kiếm củi bán lấy tiền độ nhật. Nạn nhân hầu hết là dân Tam Đại (Phú Ninh).
1. Thôn Long Sơn thuở trước, cũng chính là thôn Long Khánh (xã Tam Đại, Phú Ninh) bây giờ, có tiếng liều kiếm củi trong rừng phòng hộ Phú Ninh. Có người kể rằng, thời điểm cao nhất, gần như nhà nào cũng có thuyền như phương tiện mưu sinh cứu đói duy nhất cho họ, khi miếng ăn trên ruộng chỏng chơ.
Theo bà Lê Thị Loan (62 tuổi, ở tổ 2) thì mười mấy năm qua, đi hồ kiếm củi chết biết bao nhiêu, có lúc chìm ghe chết năm - sáu người chứ không phải ít.
Vẫn giọng trầm trầm bất lực, những gian truân kiếm được miếng cơm của cư dân sát chân hồ Phú Ninh này như trượt qua lời kể bà Loan, một kiểu trơ khấc mà cay đắng: “Kỳ này họ bớt đi ghe nhiều rồi, bởi già rồi, số trẻ dại thì đi làm công ty sướng hơn. Hồi nớ đi hồ, rúc lên núi, đi sáng sớm tới tối thui mới được mấy bó củi. Gánh được gánh củi từ chân đập lên bờ, xa kinh hồn. Có củi thì về đứng trưa, hoặc tối, chứ chiều gió kinh, lật ghe.
Đi củi, bứt mây, rà sắt phế liệu. Củi khô thì không đáng lo, chứ củi tươi thì phải 7 - 8 giờ tối mới dám về, bởi kiểm lâm bắt. Đi cả ngày, chỉ được 4 bó, mỗi bó chỉ chừng 50 - 60 nghìn đồng là quá tay”. “Cô còn đi không?” - tôi hỏi. “Già rồi đi chi nổi! Chừ chỉ có mấy người tuổi 40 - 50, lở dở việc làm vì không xin công ty làm việc được, mới đi”. “Còn nhiều người đi củi không?”. “Còn”. “Không đi thì tuổi như cô sống bằng chi?”.
Bà Loan không trả lời thẳng câu hỏi của tôi, mà nói rằng, dân nơi đây từ xưa đến giờ chưa hết cực. Nhiều người vốn trước ở trong lòng hồ. Khi hồ Phú Ninh được thi công, họ rời ruộng rẫy ra đây. Và như nghịch lý “bóng chân cột đèn”, ở ngay công trình đại thủy nông lớn nhất nước, mà không có nước thủy lợi.
“Khổ” - bà nói - “mùa nắng thì cháy đen, còn mưa thì chẹt nhẹt vì nước nhỉ, thấm ở kênh, chẳng trồng chi được hết”. Nghịch lý này kêu la đã lâu, và từ 2019, người ta đã tiến hành làm trạm bơm cùng kênh mương để xóa cái cảnh trớ trêu đó.
2. Ông Lê Văn Cường - Tổ trưởng tổ 3 cười nói: “Trước đây có nước mô, toàn đi củi, năm ngoái ông Nguyễn Đức Hải - Phó Chủ tịch Quốc hội về tiếp xúc cử tri, tôi bức xúc quá bèn lên tiếng, ông Hải nói “sao lạ quá, bỏ tiền ra làm mà không có nước tưới là sao? Nói không hiệu quả, thì vì sao không hiệu quả?”. Rứa là thời gian ngắn sau, mấy ổng hối thúc làm, đến tháng 6 năm ni là có nước cho tổ tôi và một ít ở tổ khác”.
Cười như ông Cường, được mấy người? Bà Loan nói: “Mùa khô thì phải tát nước vô ruộng. Vụ đông xuân, có nước trời nên sạ sớm, rứa là gió bấc hư hết, trâu ăn. Rau không có nước, cũng thua”.
Con số được đưa ra từ cơ quan chức năng khi tiến hành xây trạm bơm Long Sơn, là sẽ tưới cho 60ha ruộng của Long Khánh. Nhưng thống kê từ ông Thái Hữu Triệu - Trưởng thôn Long Khánh, là có 50ha sản xuất được một vụ đông xuân, chỉ 5ha có nước thường xuyên và 5ha rau màu không nước. Vì khó làm ăn cả xã Tam Đại có 44 hộ nghèo thì Long Khánh đã chiếm 20 hộ!
Hà cớ chi nước sát chân mà miệng chịu khát? Bà Thủy - một người dân ở đây nói: “Nhiều đoạn kênh mương họ đào quá sâu, trong khi ruộng lúa của bà con lại ở trên cao. Vì vậy khi có nước chảy qua thì mọi người không thể lấy nước vào ruộng lúa được, nên đành dùng máy bơm để hút nước vào ruộng. Làm được vụ đông xuân, còn lại bỏ hoang”.
Rau lúa ngất ngưỡng lên cao, nước ở đâu tít mù phía dưới. Lội vào trạm bơm đặt ở tổ 3, thấy cái hố chứa chừng 12m2, cửa phòng vận hành đóng kín, cỏ lút ngang gối, đường mương ăn liền sau đó chừng 10m, chạy âm sâu dưới đất.
Một anh (giấu tên) ở đây nói, đường mương từ trạm chính là Trạm Đại An nhỏ hơn đường vào trạm trung chuyển, nước sao mạnh được? Mương nhỏ, làm… tréo ngoe, ruộng cháy dân nghèo là đúng. Gặp ông Thái Viết Tranh đang chăn bò, ông nói buồn bã: “Tôi nay 73 tuổi, chắc tới chết, chưa thấy nước kênh vô ruộng mình”.
Bao nhiêu người, mấy chục năm rồi sống với ruộng đồng để đó ngó chơi, nước máy không có phải uống giếng đào, mà nói như ông Tranh là có bể chứa nhưng hôi mùi lưu huỳnh. Rồi một bà già nói thêm nấu cơm thì nước có màu đục, hôi lắm. Xã đem máy đào về đào mấy chục cái giếng cho dân có nước uống, nhưng mùa nắng thì trơ đáy.
Hết lớp ông bà đến con cháu, nước kênh, nước sạch, không biết có về trong giấc mơ. Cứ tiếp xúc cử tri, thì dân la làng, xã kiến nghị, nhưng “nói thật nhiều mà nước chẳng bao nhiêu”.
Lãnh đạo xã cho hay, được xây từ 2019, nhưng đến nay chủ đầu tư dự án là Ban quản lý Dự án - Quỹ đất huyện Phú Ninh vẫn chưa bàn giao trạm bơm cho chính quyền địa phương quản lý đưa vào vận hành. Cả xã hiện có 20ha đất hoa màu phải nhờ hoàn toàn vào nước trời mà canh tác.
3. Sống cạnh hồ thủy lợi mà không nước, như cảnh ở sát thủy điện mà không điện, hỏi sao dân không la trời? Ở đây, họ truyền nhau câu “sau chết nước, trước chết khô”, nghĩa là trước mặt có ruộng cháy đen, khô rang, chết khát, sau lưng là hồ đi thuyền lấy củi, lật, cũng chết.
Nhưng thà chết còn hơn ngồi im chịu đói, với những người như anh Nguyễn Nhân ở tổ 2. Gặp anh giữa đường, hỏi, anh nói một hơi: “Tôi đi thuyền vô hồ lúc 13 tuổi, nay đã 45 tuổi, vẫn đi như thường, mỗi ngày kiếm được chừng 300 - 400 nghìn đồng từ lấy củi khô bán cho nhà máy dăm gỗ. Không đi thì chết đói”.
“Anh bị bắt, bị chìm thuyền lần nào chưa?”. “Có chứ, bắt, tịch thu máy, ghe, phạt mấy lần. Năm 1982, mẹ và chị gái tôi cùng 2 người nữa bị chìm ghe, chết hết. Hồi nớ chết nhiều lắm. Tổ 2 ni chừ còn chừng 15 - 20 người đi. Có đứa mới bị bắt đây, phạt 1,5 triệu đồng, thu phương tiện. Nói đúng ra, kiểm lâm cũng thông cảm, mình chỉ lấy củi khô, cũng vì miếng ăn, chứ rừng phòng hộ ai cho mình vào”.
Anh cười như không, nhưng tôi thì thấy chát đắng. Cả trạm bơm và tuyến kênh này (dài 1,5 km), đầu tư 4 tỷ đồng, nó không đến được với những đôi mắt mấy chục năm qua chực chờ mong ngóng trong cơn đói nước hồ Phú Ninh.
Bởi ruộng cao hơn kênh, mà theo ông Dương Thanh Chung - Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án - Quỹ đất huyện Phú Ninh, khi trả lời báo chí, là do địa hình ở đây cao. Muốn làm như ý bà con, thì phải thay thiết kế, nguồn đầu tư sẽ đội lên.
Đụng tới tiền to mà xứ nghèo, thì khốn khổ, nhưng không lẽ cứ mãi thế ư? Chẳng lẽ không có lối nào ra cho những người ở quanh vùng này? Nghĩ đến đây, tôi nhớ lúc gặp bà Lê Thị Loan, nghe giới thiệu là nhà báo, bà… quăng ngay một câu “báo, đài tới đây nhiều lắm, mà có được cái chi đâu?!”.