Đời sống

Đối mặt nguy cơ sạt lở, Nam Trà My khẩn trương phòng tránh

DIỄM LỆ - TRUNG LÊ 10/10/2024 08:45

Sạt lở tiếp tục đe dọa tài sản và tính mạng người dân ở một số khu dân cư tại huyện Nam Trà My. Việc an cư, đảm bảo an toàn cho người dân mùa mưa bão là nhiệm vụ hàng đầu của địa phương lúc này.

z5888380935378_cb96832b507b22181c7037a1452bdcb1.jpg
Lãnh đạo và ngành chức năng của huyện Nam Trà My khảo sát tại hiện trường một vụ sạt lở đầu mùa mưa năm nay.

Hiện hữu nguy cơ mất an toàn

Mới vào đầu mùa mưa, nhưng tại huyện miền núi cao Nam Trà My đã liên tiếp xuất hiện sạt lở tại một số khu dân cư. Cụ thể, tại làng Lăng Lương (thôn 2, xã Trà Tập) mưa đã gây sạt lở hàng trăm khối đất đá xuống đường và tràn vào khu dân cư.

Ngay sau đó, xã Trà Tập đã tập trung lực lượng di dời 26 hộ/95 nhân khẩu đến nơi an toàn. Trước đó, xã Trà Cang cũng đã khẩn cấp di dời dời 33 hộ/171 nhân khẩu thuộc 2 cụm dân cư làng Tak Chay (thôn 5, xã Trà Cang) về nơi ở an toàn.

Ông Hồ Văn Níp - Chủ tịch UBND xã Trà Tập cho biết: “Sau sự cố, lực lượng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) xã đã khảo sát tại điểm sạt lở và trên đầu nguồn phát hiện nhiều vết nứt, gãy.

Làng Lăng Lương nằm trong vùng nguy hiểm do sạt lở, được quy hoạch sắp xếp khu dân cư theo Nghị quyết số 23 ngày 22/7/2021 của HĐND tỉnh. Huyện Nam Trà My đã có kế hoạch, sơ đồ quy hoạch cụ thể để di dời 26 hộ về nơi ở mới an toàn cách làng Lăng Lương hiện nay gần 2km. Lực lượng xung kích, tình nguyện đang tích cực dựng nhà tạm trong lúc người dân chờ nơi ở mới tại khu dân cư đã quy hoạch”.

Theo thông tin từ UBND huyện Nam Trà My, ngoài các khu dân cư thì 3 điểm trường cũng có nguy cơ mất an toàn là Răng Chuỗi (thôn 1, xã Trà Tập), Tong Pua, Lâng Loan (thôn 3, Trà Cang). Mưa lớn đầu mùa bị đất đá tràn vào ảnh hưởng đến công tác dạy và học, về lâu dài rất mất an toàn nên cũng phải tính đến phương án di dời 3 điểm trường.

Cần nguồn lực hỗ trợ tái định cư

Theo ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, việc sắp xếp dân cư, bố trí tái định cư cho người dân trong vùng có nguy cơ sạt lở được huyện quan tâm hàng đầu.

z5888371542303_41dfe8fc995585db386bfe57048a3a74.jpg
Các lực lượng làm nhà tạm cho dân ở làng Lăng Lương.

Từ năm 2021 đến nay, Nam Trà My đã phê duyệt phương án cho 20 khu tái định cư với 944 hộ được bố trí chỗ ở mới. Trong đó 14 khu dân cư đã xây dựng xong, 6 khu tái định cư được phê duyệt trong năm 2024 đang triển khai thực hiện.

Ông Mẫn thông tin: “Việc quy hoạch sắp xếp khu dân cư từ các nguồn lực được huyện Nam Trà My ưu tiên thực hiện nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên khi triển khai thực hiện gặp một số vấn đề khó khăn như nguồn kinh phí phân bổ hàng năm thấp, các hộ dân sắp xếp dân cư hầu hết là hộ nghèo, cận nghèo, thuộc diện đặc biệt khó khăn nên khả năng đối ứng thực hiện chương trình hạn chế.

Điều kiện địa hình miền núi phức tạp, độ dốc lớn, không có diện tích mặt bằng rộng lớn để quy hoạch. Khu dân cư phải có đất đai đủ rộng, nơi không có nguy cơ sạt lở, nơi có nước sinh hoạt, có đất sản xuất, nên việc khảo sát tìm một nơi hội đủ các yếu tố như trên rất khó khăn. Việc tái định cư cho người dân của Nam Trà My vẫn đang rất cần sự hỗ trợ nguồn lực từ các cấp trong thời gian tới”.

Qua thống kê của UBND huyện Nam Trà My, dù đã nỗ lực trong việc tái định cư, di dời dân đến nơi an toàn, nhưng hiện nay trên địa bàn huyện có 39 khu dân cư với khoảng 12.000 người dân đang sinh sống vẫn hiện hữu nguy cơ sạt lở.

Trong điều kiện chưa thể bố trí tái định cư được khi nguồn lực chưa đủ, huyện phải chủ động phòng tránh. Tuyên truyền cho người dân những nguy cơ, khi xuất hiện các hiện tượng gây sạt lở thì phải chủ động báo chính quyền địa phương, lập tức di dời người và tài sản cần thiết, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra là mối quan tâm hàng đầu của huyện.

Ông Mẫn cho biết: “Bài học ở Trà Leng về sạt lở, nhìn ra các tỉnh phía Bắc thấy nhiều vụ sạt lở kinh hoàng, chính quyền và người dân càng ý thức cao hơn trong việc chủ động phòng tránh. Trước khi có đủ nguồn lực để di dời tất cả dân cư ở vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi tái định cư an toàn, huyện Nam Trà My đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Ngoài ra, người dân cũng phát huy tính chủ động, khi đi rẫy phát hiện vết nứt thì báo cho UBND xã biết để khảo sát ngay, tránh việc mưa lớn xảy ra sự cố sẽ ứng phó khó khăn”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đối mặt nguy cơ sạt lở, Nam Trà My khẩn trương phòng tránh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO